Các nền tảng công nghệ lớn nhất Đông Nam Á như GoTo và Sea đều cắt giảm khoảng 10% nhân sự năm nay. Đâu là nguyên nhân chính và làn sóng sa thải còn kéo dài trong bao lâu?

Các hãng công nghệ Đông Nam Á nào cắt giảm nhân sự?

Thông báo gần nhất đến từ GoTo, công ty mẹ Gojek và Tokopedia. Ngày 18/11, GoTo tuyên bố cắt giảm 1.300 người – tương đương 12% nhân sự - trong nỗ lực giảm thiểu chi phí trong giai đoạn khó khăn.

Đầu tuần này, GoTo công bố mức lỗ ròng 20,3 nghìn tỷ rupiah (1,29 tỷ USD) trong 9 tháng đầu năm, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2021 do áp lực từ các chiến dịch khuyến mãi. Trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh, CEO GoTo Andre Soelistyo cho biết sa thải là “điều cần thiết” để doanh nghiệp “khỏe” trong dài hạn.

Sa thải diễn ra tại nhiều doanh nghiệp công nghệ Đông Nam Á. (Ảnh: Thinkstock)

Tuy nhiên, vụ cắt giảm lớn nhất tại Đông Nam Á diễn ra tại Sea, chủ sở hữu Shopee. Truyền thông đưa tin tập đoàn này đã đuổi việc hơn 7.000 người – tương đương 10% nhân sự - trong 6 tháng qua.

Trong khi đó, Giám đốc Tài chính Peter Oey của Grab chia sẻ công ty bắt đầu “tạm dừng hay giảm tốc độ tuyển dụng trong nhiều khối văn phòng” từ đầu năm 2022. Một vài bộ phận đã thu hẹp quy mô và sẽ tuyển dụng có chọn lọc.

Nguyên nhân chính của sa thải?

Nhiều công ty tăng trưởng nóng trong dịch Covid-19 tuyển dụng ồ ạt nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ và hàng hóa kỹ thuật số chưa từng có. Theo Giám đốc công nghệ Daljit Sall của Randstad Singapore, thay vì thuê nhân viên hợp đồng để quản trị một cách linh hoạt, họ lại tuyển nhân viên toàn thời gian với mức lương thưởng cao.

Chẳng hạn, tại Singapore, Sea đặc biệt quan tâm đến các kỹ sư và hứa hẹn trả lương gấp đôi các đối thủ cho một vài vị trí nhất định, theo các nhân viên cũ. Báo cáo thường niên của Sea chỉ ra đến cuối năm 2021, công ty có 67.300 nhân sự, gần gấp đôi một năm trước.

Song khi ngày càng khó bảo toàn vốn do lãi suất tăng và lạm phát cao, họ phải củng cố lại lực lượng lao động, tinh giản đội ngũ. Theo Chris Kaptein, đối tác quản lý của hãng đầu tư mạo hiểm Intega Partners, chi phí vốn tăng trong năm nay buộc các hãng phải tìm kiếm tăng trưởng bền vững, trái ngược với việc “đốt tiền” để giành thị phần trước kia.

Chuyên gia nhận xét các yếu tố kết hợp đồng nghĩa với “nỗi đau” ngắn hạn – đồng nghĩa với sa thải – trên toàn thị trường công nghệ. 

Tác động từ các đợt sa thải của phương Tây

Làn sóng sa thải công nghệ tại Mỹ cũng ít nhiều ảnh hưởng đến các chi nhánh tại châu Á. Amazon được cho là cắt giảm 10.000 nhân sự, còn Meta là 11.000 người. Twitter cũng cho 50% lực lượng nghỉ việc.

Đây là tình hình chung của các doanh nghiệp công nghệ khác. Chẳng hạn, sàn thương mại điện tử Shopify thông báo sẽ giảm khoảng 10% nhân sự hay 1.000 người, còn công ty thanh toán Stripe cũng sa thải 14%, trong đó có văn phòng tại Singapore.

Theo chỉ thị từ trụ sở, làn sóng sa thải đã bắt đầu tại Đông Nam Á như Singapore, nơi đặt văn phòng của 80/100 hãng công nghệ hàng đầu thế giới. Theo ông Randstad, các hồ sơ xin việc từ những nhân sự của Meta, Twitter và Amazon tăng cao với đủ các chuyên môn, từ sản phẩm, phân tích dữ liệu, kỹ thuật phần mềm đến nhân lực.

Xu hướng này kéo dài bao lâu?

Khi hầu hết các hãng công nghệ thua lỗ, họ “ra dấu” sẽ còn cắt giảm nhân sự. Chẳng hạn, trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh, Giám đốc Yanjun Wang của Sea cho biết đợt sa thải gần đây chỉ là một phần của kế hoạch đang diễn ra.

Giám đốc Tài chính Grab cũng chia sẻ quy trình cắt giảm chi phí là điều mà ban quản trị đang tập trung.

Ông Randstad dự báo xu hướng sa thải công nghệ tại Đông Nam Á còn tiếp tục đến quý II năm sau. Dù vậy, khu vực có đủ thuận lợi để tận hưởng tăng trưởng từ trung đến dài hạn. Với một số startup và doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng, đây lại là cơ hội cho họ thu hút và giữ chân nhân tài.

(Theo Nikkei)