Tham vọng đứng số 1 ngành điện máy ở Indonesia

Năm 2021, doanh thu của tập đoàn TGDĐ cán mốc hơn 5 tỷ USD (122.958 tỷ đồng), tăng 13% so với 2020, trở thành doanh nghiệp hiếm hoi có lãi và tăng trưởng tốt trong bối cảnh kinh tế toàn thế giới đang suy thoái.

Gần đây nhất, TGDĐ chính thức tấn công thị trường Indonesia bằng việc lập ra liên doanh Era Blue - thương hiệu hợp tác với Erafone.

Thế Giới Di Động lại mở sàn thương mại điện tử

Tại “xứ sở vạn đảo”, Erafone được gọi là “người khổng lồ” khi có tập đoàn mẹ là Erajaya - hãng bán lẻ sản phẩm công nghệ số 1 tại Indonesia. Thế Giới Di Động đặt mục tiêu chỉ trong thời gian ngắn sẽ đưa Era Blue trở thành nhà bán lẻ điện máy số 1 và uy tín nhất tại Indonesia. Thành công này sẽ là bước tiến lớn khi thị trường Indonesia rộng gấp 7 lần Việt Nam, dân số gấp khoảng 3 lần.

Chiếm lĩnh thị trường trong nước

Cùng với bước tiến ở thị trường nước ngoài, TGDĐ vẫn mong muốn chiếm lĩnh mảng bán lẻ trong nước ở tất cả ngành hàng. Sắp tới, tập đoàn này ra mắt sàn thương mại điện tử (TMĐT) Vuivui.com, trực tiếp cạnh tranh với các gã khổng lồ trong nước lẫn khu vực.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, doanh thu mảng bán hàng online của TGDĐ không ngừng tăng, riêng trong tháng 7/2021 đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Trong tương lai, xu hướng mua sắm online sẽ ngày càng lên cao. Điều này khiến TGDĐ phải tìm thêm các kênh phân phối trên Internet. Sàn TMĐT là lựa chọn hợp lý mà hệ sinh thái của tập đoàn này hiện vẫn đang còn khuyết.

Erafone thuộc sở hữu của Erajaya, đối tác của MWG tại Indonesia (ảnh: Erafone)

Mặc dù đã sở hữu 2 website bán hàng lớn tại Việt Nam là thegioididong.com và dienmayxanh.com, cùng hệ thống fanpage hoạt động mạnh, nhưng rõ ràng đây là các kênh thiên về mảng điện máy. Lĩnh vực bán lẻ online tại Việt Nam rất rộng lớn, còn nhiều đất trống mà nếu chỉ dựa vào hệ thống website hiện có, TGDĐ sẽ rất khó phủ kín.

Trong khi đó, sàn TMĐT đang thu hút lượng lớn khách hàng với lưu lượng truy cập hàng tháng rất cao, ví dụ Lazada (20,4 triệu lượt/ tháng), Tiki (17,1 triệu) và Shopee (72,97 triệu). Chắc chắn, TGDĐ đã nhìn thấy lượng khách hàng tiềm năng đang có mặt trên các trang TMĐT và muốn thu hút nhóm này đến với kênh phân phối của mình.

Mặt khác, nếu chỉ hợp tác với các sàn TMĐT hiện có, TGDĐ sẽ phải chịu một phần chiết khấu khiến lợi nhuận giảm sút. Các sàn TMĐT này lại chỉ đảm nhiệm việc bán hàng, riêng khâu giao hàng và lắp đặt sản phẩm vẫn do phía nhà bán lẻ thực hiện. Khi mở ra Vuivui.com, TGDĐ sẽ vừa chủ động bán các mặt hàng mình phân phối, vừa dễ mở rộng lĩnh vực kinh doanh.

Hải Đăng (tổng hợp)