- Hầu hết các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đều cho rằng họ đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực thi quyền này trong thực tế.

Những khó khăn cũng như tình hình thực thi quyền SHTT đã được đưa ra mổ xẻ, phân tích tại cuộc Tòa đàm về thực thi quyền SHTT, diễn ra sáng 14/4 vừa qua.

{keywords}
Ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra Bộ KH&CN.

Theo ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Ban thường trực Chương trình phối hợp hành động về phòng, chống xâm phạm quyền SHTT giai đoạn 2 (2012-2015) thì về bản chất, quyền SHTT là quyền dân sự. Đây cũng là xu thế chung trên thế giới về thực thi quyền SHTT.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc thực thi quyền SHTT bằng các biện pháp dân sự lại không nhiều. Hầu hết các chủ thể quyền đều lựa chọn các biện pháp xử phạt hành chính để thực thi quyền SHTT của mình.

Hầu hết đại diện các doanh nghiệp có mặt tại buổi tọa đàm đều cho rằng, việc thực thi quyền SHTT tại Việt Nam bằng biện pháp hành chính là hiệu quả nhất tại thời điểm hiện tại.

Tuy vậy, việc thực thi quyền SHTT bằng xử phạt hành chính cũng gặp phải không ít khó khăn, bất cập.

Theo đại diện của Công ty Honda Việt Nam thì mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm sở hữu công nghiệp (SHCN) theo quy định hiện hành là quá nhẹ, không đủ mức răn đe.

Theo quy định, mức xử phạt hành chính tối đa là 1 tỷ đồng với cá nhân và 2 tỷ đồng với tổ chức. Tuy nhiên, theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP thì mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm SHCN tương ứng chỉ là 500 triệu đồng (với tổ chức) và 250 triệu đồng (với cá nhân).

Bên cạnh đó, đại diện doanh nghiệp này cũng cho rằng, Nghị định 99 cũng quy định, thẩm quyền của chi cục trưởng chi cục quản lý thị trường chỉ được phạt mức tối đa 50 triệu đồng là quá thấp, gây nhiều bất cập.

Thẩm quyền của cơ quan thực thi thấp nên thông thường người vi phạm sẽ bị xử phạt rất nhẹ. Họ sẽ không sợ và tiếp tục tái phạm”, vị này cho hay. “Trong khi đó, thực tế cho thấy, các cơ quan thực thi có sự nể nang, tránh né nhất định đối với các cửa hàng quen biết, và thường từ chối xử lý tái phạm”.

Theo đại diện Cục Cảnh sát kinh tế thì theo các quy định hiện hành thì không có giới hạn nào cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quyền SHTT. Trong khi, “đáng lẽ phải quy định rõ vi phạm ở mức nào thì xử lý hành chính, ở mức nào thì xử lý hình sự”.

Đại diện Cục Cảnh sát kinh tế cũng cho rằng, những “vướng mắc về luật” chính là nguyên nhân chính khiến việc thực thi quyền SHTT bằng các biện pháp hình sự không hiệu quả.

Theo vị này, trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam (sửa đổi, bổ sung 2009) thì có 6 điều luật liên quan tới thực thi quyền SHTT, gồm các điều luật 156-158 (về buôn bán hàng giả) và 170-171 (về SHCN và quyền tác giả).

Tuy nhiên, các khái niệm được sử dụng trong luật như “hàng giả” (điều 156-158), “quy mô thương mại” (điều 171), “số lượng lớn”, “hậu quả nghiêm trọng”… lại không được giải thích trong luật và tới nay cũng chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể.

Do đó, theo đại diện Cục Cảnh sát kinh tế cho biết, mặc dù Bộ Luật Hình sự sửa đổi ra từ năm 2009, song tới nay vẫn chưa khởi tố được một vụ nào theo quy định tại điều 171 (quy định về các tội danh liên quan tới SHCN).

Theo số liệu từ Ban Thường trực Chương trình phối hợp hành động về phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2 (2012-2015), trong 2 năm, 2013-2014, lực lượng thanh kiểm tra ở các bộ ngành và địa phương đã xử lý 32.474 vụ việc liên quan tới hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp. Tổng số tiền phạt lên tới 139 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan công an đã khởi tố 158 vụ liên quan tới 254 bị can.

“Từ năm 2013-2014 Việt Nam đã có sự tăng vượt bậc về số lượng đối tượng bị xử lý cũng như giá trị bị xử lý liên quan tới SHTT”, ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết.

Lê Văn