Cây gió bầu hai thân có trầm hương đang triển lãm tại Bảo tàng Hà Nội khiến hàng ngàn người phải dừng lại chiêm ngưỡng…

Cây trầm hương kỷ lục

Cây gió bầu có trầm hương với kích thước kỷ lục từ trước đến nay: cao 6.8 mét, đường kính 1m33, một người ôm không hết, hai thân chung một gốc và dính với nhau. Chủ nhân của nó, “vua kỳ nam” đất Phú Yên, ông Võ Hiệp chế tác thành một tác phẩm nghệ thuật, mà theo ông, đó là biểu tượng Bắc – Nam chung một cội nguồn.

Mô tả ảnh.
Cây trầm hương hai thân có kích thước lớn nhất từ trước đến nay.


Trên hai thân mọc song song với nhau, ông Hiệp đã chế tác thành các “mắt” hình giọt nước chạy từ gốc cây lên đến ngọn. Có hàng trăm những “con mắt” phân bổ dọc hai thân cây. Xen kẽ giữa những “mắt” nhân tạo này là những vết bom mà cây bị “dính đạn” thời kỳ chiến tranh.


Ông Hiệp giải thích: những “con mắt” này không chỉ là ý tưởng nghệ thuật. Nó được sơn phủ bằng một lớp keo (hoặc nhựa) viền xung quanh để chống mưa nắng anh hưởng tới trầm hương trong thân cây, vì cây quá lớn nên không thể trưng bày trong nhà mà phải để ngoài trời.

Tuổi đời của cây gió bầu có trầm hương này là khoảng 120 năm, và đã được một gia đình người dân tộc thay nhau bảo vệ qua ba đời liên tiếp.

Sự xuất hiện của cây gió bầu trong suốt Triển lãm sinh vật cảnh chào mừng Đại lễ khiến hàng ngàn người dừng lại thưởng lãm. Tuy nhiên, phải đọc những thông tin về nó trên tấm biển treo dưới gốc cây, khách tham quan mới biết được đây là một cây bầu gió có chứa trầm hương.

Chủ nhân của nó đã rất cẩn trọng trong việc bảo vệ cây: gốc cây được chăng dây để người xem không tiếp cận được sát thân cây, chỉ có thể đứng cách xa cây trong bán kính 1 mét, “không sờ vào hiện vật”.

Mô tả ảnh.
Chiếc phản làm bằng trầm hương.


Ngoài cây bầu gió có trầm khổng lồ này, ông Võ Hiệp còn mang tới triển lãm khoảng chục đoạn gỗ có chứa trầm, mỗi đoạn dài chừng hơn 1 mét, hình thù cổ quái, đường kính gần một ôm tay. Những đoạn gỗ trầm hương này được giới thiệu với khách mức giá không dưới vài chục triệu đồng.


Nhiều người dừng lại xem vì tò mò, được chủ nhân của cây bật lửa đốt những mẩu trầm hương để quảng bá với khách hương trầm thực sự.

Một chiếc giường gỗ được cho biết làm từ gỗ trầm hương cũng được mang tới triển lãm. Theo ông Hiệp, đây là một chiếc giường độc nhất vô nhị bởi chất liệu. Cho nên, tuy không chạm trổ tinh vi, chỉ đơn thuần như một cái phản, song giá trị của nó được giới thiệu lên tới 150 triệu đồng.


Ông Hiệp giải thích: ngày xưa vua chúa thường lấy các mẩu gỗ trầm hương cho vào gối khi nằm ngủ. Hương trầm thẩm thấu qua chiếc gối thấm vào da đầu giúp cho đầu óc anh minh, thư thái, điều tiết các bệnh tật… Tuy nhiên, chưa có vua chúa nào sở hữu một chiếc giường bằng gỗ trầm hương. Vì thế, chiếc giường gỗ trầm này là độc nhất vô nhị từ trước tới nay.

“Vua kỳ nam” đi lượm trầm

Cây gió bầu kỷ lục mà ông Hiệp mang tới tham dự triển lãm nhân dịp Đại lễ được mua lại từ một gia đình người dân tộc tại thị trấn Ba Trúc, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang). Khu vực này tiếp giáp với biên giới Cam Pu Chia.

Mô tả ảnh.
Cây gió bầu hai thân cao 6m80, rộng 1m33 có chưa trầm hương của ông Võ Hiệp.

