- Thái Lan ở cách xa các nhà máy điện hạt nhân dự định xây dựng của ở Ninh Thuận (Việt Nam) và các nhà máy đã và đang mọc lên ở Hải Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) đến trên 700 km. Thế nhưng, gần đây Thái Lan đã tỏ ra quan ngại về điều đó…

Các nhà nghiên cứu ở Viện Năng lượng Nguyên tử VN (Viện NLNTVN) cho biết, Thái Lan, trong thời gian qua, tỏ ra quan tâm nhiều đến các nhà máy điện hạt nhân đang mọc lên ở các tỉnh phía nam Trung Quốc và cả với Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận đang hình thành ở Việt Nam.

{keywords}
Viện Khoa học Kỹ thuật Hạt nhân trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.

Không rõ sự quan ngại đó đến ở mức nào, chỉ biết các nhà khoa học và công nghệ hạt nhân Thái Lan công khai thể hiện mong muốn hợp tác với các đồng nghiệp Việt Nam trong việc khảo sát và xây dựng phương pháp tính toán đánh giá ảnh hưởng và tác động môi trường trong trường hợp xảy ra sự cố hay tai nạn của các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam và Trung Quốc, dẫn đến phát tán phóng xạ và lan truyền đến các quốc gia ở gần.

Vấn đề này đã được Bộ trưởng Bộ KHCN Thái Lan giao cho các nhà khoa học tại Viện Công nghệ hạt nhân Thái Lan nghiên cứu và tiến hành thực hiện. Tiếp theo, viện này đã đề xuất tổ chức một cuộc hội thảo khoa học phối hợp giữa họ với Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam với chủ đề “Nghiên cứu an toàn Nhà máy Điện hạt nhân” (Nuclear Power Plant Safety Research) diễn ra trong hai ngày 25 và 26 tháng 1 năm 2016 tại Viện Công nghệ hạt nhân Thái Lan. 

Đồng thời mời các đồng nghiệp Việt Nam tham gia và báo cáo các kết quả nghiên cứu đã thu được từ Đề tài KC-05.04 “Nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của phóng xạ phát ra từ nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) Ninh Thuận 1 trong điều kiện hoạt động bình thường và khi xảy ra sự cố theo các cấp độ khác nhau” do Ts. Nguyễn Tuấn Khải làm chủ nhiệm.

{keywords}
Địa điểm dự kiến Nhà máy điện Hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

Trong thực tế, theo trang mạng của Viện NLNTVN, tập thể nghiên cứu của Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân (Viện KHKTHN), về cơ bản, đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu cần thiết, bao gồm xây dựng quy trình tổng quát; bao gồm đánh giá loại đồng vị và cường độ nguồn phóng xạ phát tán ô nhiễm phóng xạ xung quanh, lập bản đồ phân bố hoạt độ và liều bức xạ, đánh giá tác động môi trường gây bởi sự phát thải chất phóng xạ từ NMĐHN Ninh Thuận 1 trong điều kiện làm việc bình thường, cũng như trong một số kịch bản tai nạn theo các cấp độ của thang sự cố (tai nạn) hạt nhân quốc tế (INES) trong phạm vi bán kính 80 km từ vị trí nhà máy (phát tán phóng xạ tầm gần) dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá của Cơ quan Pháp quy hạt nhân Hoa Kỳ (USNRC).

Với các kết quả nghiên cứu đã đạt được trên đây, một đoàn gồm 06 cán bộ nghiên cứu của hai Trung tâm Năng lượng hạt nhân và An toàn hạt nhân của Viện KHKTHN đã tham dự hội thảo ở Thái Lan và trình bày 07 báo cáo khoa học với nội dung mở rộng, từ vấn đề năng lực nghiên cứu và chương trình phát triển nguồn nhân lực ĐHN của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, đến đánh giá số hạng nguồn và tác động môi trường với một số kịch bản tai nạn giả định tại NMĐHN Ninh Thuận 1, và mở rộng thêm đến vấn đề nghiên cứu các đặc trưng vật lý, tính toán tối ưu nạp tải nhiên liệu, nghiên cứu an toàn thủy nhiệt và an toàn hạt nhân trong phòng chống sự cố nặng đối với công nghệ VVER-1200.

