Chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số giáo dục đang là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Trong 2 năm qua, dạy và học trực tuyến đã trở thành một xu hướng có ảnh hưởng lớn đến ngành giáo dục.

Với nhu cầu chuyển đổi số hiện nay, mô hình học tập trực tuyến không chỉ là một phương pháp được áp dụng song song với đào tạo trực tiếp, mà còn là sự sáng tạo cho câu chuyện mở rộng không gian học tập cho học sinh.

Để thúc đẩy chuyển đổi số, Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng Microsoft Việt Nam mới đây đã tổ chức “Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Giáo dục Việt Nam trên nền tảng CNTT 2022-2023” (Education Exchange Vietnam – viết tắt E2 Việt Nam).

Đây là diễn đàn nhằm thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong giáo dục, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và năng lực ứng dụng CNTT trong việc quản lý nhà trường, dạy và học của các bộ quản lý, giáo viên và học sinh.

Ông Phùng Việt Thắng (đại diện Microsoft Việt Nam) chia sẻ về chuyển đổi số giáo dục dưới góc nhìn của người làm công nghệ.

Chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi số giáo dục, ông Mai Tấn Linh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho rằng, thách thức từ đại dịch đã trao cho mọi người cơ hội ứng dụng triệt để CNTT để đổi mới tổ chức dạy học.

Lúc này, giáo viên gửi bài giảng cho học sinh qua các kênh trực tuyến, các hoạt động trên lớp chỉ tập trung vào thảo luận, truyền đạt trọng tâm của bài học. Trong giờ học, để chương trình giảng dạy mới thành công, cần ứng dụng CNTT sao cho giáo viên làm việc ít đi và học sinh làm việc nhiều lên.

Nhìn chung, theo ông Mai Tấn Linh, nhà trường cần thay đổi bằng cách ứng dụng các nền tảng trực tuyến như Microsoft Teams, Zalo… để truyền tải nội dung bài học rồi dành thời gian giao tiếp với học sinh. Tính ứng dụng cao của CNTT sẽ giúp học sinh tiếp thu kiến thức và đôi khi giải được bài toán về kinh phí cơ sở vật chất. 

TS. Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành chia sẻ về Hành trình chuyển đổi số.

Chia sẻ phương pháp hỗ trợ việc dạy và học trực tuyến khi ứng dụng CNTT, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho biết, cơ sở giáo dục này chọn Microsoft Office 365 như một công cụ để chuyển đổi số. 

Theo cô Thu Anh, cứ sau một thời gian, các lớp học trên Microsoft Teams lại có sự cải tiến tốt hơn về mặt kỹ thuật. Việc cải tiến công cụ giao tiếp là một điều kiện quan trọng để các hoạt động tương tác trực tuyến trở nên hiệu quả. 

Ông Phùng Việt Thắng - Giám đốc Kinh doanh phụ trách khối Doanh nghiệp và Chính phủ, Microsoft Việt Nam cũng chia sẻ, so với ở các doanh nghiệp, việc đầu tư, ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giáo dục khó khăn hơn bởi không có những thước đo cụ thể. Hiệu quả đầu tư chính là thước đo về con người và phải trải qua rất nhiều năm.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, nói vậy không có nghĩa là chúng ta không có động lực đầu tư công nghệ vào giáo dục. 

“Đầu tư công nghệ cho giáo dục chính là để phục vụ xu hướng phát triển tất yếu về giảng dạy và học tập. Đổi mới trong giáo dục không chỉ là việc thay vì đến lớp ta sẽ ngồi học từ xa, mà còn là việc ứng dụng công nghệ như thế nào để thay đổi công tác quản lý, vận hành và giảng dạy học tập”, ông Thắng nói. 

Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Giáo dục Việt Nam trên nền tảng CNTT vì thế được kỳ vọng sẽ giúp các nhà giáo dục thay đổi việc học tập cho học sinh và xây dựng một thế giới tươi sáng hơn cho ngành giáo dục Việt Nam.

Trọng Đạt