Đại diện thành phố Đà Nẵng nhận giải thưởng ASOCIO Smart City Award 2019.

Theo thông tin từ Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), ASOCIO Smart City Award 2019 được trao trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO - ASOCIO Smart City Summit 2019 diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) từ ngày 27 - 30/8/2019. Đây là sự kiện thường niên của Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO), có tầm ảnh hưởng rất lớn và thu hút sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu đến từ 24 quốc gia và nền kinh tế tại 2 châu lục.

Năm 2019, giải thưởng ASOCIO được trao cho 6 hạng mục bao gồm: thành phố du lịch, thành phố văn hóa, thành phố nông nghiệp, thành phố cổ, thành phố di sản và thành phố thông minh tổng thể. Để đánh giá, giải thưởng tập chung vào 5 tiêu chí cơ bản gồm Chỉ số hạnh phúc; Hạ tầng thông minh; Dịch vụ công trực tuyến; Tăng trưởng kinh tế; Giáo dục, nghiên cứu phát triển.

Giải thưởng ASOCIO Smart City Award 2019 vừa được trao cho Đà Nẵng là một sự ghi nhận những nỗ lực và kết quả mà Thành phố đã làm được trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác hoạch định, quản lý đem lại hiệu quả cao; hạ tầng CNTT được đầu tư tốt, dịch vụ công triển khai hiệu quả phục vụ người dân tốt hơn, đưa Đà Nẵng thành một trong những thành phố đáng sống nhất tại Việt Nam.

Trong những năm qua, Đà Nẵng đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác hoạch định, quản lý đem lại hiệu quả cao. (Ảnh minh họa: Internet)

Liên quan đến việc xây dựng thành phố thông minh, lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng có quan điểm nhất quán:  “Thành phố thông minh là mô hình quản lý đô thị, trong đó CNTT-TT được sử dụng như một công cụ để giải quyết những thách thức trong quản lý đô thị hiện đại dựa trên dữ liệu và thông tin được thu thập, lưu trữ, xử lý”. Việc xây dựng thành phố thông minh được coi là bước tiếp theo của xây dựng Chính quyền điện tử và được triển khai thành công, hiệu quả nhằm triển khai nhanh, chi phí thấp, đồng bộ và hữu dụng.

Năm 2014, UBND thành phố đã phê duyệt “Đề án xây dựng thành phố thông minh hơn”. Trên cơ sở đó, từ năm 2014 đến nay thành phố đã phối hợp với các doanh nghiệp CNTT hàng đầu như Viettel, VNPT, FPT... triển khai thí điểm các ứng dụng thông minh trong một số lĩnh vực chuyên ngành như giao thông, giáo dục, y tế, điện - nước, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự và phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn…

Với đề án thông minh được thông qua, nhiều dự án ứng dụng CNTT đã được triển khai giúp hạ tầng CNTT đầu tư tốt, dịch vụ công triển khai hiệu quả phục vụ người dân tốt hơn, đưa Đà Nẵng thành một trong những thành phố đáng sống nhất tại Việt Nam.

Ngoài ra, Đà Nẵng đã hình thành đơn vị nghiên cứu, triển khai sản phẩm 4.0 để sớm tiếp cận, làm chủ công nghệ (Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng, đơn vị trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông). Đây là đơn vị đã nghiên cứu và đưa vào vận hành hệ thống camera giao thông thông minh, Hệ thống giám sát ô nhiễm môi trường nước cho Đà Nẵng, đồng thời nghiên cứu sản xuất hệ thống giám sát đo mưa tự động, đang triển khai trên toàn quốc (đến nay đã triển khai 850 trạm) và hệ thống giám sát mực nước lũ (đã triển khai 10 trạm), phục vụ cho công tác khí tượng thủy văn và phòng chống thiên tai.

Việc triển khai ứng dụng CNTT và xây dựng Chính quyền điện tử của thành phố Đà Nẵng được các cơ quan, tổ chức, cộng đồng CNTT ghi nhận, đánh giá cao. Cụ thể, 11 năm liên tiếp vừa qua, từ năm 2009 đến năm 2019, thành phố Đà Nẵng dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT Việt Nam (Vietnam ICT Index) khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mô hình Chính quyền điện tử của Đà Nẵng được Chính phủ chỉ đạo triển khai nhân rộng trong cả nước.

Thành phố Đà Nẵng cũng đã đạt các giải thưởng quốc tế như giải thưởng chương trình “Thách thức thành phố thông minh” của IBM năm 2012; giải Xuất sắc của WeGO năm 2014; giải Nhất ASEAN ICT Awards năm 2015…

Trong hành trình xây dựng và phát triển thành phố thông minh, Đà Nẵng đã đặt ra lộ trình triển khai từ nay đến 2030 với 3 giai đoạn cụ thể: giai đoạn đến 2020 - Sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh; giai đoạn đến 2025 - Thông minh hóa các ứng dụng; giai đoạn đến 2030 - Thông minh hóa ứng dụng cộng đồng. Trong đó, 6 trụ cột được ưu tiên phát triển là: Quản trị thông minh; Kinh tế thông minh; Môi trường thông minh; Đời sống thông minh; Công dân thông minh; Giao thông thông minh