Bộ TT&TT, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cùng các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ phủ sóng viễn thông tới 266 thôn bản còn lại trong năm 2023, phấn đấu ở đâu cũng có điện và ở đâu cũng có viễn thông, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Đây là một trong những nội dung mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 và trong thời gian tới của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, ngày 25/12.

Việc xóa bỏ các vùng lõm sóng là một trong những chủ trương quan trọng mà Bộ TT&TT tập trung triển khai.

Theo Bộ TT&TT, hiện cả nước còn lại 266 thôn chưa phủ sóng được, do một số nơi chưa có điện, dân cư thưa, địa hình khó khăn. Bộ đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục rà soát, cung cấp bổ sung các thôn còn lõm sóng để chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai phủ sóng.

Bên cạnh việc chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, Bộ TT&TT sẽ nhanh chóng thực hiện việc giải ngân nguồn vốn từ Quỹ Viễn thông công ích để phát triển hạ tầng viễn thông, phủ sóng các điểm lõm sóng và phát triển mạng băng rộng cố định đến các thôn, bản, theo mục tiêu của từng năm và cả giai đoạn đã đề ra.

Các nhà mạng cho hay, việc phủ sóng cho các thôn thuộc vùng viễn thông công ích hết sức khó khăn về giao thông, đặc biệt ở một số thôn không có điện… Quá trình triển khai còn bị ảnh hưởng bởi thời tiết mưa nhiều, gây sạt lở đường, địa hình bị chia cắt. Khi triển khai các trạm phát sóng cần phải di chuyển, vận chuyển vật tư, thiết bị, cột, nhà trạm, cột anten, kéo cáp, kéo điện, lắp đặt thiết bị, ở nhiều vị trí trên đồi cao, nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn về con người. Có một số điểm thôn do hủ tục địa phương vùng dân tộc nên người dân không cho đấu điện để cung cấp cho trạm phát sóng. Cá biệt, có một số điểm do vị trí đặc thù như rừng phòng hộ hoặc an toàn khu, nên việc triển khai lắp trạm gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc triển khai truyền dẫn trên cột điện lực cũng gặp trở ngại do thủ tục cấp phép một số trạm kéo dài.

Viettel đưa giải pháp công nghệ để triển khai nhanh phủ sóng vùng lõm tại khu vực khó khăn. 

Để giải quyết khó khăn này, Viettel  đã phải huy động nguồn lực của các đơn vị xã hội hóa tại địa phương, phân vùng, chia nhỏ đến từng đối tác, kết hợp với nguồn lực nội tại với trọng tâm là Tổng công ty Công trình Viettel. Bên cạnh đó, việc triển khai phủ sóng vùng công ích đã được  rà soát với đối tác hàng ngày, giải quyết các khó khăn vướng mắc. Viettel Net đã phải cắt cử nhân sự có chuyên môn nằm vùng, cùng ăn cùng ở, cùng làm với đối tác để hỗ trợ và có phương án nhanh và tốt nhất khi gặp khó khăn. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 của Bộ TT&TT mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ ra rằng: “Bộ TT&TT cần phối hợp cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để điện đến đâu viễn thông đi đến đó, trở thành cặp đôi hoàn hảo, mang dịch vụ điện và viễn thông đến người dân ở mọi miền trên cả nước”. 

Thực tế trong vòng 2 năm trở lại đây, việc xóa bỏ các vùng lõm sóng đã là một trong những chủ trương quan trọng mà Bộ TT&TT tập trung triển khai. Hoạt động này được khởi xướng từ tháng 9/2021 nhằm mục tiêu hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số trong chương trình "Sóng và máy tính cho em".

Đại diện Viettel Net cho hay, việc phủ sóng vùng lõm và vùng viễn thông công ích đã giúp người dân trao đổi thông tin, liên lạc, tiếp cận thông tin, kiến thức, góp phần nâng cao đời sống vật chất, xã hội, kinh tế của người dân vùng sâu vùng xa.