Đây được coi như là một nỗ lực mới để "đào" đồng Bitcoin theo hướng giảm thiểu chi phí năng lượng và thân thiện với môi trường. Theo CEO của Công ty chuyên về công nghệ chuỗi Blockstream, ông Adam Back, trung tâm khai thác tiền điện tử sẽ sử dụng nguồn lưu trữ năng lượng và năng lượng mặt trời của Tesla.

 

Ông Adam Back nhận định, xây dựng trung tâm này để chứng minh rằng, khai thác Bitcoin có thể hỗ trợ cho cơ sở hạ tầng điện không phát thải và xây dựng tăng trưởng kinh tế xanh trong tương lai. Ông Adam Back cho biết thêm, Blockstream đã đầu tư 6 triệu USD vào dự án với mong muốn đào được 0,1 Bitcoin/ngày.

Trung tâm khai thác Bitcoin được đặt tại Texas, được trang bị các tấm hấp thu và pin năng lượng Mặt Trời của Tesla. Cụ thể, trung tâm sẽ được cung cấp năng lượng bởi các tấm pin Mặt trời 3,8 megawatt và ‘siêu pin’ Megapack 12 megawatt giờ do Tesla cung cấp.

Theo CNBC, sự kết hợp giữa thiết bị siêu pin Megapack và quang điện Tesla sẽ thúc đẩy 30 Petahashes (đơn vị đo lường khả năng giải thuật toán của các thiết bị đào tiền mã hoá) mỗi giây của phần cứng khai thác tại cơ sở với 100% năng lượng mặt trời.

Bên cạnh đó, theo ông Adam Back, dự án không chỉ đơn giản là tạo ra tiền điện tử, mà mô hình khai thác Bitcoin này còn có thể giúp tài trợ cho nguồn năng lượng tái sinh.

Hai công ty công nghệ Block và Blockstream đều kỳ vọng dự án thí điểm thành công. Nếu dự án thuận lợi, theo kế hoạch có thể tăng quy mô trung tâm này gấp 100 lần trong tương lai.

Đây không phải là dự án khai thác tiền điện tử đầu tiên sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo. Trước đây, tại El Salvador, nơi tiền điện tử đã được phép giao dịch chính thức, việc khai thác tiền điện tử được thực hiện tại một nhà máy địa nhiệt sử dụng nguồn năng lượng từ các ngọn núi lửa bao quanh.

Theo trang Archyde (Mỹ), việc khai thác tiền điện tử tiêu tốn rất nhiều điện năng, do đó, ngành này đang bắt đầu nắm bắt xu hướng của nền kinh tế. Cụ thể, trong vài năm gần đây, ngành khai thác Bitcoin đã chứng kiến sự ra đời của nhiều sáng kiến nhằm tạo sự phát triển bền vững và thân thiện với môi trường hơn.

Năm ngoái, hàng chục công ty công nghệ đã ký kết tham gia Hiệp ước Khí hậu Crypto, cam kết đạt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2030.

Trên thực tế, ý tưởng dùng điện mặt trời để đào Bitcoin đã xuất hiện trên thế giới từ nhiều năm trước. Khi cơn sốt Bitcoin lên cao năm 2017, nhiều doanh nhân ở Australia, Mỹ đã đầu tư hệ thống điện mặt trời lớn để khai thác tiền điện tử.

(Theo Nhịp sống kinh tế)