Chia sẻ tại sự kiện Tech Summit, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Campuchia và Lào dẫn dự báo rằng đến năm 2030, 70% dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố lớn. Bài toán đặt ra cho giới quản lý là làm thế nào để hỗ trợ sự phát triển nhanh của đô thị, nâng cao đời sống người dân, phát triển bền vững, phát triển xanh, giảm ảnh hưởng đến môi trường. Theo ông Nam, ứng dụng công nghệ, cụ thể là xây dựng thành phố thông minh chính là giải pháp cho tình trạng này. Hai nền tảng để tạo nên thành phố thông minh là IoT và dữ liệu. Điều này được hỗ trợ bởi xu hướng dùng smartphone với người dùng, lượng thiết bị được kết nối Internet (IoT) gia tăng và các cảm biến xuất hiện ở mọi nơi.

Ông Thiều Phương Nam trình bày về thành phố thông minh

Đại diện Qualcomm nhận định thành phố thông minh là tổng hợp của những không gian thông minh, như nhà máy thông minh, giáo dục thông minh, y tế thông minh... Ví dụ, nhờ ứng dụng công nghệ, nhà quản lý giao thông có thể đưa ra khuyến cáo cho lái xe điều phối giao thông trong đô thị dựa trên dữ liệu, cảm biến trên khắp thành phố, việc cung cấp điện có thể tiết kiệm nhờ việc tối ưu hóa giữa cung và cầu. Đó là những ví dụ về giá trị của thành phố thông minh, theo ông Nam. Ông cũng lấy ví dụ tại những văn phòng của Qualcomm, nơi thử nghiệm như một mô hình thu nhỏ của thành phố thông minh, lượng điện tiêu thụ đã giảm 25% nhờ các giải pháp thông minh, ứng dụng AI trong vận hành.

Ở vai trò nhà cung cấp các giải pháp về hạ tầng, ông Thiều Phương Nam, cho rằng IoT, AI, 5G sẽ là nền tảng quan trọng để triển khai các giải pháp thành phố thông minh.

 "Việt Nam có tỷ lệ người sử dụng smartphone và Internet rất cao. Người dân đã quen với việc sử dụng thiết bị thông minh trong đời sống. Đây là cơ hội để có dữ liệu và ứng dụng vào nghiên cứu công nghệ", ông đánh giá. 

Qualcomm cũng đang phối hợp cùng nhiều đối tác Việt Nam như Viettel, VNPT, VinAI, Bkav để thúc đẩy hệ sinh thái không dây tại Việt Nam, là nền tảng để xây dựng thành phố thông minh.