Nằm trong tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture, trong hôm nay 17/12, tại Hà Nội, nhiều nhà khoa học hàng đầu trên thế giới đã cùng nhau chia sẻ góc nhìn về xu hướng toàn cầu hóa trong lĩnh vực khoa học công nghệ trên toàn cầu. 

Theo GS Leslie Gabriel Valiant (Trường Kỹ thuật và Khoa học Ứng dụng Harvard, Hoa Kỳ), ngày nay khoa học đang tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả mọi người tham gia. Thay vì chỉ giữ cho riêng mình các nghiên cứu như trước kia, hiện các công trình nghiên cứu đều đã công bố công khai để mọi người cùng có khả năng tiếp cận. 

Các nhà khoa học cùng chia sẻ góc nhìn về xu hướng toàn cầu hóa trong lĩnh vực khoa học công nghệ trên toàn cầu. Ảnh: Trọng Đạt

Chia sẻ góc nhìn của mình, GS Sir Kostya S.Novoselov (Đại học Manchester và Đại học Quốc gia Singapore) cho rằng, toàn cầu hoá đã mang lại cơ hội lớn cho các nhà khoa học nói riêng và giới khoa học nói chung. 

“Rõ ràng nhất là toán học có thể giúp cho quá trình phát triển của các ngành khoa học khác nhờ vào sự phát triển của công nghệ máy học và trí tuệ nhân tạo. Bây giờ không chỉ tách rời mà công nghệ và khoa học đang đi song hành, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển”, GS Sir Kostya S.Novoselov nói. 

Theo GS Sir Kostya S.Novoselov, cuộc đua trên toàn cầu hiện nay là săn tìm các tài năng khoa học. Thế giới đã có nhiều nỗ lực để giúp các nhân tài khoa học phát triển. Kết quả nghiên cứu khoa học chính là những tài sản tuyệt vời thúc đẩy quá trình toàn cầu hoá.

GS Sir Kostya S.Novoselov (Đại học Manchester và Đại học Quốc gia Singapore). Ảnh: Trọng Đạt

Chia sẻ bên lề tuần lễ khoa học VinFuture tổ chức tại Việt Nam, theo GS Jennifer Tour Chayes (Trường Đại học California, Berkeley, Mỹ), các tài năng về khoa học có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Dẫn chứng cho điều đó, GS Jennifer Tour Chayes nhắc tới trường hợp của GS Vũ Hà Văn - một tài năng đặc biệt người Việt trong lĩnh vực toán và khoa học dữ liệu. 

Cùng bình luận về điều này, GS Gérard Albert Mourou (Trường Đại học École Polytechnique, Palaiseau, Pháp) cho biết, trong quá trình làm việc, ông nhận ra nguồn tài nguyên tri thức tuyệt vời ở châu Phi, nơi không nhiều người nghĩ đến. 

“Thế giới đang khao khát tìm kiếm các trí thức. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các nước cần làm sao để giải quyết được vấn đề về huy động tài nguyên trí tuệ, tài nguyên trí thức để từ đó tận dụng nguồn lực khoa học công nghệ từ khắp nơi trên thế giới”, GS Gérard Albert Mourou nói. 

Các nhà khoa học cho rằng, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam sẽ có cơ hội nếu nhận ra và tận dụng tốt xu hướng toàn cầu hóa về khoa học, công nghệ.

 GS Gérard Albert Mourou (Trường Đại học École Polytechnique, Palaiseau, Pháp). Ảnh: Trọng Đạt

Để thúc đẩy việc phát triển khoa học, công nghệ tại các nước đang phát triển, GS Đỗ Ngọc Minh (Khoa Kỹ thuật Điện và Khoa học Máy tính, Đại học Illinois Urbana-Champaign) cho rằng, cần phải hình thành văn hóa chấp nhận rủi ro trong khoa học. Bên cạnh đó, trong quá trình làm khoa học, cần có tư duy mở, dám chấp nhận cái mới để vượt ra khỏi tư duy truyền thống.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học đến từ những nước đang phát triển có thể tận dụng các giải pháp nguồn mở để rút ngắn khoảng cách về công nghệ, từ đó tiệm cận gần hơn với tri thức thế giới. Đây là cách mà các nước đi trước như Trung Quốc, Ấn Độ đã làm để học hỏi từ các quốc gia phát triển hơn, từ đó thúc đẩy và tạo ra sự sáng tạo của riêng mình. 

Trọng Đạt