apple airtag anh 1
 

Trong sự kiện diễn ra rạng sáng 21/4, Apple đã giới thiệu thiết bị rẻ nhất của hãng là AirTag, có giá 29 USD. Đây là thiết bị giúp người dùng nhanh chóng tìm kiếm các đồ vật khác của mình.

Theo Apple, nhờ vào mạng lưới hàng trăm triệu thiết bị đồng ý tham gia Find My, người dùng có thể nhanh chóng tìm lại được đồ vật đang gắn vào AirTag.

Tuy là thiết bị với tính năng “theo dõi”, Apple nhấn mạnh vào tính riêng tư của AirTag. Trong đoạn giới thiệu, Carolyn Wolfman-Estrada, kỹ sư của Apple khẳng định đây không phải là thiết bị để theo dõi người dùng.

“AirTag được thiết kế để theo dõi các đồ vật chứ không phải con người”, bà Wolfman-Estrada nhấn mạnh.

Lời khẳng định này một lần nữa cho thấy thái độ của Apple đối với quyền riêng tư của người dùng. Cùng với thông tin về thời gian ra mắt iOS 14.5, Apple một lần nữa chứng tỏ sự đối lập của họ với những công ty không tôn trọng quyền riêng tư như Facebook.

“Theo dõi” theo kiểu Apple

Mọi thiết bị có tính năng định vị cũng gợi lên sự lo ngại về khả năng bị theo dõi. Mối lo ngại về quyền riêng tư trong những năm gần đây càng lớn hơn khi nhiều gã khổng lồ công nghệ, trong đó nổi bật nhất là Facebook, vướng phải những bê bối lộ dữ liệu người dùng.

Do đó, Apple đã dành nhiều phút để nói về cách hãng này tiếp cận một thiết bị theo dõi đồ vật. Theo chia sẻ của đại diện hãng, AirTag sử dụng hai công nghệ là Bluetooth LE và con chip băng thông siêu rộng (Ultra WideBand - UWB) để kết nối với iPhone, iPod hoặc iPad của người dùng.

Nếu ở trong tầm kết nối Bluetooth, con chip UWB cho phép iPhone định vị chính xác hướng, khoảng cách tới thiết bị kết nối AirTag. Tuy nhiên, tính năng này chỉ được hỗ trợ với các mẫu iPhone 11, 12. Nếu sử dụng thiết bị cũ hơn, người dùng có thể chọn chế độ phát tiếng kêu để tìm AirTag.

apple airtag anh 2

AirTag sử dụng nhiều công nghệ khác nhau để có thể tìm ra đồ vật. Trong tất cả những công nghệ đó, Apple luôn nhấn mạnh quyền riêng tư của người dùng. Ảnh: Apple.

Khi ở ngoài phạm vi kết nối Bluetooth, ứng dụng Find My sẽ hiển thị vị trí cuối cùng mà AirTag có kết nối với iPhone. Khi đó, người dùng cũng có thể chọn chế độ thất lạc (Lost Mode). Lúc này, mọi thiết bị Apple khác đồng ý tham gia mạng lưới Find My đều có thể nhận biết được chiếc AirTag. Nhờ đó, vị trí mới nhất của AirTag sẽ luôn được cập nhật trên bản đồ, miễn là có người dùng đồ Apple xung quanh.

Ngoài ra, ở Lost Mode, người dùng khác cũng có thể nhận được thông báo nếu thiết bị của họ tự kết nối với AirTag của bạn. Khi đó, họ có thể xem được số liên lạc đã cài đặt từ trước, và liên hệ với chủ chiếc AirTag đang thất lạc.

Với cách tiếp cận này, sẽ có hai vấn đề liên quan đến quyền riêng tư. Đầu tiên, người dùng có thể thắc mắc nếu như những thiết bị khác trong mạng lưới Find My biết được vị trí AirTag thì có làm sao không.

Để trả lời vấn đề này, Apple cho biết AirTag không hề lưu trữ dữ liệu hoặc lịch sử vị trí bên trong thiết bị. Mọi dữ liệu gửi qua mạng lưới Find My đều được bảo mật hai đầu, và không có ai khác ngoài chủ sở hữu AirTag có thể truy cập vị trí của nó.

Vấn đề thứ hai được đặt ra là liệu một người có thể theo dõi vị trí người khác bằng AirTag hay không. Đặt giả thuyết nếu ai đó muốn theo dõi bạn, họ có thể bỏ chiếc AirTag vào túi xách hoặc túi áo khoác, và mở Find My để cập nhật vị trí liên tục.

apple airtag anh 3

Trên website của mình, Apple mô tả nhiều cách để phòng tránh kịch bản có người dùng AirTag của mình theo dõi người khác. Ảnh: Apple.

Tuy nhiên, Apple cũng khẳng định sẽ ngăn chặn kịch bản này. Hãng cho biết tín hiệu định danh Bluetooth của AirTag sẽ liên tục thay đổi để tránh tình trạng theo dõi vị trí không mong muốn. Các thiết bị iOS cũng có tính năng cảnh báo người dùng nếu nhận thấy một chiếc AirTag của người lạ bám theo họ sau một thời gian.

