Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ KHCN chia sẻ tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2019 tại Hà Nội. Với chủ đề “Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường” và xác định đây là Diễn đàn của hành động, Vietnam ICT Summit 2019 đặc biệt nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tiến hành chuyển đổi số tại Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, đối với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Việt Nam cần dữ liệu lớn. Khi mà Việt Nam không nằm trong một ốc đảo, khi mà các nước bên cạnh đang phát triển rất nhanh. "Vậy chúng ta có lợi thế gì để đi đầu", Thứ trưởng Bộ KHCN đặt câu hỏi.

Thứ trưởng Bộ KHCN mong rằng trong một trận đánh lớn của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, các doanh nghiệp cùng với nhau xây dựng một văn hoá xây dựng và chia sẻ dữ liệu.

Trả lời cho câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ KHCN cho rằng, bài học lịch sử cho thấy, trong các cuộc chiến tranh, dù còn nghèo nhưng lợi thế lớn nhất của Việt Nam là tận dụng sức mạnh của từng cá thể và sức mạnh tập thể để qua đó chiến thắng. Vì thế, Thứ trưởng Bộ KHCN mong rằng trong một trận đánh lớn của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, chúng ta lại cùng với nhau xây dựng một văn hoá xây dựng và chia sẻ dữ liệu.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy mong muốn liên minh chuyển đổi số vừa ra mắt tại Diễn đàn ICT Summit có thể chia sẻ dữ liệu cho nhau vì cả FPT, CMC. Viettel đều phát triển dữ liệu lớn. Ví dụ như việc phát triển nhận dạng dữ liệu Tiếng Việt, các doanh nghiệp mất rất nhiều chi phí để tự xây dựng giải pháp cho riêng mình, mà chưa có ai chia sẻ dữ liệu với nhau. Chính vì thế, Việt Nam đã nghèo lại càng nghèo và càng khó bứt phá. "Vì thế, chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ dữ liệu để xây dựng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn", Thứ trưởng Bộ KHCN khẳng định.

Theo ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KHCN, các doanh nghiệp của Việt Nam  có thể cùng nhau chia sẻ dữ liệu để xây dựng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn.

Trước đó, nhiều chuyên gia công nghệ cũng cho rằng, muốn có sản phẩm trí tuệ nhân tạo, phải có dữ liệu lớn, do vậy, doanh nghiệp mất nhiều năm để giải quyết bài toán về thu thập dữ liệu tổng hợp từ nhiều nguồn như hành vi mạng xã hội, hành vi tiêu dùng, lịch sử trả nợ...

Gọi là "bài toán" vì nếu làm theo cách thông thường là đi vay dữ liệu, doanh nghiệp cho biết phải bỏ ra đến hàng tỷ USD mới có được lượng dữ liệu đủ lớn để cho máy học. Tuy nhiên, số lượng các công ty tại Việt Nam có sản phẩm thương mại ứng dụng trí tuệ nhân tạo hiện còn rất khiêm tốn. Mức độ phát triển của lĩnh vực này nhìn chung mới ở mức sơ khai.

Giới chuyên gia cho rằng, một phần vì sự hạn chế trong độ mở chia sẻ dữ liệu tại Việt Nam. Ví dụ đơn giản là ứng dụng Google Dịch, dịch tiếng nước ngoài thì giỏi nhưng dịch tiếng Việt lại dở.

Tuy nhiên, những sự vụ như Facebook mới đây bị phát hiện chia sẻ dữ liệu người dùng cho các công ty công nghệ lớn khác như Amazon, Netflix, Spotify... cũng gây ra tranh cãi về mặt trái của chia sẻ dữ liệu. Do đó, làm thế nào để cân bằng giữa sự phát triển của những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và quyền riêng tư của người dùng cũng đặt ra bài toán khó cho nhà quản lý.