Các báo cáo của đoàn đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của lãnh đạo Viện Công nghệ Hạt nhân và các nhà khoa học Thái Lan. Tham gia hội thảo về phía Thái Lan là các nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ hạt nhân, các nhà khoa học đến từ Đại học Chulalongkorn, Đại học công nghệ King Mongkut và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử vì hòa bình. Phía chủ nhà Thái Lan cũng trình bày các báo cáo tập trung vào chủ đề về đánh giá năng lực nghiên cứu công nghệ và an toàn ĐHN, hệ thống quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường, các ứng dụng kỹ thuật và phân tích hạt nhân trên lò phản ứng nghiên cứu TRIGA Mark III của Thái Lan.

Thông qua các trao đổi khoa học hai bên đã nhận thức được các vấn đề chung cùng quan tâm và mong muốn đẩy mạnh hợp tác. Sau khi trao đổi và xem xét tính khả thi của một số đề xuất nghiên cứu phối hợp, hai bên đã thống nhất lựa chọn đề tài nghiên cứu vấn đề lan truyền phóng xạ tầm xa và đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới từ các kịch bản tai nạn giả định tại NMĐHN Ninh Thuận của Việt Nam và NMĐHN Phòng Thành của Trung Quốc, tiến tới cùng xây dựng, phát triển và sở hữu chung một phần mềm tính toán chuyên dụng.

Trên cơ sở đề xuất này hai bên đang thảo luận để đi đến thống nhất mô hình hợp tác nghiên cứu phù hợp, hiệu quả để đệ trình lãnh đạo của Viện Công nghệ hạt nhân Thái Lan và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam xem xét. Hai bên hy vọng mô hình hợp tác nghiên cứu nếu được thông qua có thể là tiền đề cho một số đề tài hợp tác tiếp theo, kể cả các chương trình trao đổi khoa học và phát triển nguồn nhân lực.

Sẽ không dừng chỉ ở sự hợp tác giữa hai nước Đông Nam Á là Việt Nam và Thái lan như trên đây, trong một tương lai gần sự hợp tác giữa Thái Lan với các quốc gia hạt nhân chắc sẽ mở rộng. Vì không loại trừ khả năng bản thân Thái Lan cũng bắt đầu bước vào con đường phát triển điện hạt nhân. Và trong thực tế khả năng đó đã xuất hiện.

Quả vậy, ngày 25.12 vừa rồi tờ Bangkok Post cho biết Thái Lan và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận hợp tác trong một dự án năng lượng hạt nhân, xây nhà máy tại Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây (miền Nam Trung Quốc), ngay sát biên giới với Việt Nam.

Ngoài ra, một thỏa thuận khác cũng vừa đạt được, theo đó Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Trung Quốc (CGN), Tập đoàn Đầu tư Quảng Tây và Công ty phát điện Ratchaburi; một chi nhánh của Tổng công ty điện lực Thái Lan cũng sẽ hợp tác thành lập liên doanh phát triển, xây dựng và vận hành giai đoạn số 2 của nhà máy điện hạt nhân tại thành phố Phòng Thành…

Như vậy, biết đâu bây giờ Thái Lan không thật quan ngại mà chỉ quan tâm đến việc Việt Nam có nhà máy điện hạt nhân. Chỉ một câu hỏi mới lúc này cũng khó trả lời chính xác: Trong hai quốc gia thành viên Đông Nam Á, Việt Nam và Thái Lan, nước nào sẽ sử dụng trước dòng điện phát ra từ nhà máy điện hạt nhân?

Minh Trần