Mỗi ngày có khoảng 7.000 chuyến xe được hoàn thành trên ứng dụng MyGo

MyGo (do Viettel Post phát triển) là tân binh trên thị trường ứng dụng gọi xe tại Việt Nam. Ứng dụng này tham chiến khá muộn màng so với FastGo hay be, đồng thời đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như Grab, Go-Viet.

Dù vậy, theo chia sẻ từ lãnh đạo Viettel Post, sự ra đời của MyGo đã được ấp ủ từ trước và việc ra mắt ứng dụng này là cần thiết để hoàn chỉnh hệ sinh thái của Viettel Post với triết lý lấy khách hàng làm trung tâm.

Dù "sinh sau đẻ muộn" nhưng MyGo đang có lợi thế rất lớn khi đã có sẵn một lượng bưu tá sẵn có ở các địa phương. Theo chia sẻ của Viettel Post là 17.000 bưu tá. Việc phát huy thế mạnh của thương hiệu Viettel và cùng lúc “bung” ứng dụng ra các tỉnh, thành phố với dịch vụ giao hàng và chở người có vẻ đã được tính toán kỹ lưỡng giúp MyGo chiếm lĩnh thị trường các địa phương (ngoài Hà Nội và TP.HCM) nhanh hơn so với các đối thủ còn lại.

Tính đến thời điểm hiện tại, sau chưa đầy 1 tháng ra mắt, MyGo đã có 107.988 đối tác xe máy và 7.258 đối tác taxi, riêng xe tải là 632 đối tác, chạy trên 63 tỉnh thành.

Hiện MyGo vẫn chưa triển khai được dịch vụ xe hợp đồng dưới 9 chỗ (xe công nghệ không đeo mào) do vẫn chưa được các địa phương cấp phép tham gia đề án thí điểm.

MyGo đang thu phí 5% từ tài xế (chiết khấu), bao gồm cả mức thuế 4,5%. Đây là mức chiết khấu khá thấp so với các ứng dụng hiện nay trên thị trường. Trong khi đó, về mức giá, MyGo rẻ hơn khoảng 10% so với các đối thủ. Song ứng dụng gọi xe này lại không tung ra các chương trình để khuyến mại cho khách hàng do không có chủ trương "đốt tiền".

Cũng theo một con số vừa được Viettel Post tiết lộ, trung bình có khoảng 7.000 chuyến xe chở người hoàn thành trên MyGo mỗi ngày. Số lượng gọi xe này tính trên cả nước trong đó tập trung chủ yếu tại Hà Nội. Đây cũng là con số không nhỏ đối với một ứng dụng gọi xe vừa ra mắt.

Dự kiến, trong thời gian tới, ứng dụng sẽ tiếp tục hoàn thiện chức năng để tài xế có thể vừa giao hàng, vừa chở người. Hệ thống sẽ tính toán để tối ưu về đường đi và thời gian, cho phép người dùng chọn chi phí thấp nhất hoặc chọn thời gian di chuyển nhanh nhất. MyGo sẽ giúp tài xế vừa chở hàng, vừa chở người và tận dụng tối đa thời gian chạy trên cùng một quãng đường của tài xế mà không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ nói chung đồng thời tiết kiệm được chi phí.

Ngoài ra, trong khi các đối thủ chỉ cho phép đối tác tài xế thực hiện một tác vụ duy nhất (chở người xong mới giao hàng hoặc giao hàng xong mới được nhận đơn giao hàng tiếp theo). Ứng dụng MyGo sẽ hoạt động linh hoạt khi cho phép 1 tài xế nhận nhiều đơn hàng; nhận đơn hàng tại một điểm và giao tới nhiều điểm khác nhau. Hệ thống sẽ tối ưu và vẽ đường đi nhanh nhất cho tất cả các kiện hàng và cam kết cho phép vừa nhận, vừa giao trên một quãng đường để có thể tối ưu chi phí.

Với cách tiếp cận đó, Viettel Post sẽ tận dụng nguồn tài xế xã hội để giao hàng nhằm nâng cao dịch vụ lastmile (giao hàng chặng cuối). Một nguồn thông tin cho biết, lượng hàng trung bình của Viettel Post hiện lên tới 350.000 đơn hàng/ngày khiến Viettel Post chưa giao hàng đúng thời gian kỳ vọng và phải huy động tài xế tham gia ứng dụng giao hàng nhằm tối ưu thời gian, chi phí và mang lại nguồn thu cho chính các đối tác.