Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại hội nghị “KH&CN phục vụ phát triển kinh tế biển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ” . Ảnh: Bộ KHCN

Theo thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), tại Hội nghị “KH&CN phục vụ phát triển kinh tế biển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ” do Bộ KH&CN, Ban Kinh tế Trung ương, UBND Thành phố Đà Nẵng tổ chức tại Đà Nẵng mới đây, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, các công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong kinh tế biển khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ đã đem lại những tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội. Nhiều công trình đã tập trung vào nghiên cứu phát triển theo hướng ứng dụng sâu vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thông tin từ Bộ KH&CN cho hay, tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau đánh giá, thảo luận về tiềm năng, lợi thế của biển đảo vùng Duyên hải Nam Trung Bộ - một vùng có vị trí quan trọng trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của nước ta; xác định thực trạng và những đóng góp hiện nay của KH&CN đối với phát triển kinh tế biển trong Vùng; đồng thời xác định vị trí và vai trò của KH&CN trong đối với phát triển bền vững kinh tế biển của Vùng trong thời gian tới đây. Cùng với đó, các đại biểu tham dự Hội nghị đã cùng trao đổi bàn giải pháp để KH&CN phát triển mạnh mẽ hơn, phục vụ có hiệu quả hơn cho phát triển bền vững kinh tế biển trong Vùng nói riêng cũng như cho Chiến lược phát triển kinh tế biển của cả nước nói chung như tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đã đề ra.

Tại Hội nghị, ý kiến của các đại biểu đều khẳng định những lợi thế trong phát triển kinh tế biển của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra các tính “trội” của vùng biển Nam Trung Bộ: Đây là Vùng cửa mở thông thương ra biển và có thể hỗ trợ cho hội nhập kinh tế nội khối ASEAN thông qua hành lang kinh tế Đông – Tây; nhiều vịnh, vũng có thể xây dựng thành các cảng biển nước sâu tiềm năng nhất ở nước ta, tạo tiền đề phát triển các khu kinh tế ven biển theo mô hình: cảng-đô thị-biển như các khu Nghi Sơn, Vũng Áng, Dung Quất, Chân Mây, Vịnh Hàn, Nhơn Hội, Vân Phong, Vịnh Nha Trang, Cam Ranh. Đồng thời, đây cũng là nơi có triển vọng du lịch rất lớn (du lịch biển - đảo, du lịch sinh thái, du lịch vùng cát); là nơi tập trung các mỏ khoáng sản và đặc biệt có nhiều tiềm năng phát triển thủy sản cả nuôi trồng và đánh bắt hải sản...

Khẳng định vị trí, vai trò của KH&CN trong phát triển bền vững kinh tế biển Nam Trung Bộ, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi cho rằng khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao được xem là khâu tạo đột phá để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế biển vùng Nam Trung Bộ thông qua: thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, khoa học, công nghệ mới; thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao. Điều này lại cần phải bắt đầu từ việc thay đổi tầm nhìn chiến lược đối với phát triển bền vững kinh tế biển Nam Trung Bộ theo hướng từng bước xây dựng một nền kinh tế biển xanh. Căn cứ vào tầm nhìn và định hướng mới sẽ lựa chọn các nhiệm vụ, giải pháp khoa học và công nghệ thích hợp.

Về phương diện du lịch, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam trung bộ để phát triển du lịch biển cũng có nhiều khởi sắc. Các ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển du lịch biển và các ứng dụng trong hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng xanh hướng tới tiết kiệm nhiên liệu và năng lượng đồng thời giảm thiểu phát thải ra môi trường. Đặc biệt, với định hướng phát triển du lịch cộng đồng trong khu vực đưa công nghệ sạch và công nghệ cao vào nông nghiệp nhằm phát triển loại hình du lịch nông nghiệp cao trong khu vực cũng được quan tâm.
 Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, trong 10 năm qua, kể từ khi Nghị quyết số 09-NQ/TW được triển khai, đóng góp của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ vào GDP cả nước luôn đạt tỉ lệ cao, trong đó có đóng góp của các khu kinh tế, khu công nghiệp, các cơ sở công nghiệp quan trọng ven biển (trung tâm chế biến dầu, khí, nhiệt điện, sản xuất thép…). Kinh tế thuần biển, gồm khai thác và chế biến dầu khí trên biển, hàng hải, nuôi trồng và khai thác hải sản, du lịch biển, tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế quốc gia với mức đóng góp vào GDP cả nước đạt khoảng 10%.

“Để có được những kết quả trên, ngành KH&CN đã đóng góp một phần không nhỏ. Đặc biệt các công trình nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong kinh tế biển khu vực Nam Trung Bộ đã đem lại những tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội. Nhiều công trình đã tập trung vào nghiên cứu phát triển theo hướng ứng dụng sâu vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho hay.