Ngoài ra, chiếc AirTag bị tách khỏi thiết bị của chủ đủ lâu sẽ định kỳ phát ra tiếng kêu khi di chuyển. Người dùng phát hiện AirTag lạ có thể dùng iPhone hoặc thiết bị có NFC của mình để tắt định vị của chiếc AirTag này.

Sự đối lập của Apple

Giống như nhiều sự kiện trước đây, Apple một lần nữa cho thấy sự quyết tâm của hãng đối với việc bảo vệ quyền lợi người dùng. Nhân viên giới thiệu AirTag, CEO Tim Cook đều dành nhiều thời gian để khẳng định điều này. Trang web về AirTag cũng giải thích rất rõ cách hoạt động của thiết bị.

Chỉ với một câu nói, Apple một lần nữa cho thấy sự khác biệt của công ty này với những công ty “coi người dùng là sản phẩm”, như phát biểu của Tim Cook vào năm 2018. CEO Apple không nói rõ những công ty mà ông muốn nhắm tới, nhưng khi được hỏi sẽ làm thế nào nếu ở vị trí Mark Zuckerberg của Facebook sau bê bối Cambridge Analytica, Tim Cook khẳng định ông sẽ không để bản thân rơi vào hoàn cảnh đó.

apple airtag anh 4

Được phát hành vào tuần tới, iOS 14.5 sẽ khiến những ứng dụng như Facebook khó có thể theo dõi và lấy dữ liệu người dùng. Ảnh: Ars Technica.

Tuy nhiên, AirTag chỉ là một sản phẩm để Apple thể hiện quan điểm. Đòn giáng mạnh của Táo khuyết với các công ty thu thập dữ liệu người dùng sẽ đến vào tuần tới, khi công ty này chính thức phát hành iOS 14.5.

Bản cập nhật này đánh dấu thay đổi lớn của Apple trong chính sách bảo mật và quyền riêng tư, cũng là vấn đề gây tranh cãi trong nhiều tháng gần đây. Trên iOS 14.5, mọi ứng dụng chỉ có thể theo dõi người dùng sau khi hỏi ý kiến và nhận được chấp thuận.

Thay đổi trên áp dụng cho tất cả nhà phát triển, nhưng Facebook dường như có ác cảm cá nhân với điều này. Gã khổng lồ trên lĩnh vực mạng xã hội công khai chỉ trích Apple trong nhiều phát biểu chính thức.

Facebook chạy một loạt quảng cáo khổ lớn trên một số tờ báo nổi tiếng vào tháng 12/2020, tuyên bố Apple là mối đe dọa đối với các doanh nghiệp nhỏ và ngành công nghiệp Internet.

Trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh quý tổ chức vào tháng 2, CEO Facebook, Mark Zuckerberg đưa ra những lời chỉ trích nặng nề đối với Apple, cho rằng các thay đổi về bảo mật thực chất là phương thức cạnh tranh không công bằng.

Phải đến cuối tháng 3, Mark Zuckerberg mới thay đổi về quan điểm khi cho rằng Facebook có thể vượt qua những khó khăn đến từ bản cập nhật iOS mới. CEO Facebook nghĩ rằng thay đổi này có thể khiến những nhà bán hàng sử dụng nền tảng trực tiếp của Facebook, Instagram nhiều hơn.

“Những gì chúng tôi làm là cho người dùng lựa chọn họ có muốn bị theo dõi không. Tôi nghĩ rằng đây là điều rất khó phản đối. Tôi thực sự sốc khi có sự phản ứng dữ dội như vậy. Ý tôi là, làm sao mà có thể đi ngược chuyện đó. Tôi cho rằng bạn có thể quảng cáo và kiếm tiền mà không cần theo dõi người dùng khi họ không biết. Tôi nghĩ đã đến lúc chứng minh quan điểm đó”, Tim Cook bày tỏ quan điểm trong một bài phỏng vấn với New York Times.

Với sự ra mắt của iOS 14.5 và phần nào là AirTag, Apple đã một lần nữa chứng minh mình là công ty khác biệt trong cách ứng xử với dữ liệu người dùng. Dù không một lần nhắc đến các đối thủ, thậm chí thường xuyên từ chối khi được hỏi về Facebook hay Google, lựa chọn khác biệt của Táo khuyết sẽ khiến cho những gã khổng lồ công nghệ khác buộc phải thay đổi.

(Theo Zing)

iPad Pro, AirTags, iPhone 12 tím ra mắt tại sự kiện mùa xuân Apple

iPad Pro, AirTags, iPhone 12 tím ra mắt tại sự kiện mùa xuân Apple

Apple giới thiệu hàng loạt sản phẩm mới, bao gồm iPad Pro, AirTags, iMac… tại sự kiện vừa kết thúc cách đây ít giờ.