Thống kê của Payoo, nền tảng thanh toán phổ biến hiện nay tại Việt Nam, cho hay trong 3 tháng cuối năm 2021, giá trị đơn hàng online đã tăng đến 20% so với cùng kỳ.

Nền tảng này nhận định, người dùng trước đây thường mua hàng hóa online với giá trị nhỏ nhưng do thói quen mua hàng mới hình thành trong dịch bệnh, giá trị trung bình mỗi đơn hàng trực tuyến tăng lên. Cá biệt, một số đối tác liên kết với Payoo ở lĩnh vực nội thất hay thẩm mỹ thậm chí có giá trị giao dịch tăng gấp 2 so với giữa năm.

{keywords}
Mảng ấm thực được đánh giá chuyển đổi số mạnh mẽ sau dịch. (Ảnh: Hải Đăng)

Số liệu trên nền tảng này cho thấy lĩnh vực ẩm thực (F&B) chuyển đổi số mạnh mẽ nhất. 

Đây là nhóm ngành có tỷ trọng kinh doanh trực tiếp cao hơn trực tuyến nên khi đại dịch xảy ra, hai nhóm cũng bị ảnh hưởng nặng nhất. Sau dịch, các nền tảng nhanh chóng dịch chuyển thể hiện thông qua việc phát triển các nền tảng kinh doanh và thanh toán online qua website, ứng dụng di động hoặc tích hợp các giải pháp cấp tốc khác nhằm đa dạng hóa dòng doanh thu. 

Về phía người dùng cũng nhanh chóng quen thuộc và phản hồi tích cực với hình thức mới, giúp các doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Bên cạnh đó, các nhóm ngành thời trang, trang sức vàng bạc, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe đang tăng trưởng mạnh. Nhóm Trung tâm thương mại (nơi tập trung nhiều cửa hàng thuộc các nhóm trên) cũng tăng tốt khoảng 15 – 20% mỗi tháng.

Ở lĩnh vực bán lẻ công nghệ, số liệu của Thế Giới Di Động cho thấy tình hình mua bán online rất khả quan.

Lũy kế 11 tháng, Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh đạt doanh thu 83.800 tỷ đồng doanh thu (tăng 5% so với cùng kỳ). Trong đó, doanh thu online tăng mạnh so với trước, đạt 11.660 tỷ đồng, tương đương mức tăng hơn 40% so với cùng kỳ, và chiếm 14% tổng doanh số.

Mảng kinh doanh trực tuyến của Bách hoá Xanh thậm chí tăng trưởng mạnh hơn. Lũy kế sau 11 tháng, doanh thu online gấp 3,8 lần và số lượng đơn hàng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức kinh doanh ổn định sau dịch, số lượng đơn hàng trên kênh trực tuyến dao động trong khoảng 7.000-8.000 đơn hàng/ngày. 

Doanh thu online trên tổng doanh thu của Bách hoá Xanh vẫn chưa cao, hiện chiếm tỷ trọng 3,2%. Tuy nhiên chỉ riêng tháng 11, tỷ trọng này đạt 5%, cho thấy nhu cầu mua hàng trực tuyến tại chuỗi này đang tăng mạnh.

Các nền tảng thương mại điện tử cũng ghi nhận sức mua tăng mạnh trong và sau đại dịch.

Cụ thể, trong Lễ hội mua sắm 12/12 của Tiki, sàn ghi nhận doanh số riêng ngày 12/12 tăng trưởng gấp 10 lần so với ngày thường và tăng 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Lượng đơn hàng và lượng sản phẩm bán ra cũng cho thấy sự tăng trưởng vượt trội: lần lượt tăng gấp 8 lần và 10 lần so với ngày thường.

Trong ngày này, phía Shopee cho hay riêng tại Việt Nam, có 2 triệu lượt nạp tiền vào ví ShopeePay để thanh toán online. Đồng thời, nền tảng này nhận định người dùng đã chuyển sang dùng ví điện tử nhiều hơn để thanh toán trên Shopee.

Trước đó, báo cáo quý 3 của Lazada cho thấy lượng khách hàng truy cập hàng ngày, số lượng đơn hàng và số lượng khách mua hàng trên Lazada đều tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, số lượng nhà bán hàng tham gia kinh doanh trên Lazada cũng tăng hơn gấp 1,5 lần.

Ở mảng thanh toán thẻ, báo cáo nói trên của Payoo cho thấy trong 3 tháng cuối năm, số lượng thanh toán thẻ quốc tế vượt hơn thẻ nội địa.

Nếu như thời cao điểm dịch bệnh, thanh toán bằng thẻ nội địa chiếm đến hơn 50% thì đến hiện tại, tỷ trọng thanh toán qua thẻ quốc tế lại chiếm hơn 60%.

Một trong những nguyên do là trong dịch, các giao dịch mua thực phẩm, nhu yếu phẩm chủ yếu đến từ những người dùng cơ bản, thanh toán bằng thẻ nội địa. Khi các cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí mở cửa ồ ạt và tầng lớp thu nhập cao bắt đầu ra ngoài chi tiêu nhiều hơn, dẫn đến tỷ trọng thanh toán bằng thẻ quốc tế tăng cao. 

Bên cạnh đó, cuối năm là thời điểm các tổ chức thẻ tích cực tổ chức chương trình khuyến mãi, chẳng hạn Mastercard tổ chức chương trình khuyến mại tại toàn bộ hệ thống AEON MALL và các cửa hàng tiện lợi, ăn uống, mỹ phẩm,… cũng thúc đẩy khối lượng và giá trị giao dịch qua thẻ quốc tế vươn lên dẫn đầu.

Nhìn chung, dịch bệnh đã tạo cho người dùng thói quen đưa mọi thứ lên không gian mạng, từ mua sắm, học tập, giải trí, làm việc đều được đưa lên online. Thống kê cho thấy không chỉ thế hệ 8X, 9X trở về sau thích nghi tốt với cuộc sống trực tuyến sau dịch, những người sinh năm 1964 (thế hệ boomer) cũng đã làm quen dần với đặt đồ ăn trực tuyến, mua sắm trên thương mại điện tử.

Hải Đăng

Người dân ở nhà sắm Tết online nhiều hơn do lo ngại dịch bệnh

Người dân ở nhà sắm Tết online nhiều hơn do lo ngại dịch bệnh

Các nền tảng thương mại điện tử đang tất bật chuẩn bị hàng hoá và chương trình khuyến mại Tết trước dự báo nhu cầu mua sắm online cuối năm sẽ tăng, do người dân ở nhà nhiều hơn.