Trong 2 ngày 25 và 27/2, TikToker Thơ Nguyễn đăng 2 clip lấy nội dung xoay quanh búp bê kumanthong. Cụ thể, việc Thơ Nguyễn cho rằng "cầu vía học giỏi là không sai trái" đã gây nên làn sóng tranh cãi trong cộng đồng người dùng Internet Việt Nam.

Tho Nguyen phoi bay chinh sach long leo cua TikTok anh 1

Nội dung xoay quanh Kumanthong của Thơ Nguyễn khiến nhiều bậc phụ huynh e ngại.

Kẽ hở trong chính sách TikTok

Nhóm người xem Thơ Nguyễn hướng tới là trẻ em. Điều này có thể thấy qua việc nhà sáng tạo nội dung này sở hữu kênh YouTube Kids với lượng người đăng ký lớn. Trong các video trên TikTok, Thơ Nguyễn cũng chủ động xưng chị, gọi em với các "bạn nhỏ".

Bên cạnh đó, dưới phần bình luận các video trên kênh TikTok Thơ Nguyễn xuất hiện hàng loạt nội dung được gửi từ những tài khoản trẻ em.

"Em sắp thi học kỳ hai lớp 5 rồi, chị xin vía giúp em nhé", tài khoản Linh Chi bình luận.

Tuy nhiên, trong một video đính chính, Thơ Nguyễn khẳng định cô không hướng tới trẻ em bởi nền tảng TikTok dành cho người dùng trên 13 tuổi.

Trong chính sách sử dụng, TikTok cũng nêu rõ chỉ người trên 13 tuổi mới có thể sử dụng nền tảng này. Có thể thấy, mạng xã hội này không chào đón người dùng dưới tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, nhóm tuổi này vẫn có thể dễ dàng tiếp cận các nội dung trên TikTok.

Tho Nguyen phoi bay chinh sach long leo cua TikTok anh 2

Không khó để trẻ em có thể xem nội dung độc hại lan truyền trên TikTok.

Cụ thể, với những video độc hại hướng tới người dùng trẻ em, TikTok không yêu cầu đăng nhập vẫn có thể xem. Bất cứ ai có liên kết đến video đều tiếp cận được. Cách làm này khác hoàn toàn với cơ chế gắn nhãn độ tuổi của YouTube đang áp dụng. Theo đó, những video có nội dung người lớn trên YouTube buộc người dùng đăng nhập mới có thể xem.

"Điều này có nghĩa TikTok không có cơ chế gắn nhãn nội dung theo lứa tuổi. Vì không gắn nhãn nên họ đồng thời cũng không chặn truy cập hay buộc đăng nhập để xem nội dung dành cho người lớn trên TikTok. Cần nhớ rằng từ 13-16 vẫn là độ tuổi chưa vị thành niên và chưa hoàn thiện nhận thức", Văn Khải, chuyên gia truyền thông từ Seaevent chia sẻ.

Theo thống kê của Wallaroo Media, 60% trong tổng số 800 triệu người dùng của TikTok ở độ tuổi 16-24. Con số này dĩ nhiên chưa tính đến những người dùng có thể xem "lậu" nói trên. Do đó, khả năng lan truyền của nội dung độc hại là khó có thể đong đếm.

Nội dung độc hại lan tràn

Thực tế, khi tìm thử từ khóa "kumanthong" trên TikTok cho ra nhiều nội dung liên quan đến loại búp bê tâm linh này. Chưa dừng lại ở đó, TikTok còn là nơi dung dưỡng cho hàng trăm trào lưu độc hại. Bất chấp hàng loạt cảnh báo, không ít thanh thiếu niên tham gia các thử thách mạo hiểm để có nhiều lượt xem. Điều này khiến nhiều người dùng, trong đó có những người đã đủ tuổi sử dụng TikTok (trên 13 tuổi) trở thành nạn nhân của các trò thử thách.

Tho Nguyen phoi bay chinh sach long leo cua TikTok anh 3

Nhiều nội dung xoay quanh kumanthong xuất hiện đầy rẫy trên TikTok. Ảnh: Chụp màn hình.

Cuối tháng 8/2020, một thiếu nữ 15 tuổi ở thành phố Oklahoma (Mỹ) chết do dùng quá liều thuốc dị ứng Benadryl, KFOR - chi nhánh của đài NBC - đưa tin. Cô bé là nạn nhân của trào lưu The Benadryl Challenge (tạm dịch: thử thách Benadryl) trên ứng dụng TikTok.

Thử thách này khuyến khích người tham gia uống nhiều thuốc dị ứng để có ảo giác. Đây cũng là nguyên nhân khiến 3 thanh thiếu niên ở thành phố Fort Worth, Texas nhập viện trong tình trạng nhịp tim rối loạn, bất tỉnh vào tháng 5/2020.

Cuối tháng 3/2020, Ke’Avion, thiếu niên ở Arkansas, Mỹ, nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não sau khi tham gia trào lưu Skull Breaker Challenge. Thử thách gồm 3 người tham gia, trong đó cá nhân ở giữa nhảy lên không trung rồi 2 thành viên còn lại hất chân của người đó khiến họ ngã ngửa ra phía sau. Tháng 2/2020, một nữ sinh 16 tuổi ở Brazil qua đời sau khi tham gia Skull Breaker Challenge.

Rất nhiều trường hợp thanh thiếu niên nhập viện trong tình trạng gãy xương, tổn thương vùng đầu… cũng được ghi nhận.

Ngoài ra, nhiều thử thách gây ảnh hưởng đến tính mạng xuất hiện trên TikTok có thể kể đến như Concussion Challenge, Penny Challenge, Cereal Challenge, Bright Eye Challenge...

Không chỉ dung dưỡng nhiều thử thách độc hại, Tiktok còn là nơi khởi nguồn, lan truyền nhiều nội dung phản cảm.

Cuối tháng 8 vừa qua, trào lưu “vạch áo khoe ngực” xuất hiện trên TikTok nhận nhiều ý kiến chỉ trích vì phản cảm. Trước đó, trào lưu quay clip “đóng giả làm nạn nhân của thảm họa diệt chủng Holocaust” cũng khiến cộng đồng mạng thế giới phẫn nộ.

Trả lời Zing, đại diện TikTok cho hay nền tảng không cho phép các nội dung, hoạt động có tính sai lệch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dùng được lan truyền trên mạng xã hội này.

"Chúng tôi cam kết phát triển một môi trường sáng tạo an toàn và thân thiện với tất cả người dùng. Sự an toàn của người dùng luôn là ưu tiên hàng đầu của TikTok. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực loại bỏ các nội dung vi phạm và sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ để có những giải pháp xử lý kịp thời”, đại diện nền tảng cho biết.

Theo Zing

YouTuber Thơ Nguyễn bị mời làm việc vì đăng clip mê tín dị đoan

YouTuber Thơ Nguyễn bị mời làm việc vì đăng clip mê tín dị đoan

Thơ Nguyễn đã bị cộng đồng mạng chỉ trích dữ dội thời gian gần đây. Những chỉ trích này liên quan đến các đoạn clip nhạy cảm, có yếu tố mê tín dị đoan mà nữ YouTuber này chia sẻ trên mạng xã hội.