Tại cuộc họp thường niên của cơ quan lập pháp Trung Quốc mới đây, một loạt các chủ nhà máy đã đưa ra kiến nghị rằng ngành giao hàng thực phẩm đang sử dụng quá nhiều nhân công của họ - và yêu cầu chính phủ giúp họ thuê lại lực lượng này.

Zhang Xinghai, một đại biểu Quốc hội và là Chủ tịch Tập đoàn sản xuất ô tô Xiaokang ở thành phố Trùng Khánh, đã đề xuất chính phủ trợ cấp tiền lương cho nhà máy để giúp ngành này cạnh tranh với các nền tảng công nghệ lớn.

Trước đó vào tháng 2, Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội nước này đã công bố danh sách 100 ngành nghề có tình trạng thiếu việc làm nhiều nhất. Bốn mươi ba ngành nghề được liệt kê thuộc về sản xuất.

Ông Zhang cho biết tình trạng này là do lương thấp trong ngành sản xuất, và cho biết thêm rằng trung bình mỗi năm có khoảng 1,5 triệu lao động rời khỏi ngành sản xuất trong 5 năm qua.

Thu nhập trung bình 360 triệu/năm, người người đi làm shipper, chủ nhà máy khóc ròng vì thiếu công nhân - Ảnh 1.

Nhân viên giao hàng đã trở thành một ngành chủ chốt trong nền kinh tế hiện đại.

Đề xuất của Zhang đã thu hút sự chú ý lớn trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, trở thành một trong những chủ đề thịnh hành nhất trên nền tảng xã hội Weibo hôm 9/3 vừa qua. Hầu hết cư dân mạng cho biết tài xế công nghệ được hưởng nhiều tự do hơn công nhân nhà máy.

“Ai sẽ làm việc trong một nhà máy ngoại trừ những người trên 40 tuổi? Thời gian làm việc kéo dài - một hoặc hai ngày nghỉ mỗi tháng - lương thấp, và đồ ăn thì chán. Hầu hết các công việc trong nhà máy cũng đều không tốt cho sức khỏe của bạn”, một người dùng Weibo viết. “Còn khi giao đồ ăn, tôi có thể xin nghỉ ít nhất một ngày nếu không muốn làm việc.”

Lương của những người lái xe giao đồ hàng, giao đồ ăn đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Thậm chí, có tài xế còn nhận được mức lương vượt qua thu nhập của những nhân viên văn phòng mà họ thường giao đồ ăn. Và đó là lý do các chủ nhà máy nói rằng họ không thể cạnh tranh được.

Theo báo cáo do Liên đoàn Công đoàn Quảng Châu công bố ngày 2/3 vừa qua, thu nhập hàng năm của các tài xế giao hàng trong thành phố này là hơn 100.000 nhân dân tệ (khoảng 360 triệu đồng), tăng 17% so với năm trước. Hơn 10% trong số đó kiếm được hơn 10.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 36 triệu đồng) mỗi tháng, báo cáo cho thấy.

Ngược lại, không bao gồm tiền ăn ở, lương tháng điển hình của một công nhân nhà máy ở Quảng Châu vào năm ngoái chỉ là khoảng 6.000 nhân dân tệ (khoảng 21 triệu đồng), bao gồm cả các khoản phúc lợi xã hội.

“Không còn chỗ để tăng lương cho người lao động", Zhao Yunhai, một chủ xưởng may ở Quảng Châu, nói. "Trong khi giá của sản phẩm không tăng nhiều, giá thuê đã tăng."

Zhang đề nghị chính phủ cung cấp cho các nhà máy khoản trợ cấp việc làm cho nhân viên mới, và trợ cấp thu nhập nhất định cùng trợ cấp bảo hiểm cho những nhân viên tạm thời được thuê làm việc theo đơn đặt hàng cá nhân. Ông cũng đề xuất các chính sách đặc biệt để hỗ trợ tiền lương trong "các ngành công nghiệp mới nổi chiến lược của Trung Quốc."