Chủ nhân đầu tiên của cây gió bầu hai thân có chứa trầm hương là gia đình ông Lê Văn Hẳng. Cách đây vài chục năm, trong một lần phát nương làm rẫy, ông Hẳng phát hiện cây gió bầu hai thân khổng lồ này.


Tuy nhiên, lúc đó, ông Hẳng không biết đó là cây gió bầu có chứa trầm hương. Mãi sau này, khi phong trào đi tìm trầm hương nở rộng tại khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ và giá trị của trầm hương sánh với vàng, ông Hẳng mới hay biết.

Lúc đó, cây gió bầu vẫn đứng trên đỉnh núi, và là “xác” một cây đại thụ lớn đã chết, chỉ còn mỗi hai thân.

Khi nghe được thông tin về việc ở An Giang có một cây gió bầu khổng lồ như vậy, bằng linh cảm của một người “ngậm ngải tìm trầm”, ông Hiệp biết đó là một cây gió bầu có trầm hương lớn nhất từ trước đến nay.

Từ Phú Yên, ông Hiệp lặn lội vào An Giang để tìm hiểu thực hư. Lúc đó, ông bị gãy chân và mới bó bột được hơn hai tháng, phải chống nạng lên tít đỉnh núi, nơi có cây gió bầu.

Khi gặp cây quý, ông Hiệp mất ăn mất ngủ, và quyết tâm mua bằng được. Khi đã ngã giá xong và hoàn tất các thủ tục đối với kiểm lâm huyện Tri Tôn, ông Hiệp thuê 20 thợ khỏe mạnh cùng mình đưa cây hạ sơn.

Mô tả ảnh.
Ông Võ Hiệp đang "khoe" một khúc gỗ trầm với khách tham quan.


Mang được cây gió bầu kích thước lớn từ đỉnh núi cao vài trăm mét xuống mặt đất không dễ, lại làm bằng phương pháp thủ công nên ông Hiệp cùng nhóm thợ đã mất một tháng 20 ngày.


Những khu vực vận chuyển cây từ núi xuống, thiệt hại tới cây cối nào của người dân bản địa, ông Hiệp phải đền bù vài triệu đồng một cây.

Tuy nhiên, theo ông Hiệp, những chi phí như thế chưa đáng là bao so với giá trị của cây gió bầu độc nhất vô nhị mà trong suốt cuộc đời đi tìm trầm, ông mới lần đầu gặp.

Mô tả ảnh.
Những "con mắt" nghệ thuật được ông Hiệp chế tác trên thân cây gió bầu.



Trước đó, ông Hiệp đã gặp nhiều cây gió bầu có trầm hương kích thước lớn, nhưng cây gió bầu hai thân chung gốc đã lên trầm, đây là cây gần như duy nhất ở lãnh thổ Việt Nam.

Sinh năm 1960, tuy nhiên, ông Hiệp già hơn trước tuổi rất nhiều. Có thể, đó là do những vất vả trong suốt mấy chục năm lặn lội đi tìm trầm, mà ngay từ khi mới là một thanh niên 21 tuổi, ông Hiệp đã lọ mọ khắp các cánh rừng khu vực Nam Trung Bộ để đón gió tìm kỳ nam.

Ở đất Phú Yên, ông Hiệp được mệnh danh là “vua kỳ nam” và “vua đá”, bởi thời gian lăn lộn tìm trầm của ông chiếm gần như hết cuộc đời.

Thời gian trước, trong một lần đi tìm kỳ nam, ông Hiệp đã tìm được một cây trầm quý. Nhờ có nó, ông mới đổi đời, có vốn liếng làm ăn và chuyển hẳn sang sưu tầm, kinh doanh trầm hương.

Đến nay, ông đang sở hữu một số lượng lớn các tác phẩm nghệ thuật làm từ cây gió bầu có chứa trầm hương.

Theo ông Hiệp, trồng cây gió bầu rất dễ và đang phát triển rộng ở các tỉnh miền núi Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ cây gió bầu có thể lên trầm rất ít, trăm cây may ra mới có một. Chính vì thế, cây gió bầu hai thân có chứa trầm hương mà ông đang sở hữu, là “hàng độc” có một không hai ở Việt Nam.

  • Kiên Trung