Chị Thảo (Phú Nhuận, TP.HCM) đặt đơn hàng gồm thịt, rau củ ở một tiệm tạp hoá cách nhà hơn 5km. Để thuận tiện, chị chuyển khoản toàn bộ tiền hàng, bao gồm cả tiền ship. Khi nhân viên giao hàng đến nhà trọ, chị yêu cầu đặt giỏ hàng trước cửa rồi xuống lấy, tránh tiếp xúc.

“Mùa này dịch bệnh căng thẳng, giữ khoảng cách được với ai thì giữ”, chị Thảo phân trần.

{keywords}
Người dân tăng cường thanh toán không tiền mặt mùa dịch. (Ảnh: Hải Đăng)

Người mua không chỉ chuyển khoản ở những đơn hàng lớn, có những lúc chỉ 10 ngàn nhưng khách vẫn tránh dùng tiền mặt. Chị Phượng (Tân Phú, TP.HCM) chuyên bỏ mối bánh mì những ngày dịch. Có hôm chị đang chờ giao hàng cho khách thì có người hỏi mua bánh mì, do còn dư vài ổ nên chị đồng ý bán, chứ thông thường chỉ bán số lượng nhiều.

“Mua hai ổ 10 ngàn đồng nhưng khách đòi trả qua MoMo. Nói chuyện thì đứng xa cả mét, giao hàng thì rướn người tới lấy chứ không dám đến gần”, chị Phượng kể về một trường hợp ít thấy nhưng dần phổ biến trong giai đoạn TP.HCM siết chặt mọi hoạt động để chống dịch.

Nói với ICTnews, đại diện MoMo cho biết số lượng giao dịch và người dùng tăng lên mạnh mẽ trong giai đoạn Sài Gòn chống Covid-19. Cụ thể, trong tháng 6, giao dịch chuyển tiền tăng gấp đôi, về người dùng tăng 60% so với tháng trung bình.

Bà Trương Cẩm Thanh, Chủ tịch Zion (đơn vị chủ quản ZaloPay) cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay, có khoảng 10 triệu giao dịch mua hàng trên Zalo OA (như siêu thị, cửa hàng tiện lợi,...) thanh toán bằng ví ZaloPay. 

Riêng trong vòng 4 ngày từ 28/5 đến 31/5, tổng lượng mua hàng và thanh toán qua Zalo OA của Big C đã đạt hơn 20.000 lượt giao dịch.

Ông Nguyễn Xuân Việt Bình, Giám đốc điều hành Moca - ví điện tử chính trên Grab, nhận định những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng tăng và người dùng ngày càng quan tâm đến yếu tố an toàn, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ví điện tử này đang ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng về số lượng người dùng thanh toán không dùng tiền mặt.

Với nhiều người, thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ để phòng dịch mà đã trở thành thói quen. Như chị Thảo từ hai năm nay đã chuyển hẳn sang thanh toán thẻ, chuyển khoản ngân hàng, dùng ví điện tử cho tiện lợi. Trong mùa dịch này, chị chỉ tiếp tục giữ thói quen cũ là ít dùng tiền mặt.

“Mình giữ lại tiền mặt đề phòng những trường hợp bất khả kháng phải dùng, chứ giai đoạn này cũng không muốn ra ngoài rút tiền từ cây ATM”, chị Thảo giải thích.

Dịch Covid-19 rõ ràng đã tạo đà cho xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam nói chung. Số liệu từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia VN (Napas) cho hay 5 tháng đầu năm hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử Napas đã xử lý hơn 800 triệu giao dịch, đạt hơn 8 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 113% về số lượng và 169% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng mảng thanh toán trực tuyến tăng mạnh. Tổng giá trị thanh toán thẻ, ví điện tử qua cổng thanh toán trực tuyến Napas tăng 125% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi tổng giá trị giao dịch thanh toán thẻ tại các điểm bán hàng (POS) tăng 50%.

Ngược lại, tỉ trọng giao dịch rút tiền mặt tại ATM được xử lý qua hệ thống Napas giảm từ 42% năm 2019 xuống còn 26% năm 2020, giảm mạnh xuống 16% trong 5 tháng đầu năm 2021.

Theo Báo cáo Kinh Tế số Đông Nam Á (SEA) 2020 được Google, Temasek và Bain & Company công bố vào năm 2020, Việt Nam dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á về lượng người dùng dịch vụ kỹ thuật số mới với tỷ lệ 41% trên tổng số người sử dụng các dịch vụ tiêu dùng nói chung.

Cũng theo báo cáo này, cứ 3 người ở Đông Nam Á sẽ có 1 người chịu tác động của Covid-19 khiến họ tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, mua sắm online, đi chợ trên điện thoại,... Có tới 94% trong số này cho biết vẫn sẽ giữ thói quen tiêu dùng này sau đại dịch.

Hải Đăng

Thanh toán số và giao dịch thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng

Thanh toán số và giao dịch thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng

Covid-19 khiến người tiêu dùng Việt dịch chuyển sang thanh toán online nhiều hơn, gia tăng tần suất dùng thương mại điện tử.