Thu nhập trung bình 360 triệu/năm, người người đi làm shipper, chủ nhà máy khóc ròng vì thiếu công nhân - Ảnh 2.

Các nhà máy ở Trung Quốc đang rất thiếu nhân công, vì ít người muốn vào làm.

Jenny Chan, trợ lý giáo sư xã hội học tại Đại học Bách khoa Hồng Kông, nói rằng các nền tảng kinh tế chia sẻ (GIG) mang lại cho người lao động mức lương cao và kiếm tiền nhanh chóng.

“Các tài xế không được tuyển dụng theo quy định của pháp luật một cách chính thức. Họ không được hưởng bảo hiểm xã hội và quỹ nhà ở”, Chan nói.

Điều đó có nghĩa là lương thực tế của các tài xế thậm chí còn cao hơn, ít nhất là trong ngắn hạn. Chủ xưởng may Zhang thì cho rằng giao đồ ăn là một công việc đòi hỏi kỹ năng thấp và những người kiếm được tiền nhanh chóng chủ yếu là “ăn cơm nhà”, tức chưa có sự chuẩn bị cho tương lai.

Nhưng, kiếm tiền nhanh cũng là một lợi thế. Các tài xế giao đồ ăn cho các nền tảng nổi bật ở Trung Quốc như Meituan và Ele.me có thể kiếm thu nhập từ ứng dụng bất kỳ lúc nào, và họ sẽ thấy tiền về trong tài khoản ngân hàng của họ trong vòng 48 giờ. Còn các nhà máy trả lương cho công nhân mỗi tháng một lần.

Thu nhập trung bình 360 triệu/năm, người người đi làm shipper, chủ nhà máy khóc ròng vì thiếu công nhân - Ảnh 3.

Shipper ở các thành phố lớn tại Trung Quốc có thu nhập cao hơn cả nhân viên văn phòng.

 

Nhưng shipper cũng có mặt trái của nó.

“Mức tiền công (lương tính theo sản phẩm) cho việc giao đồ ăn là rất thấp", ông Chan nói. “Tuy nhiên, các tài xế có thể làm việc nhiều giờ để tăng thu nhập.”

Báo cáo do Liên đoàn Công đoàn Quảng Châu công bố cũng cho thấy hơn 90% tài xế làm việc hơn 10 giờ mỗi ngày. Bên cạnh đó, những vấn đề mờ ám trong hoạt động thuê lao động của các nền tảng trong ngành giao đồ ăn khiến ông Chan lo lắng.

“Khi so sánh với công việc sản xuất hoặc xây dựng trước đây, một số công nhân giao hàng đã kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng họ thậm chí không được coi là nhân viên”, Chan nói. “Nhân viên giao hàng không nhất thiết phải có hợp đồng lao động bằng văn bản. Trong trường hợp có tranh chấp, họ khó bảo vệ quyền và lợi ích của mình”.

Nhưng để các nhà máy có thể cạnh tranh về điều kiện làm việc, các ông chủ sẽ cần phải giải quyết các vấn đề của riêng mình, Chan nói thêm.

“Nếu những người lao động nhập cư được đảm bảo mức lương cao hơn và được bảo vệ nhiều hơn trong các nhà máy, thì việc khuyến khích họ quay trở lại sẽ rất hợp lý", ông nói. “Nếu không, với sự tự do trong việc đăng nhập hoặc đăng xuất khỏi các ứng dụng, họ vẫn có thể chọn làm nhân viên giao hàng.”

(Theo Pháp luật và Bạn đọc, Sixthtone)

Bắc Kinh yêu cầu Big Tech bảo vệ shipper, tài xế công nghệ tốt hơn

Bắc Kinh yêu cầu Big Tech bảo vệ shipper, tài xế công nghệ tốt hơn

Quan chức chính phủ Trung Quốc đã gặp 11 nền tảng Internet lớn của nước này, yêu cầu họ làm nhiều điều hơn để giúp đỡ những nhân viên giao hàng (shipper), tài xế công nghệ.