Đứng trước mùa mua sắm thấp điểm, các đơn vị trong hệ sinh thái thương mại điện tử đã tìm nhiều cách thu hút khách hàng, duy trì tăng trưởng. Cụ thể, các sàn giao dịch tung ra lễ hội mua sắm lớn, các công ty vận chuyển tích cực chuyển đổi số để tiết kiệm chi phí và tối ưu quy trình giao nhận.

Quý 1 đầu năm thường có xu hướng mua sắm trái ngược. Tháng 1 năm nay đúng vào Tết Nguyên đán nên sức mua ở mức lớn nhất nhì trong năm, tháng 2 vẫn còn dư âm dịp lễ song lực cầu giảm sút, trong khi tháng 3 rơi vào thấp điểm do người dân đã mua sắm khá đầy đủ trước đó.

Để kích cầu tiêu dùng, các sàn thương mại điện tử tung một số lễ hội mua sắm lớn trong tháng 3. Phía đơn vị vận chuyển cũng tìm nhiều cách thu hút đơn giao.

Chẳng hạn, J&T Express hợp tác với các phần mềm quản lý bán hàng đa kênh và nền tảng công nghệ như UPOS, Haravan nhằm tiết giảm chi phí giao hàng cho khách chốt đơn, cũng như gia tăng lợi ích cho sàn thương mại điện tử lẫn nhà bán.

{keywords}
Cả hệ sinh thái thương mại điện tử nhảy vào kích cầu giai đoạn mua sắm thấp điểm.

Không chỉ rơi vào mùa thấp điểm, các doanh nghiệp trong ngành còn gặp nhiều bài toán khó khi chi phí vận hành tăng do ảnh hưởng của tình hình biến động giá nhiên liệu, nguy cơ về đại dịch vẫn chực chờ cũng như thiếu hụt lao động.

Trước các thách thức trên, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) xác định chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo là một trong những giải pháp giúp các doanh nghiệp tận dụng thời cơ và tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong nền kinh tế.

J&T Express cho biết đang đầu tư xây dựng trung tâm trung chuyển thứ 37 dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay. Trung tâm được ứng dụng hệ thống phân loại thông minh và quy trình xử lý tự động. Nhờ đó, hơn 2 triệu kiện hàng lớn nhỏ các loại mỗi ngày sẽ được xử lý chính xác và nhanh chóng hơn. Hành trình giao hàng được số hóa và cập nhật liên tục, dễ theo dõi trên cả website lẫn ứng dụng. Điều này giúp khách hàng, đối tác và shipper có thể tương tác trực tiếp và giải quyết đơn hàng nhanh hơn.

Trong khi một số cải tiến nói trên của doanh nghiệp giao nhận khó nhìn thấy từ phía người dùng thì nỗ lực của các sàn thương mại điện tử trong mùa thấp điểm có thể nhận diện rất rõ. Trong tháng 3, cả hai sàn Lazada và Shopee đều tổ chức những lễ hội mua sắm lớn nhất kể từ đầu năm. Sàn thương mại điện tử kết hợp với các thương hiệu, nhà bán, đối tác vận chuyển,… đưa ra nhiều ưu đãi cho người tiêu dùng nhằm kích cầu khi sức mua giảm sút. Nhờ các chiến dịch này, nhiều doanh nghiệp gia tăng doanh số, người mua cũng tăng lên, kéo nhiều khách hàng mới lần đầu tham gia mua sắm trực tuyến.

Cụ thể, trong lễ hội mua sắm của Lazada vừa kết thúc tuần trước, số lượng đơn đặt hàng trên gian hàng chính hãng LazMall tăng gấp 8 lần và doanh thu tăng 16 lần so với ngày thường.

Nhờ các chương trình giảm giá, người dùng tích cực mua một số hàng hoá có giá trị cao. Xu hướng này thể hiện rõ qua con số tăng trưởng ấn tượng của ngành hàng điện tử, với doanh thu tăng gấp 8 lần so với ngày thường. Ngành hàng sức khỏe cũng ghi nhận doanh thu tăng gấp 3 lần, các dụng cụ và trang phục thể thao gia tăng gấp 6 lần.

Ngoài ra, các sản phẩm dọn dẹp nhà cửa như nước giặt, nước xả và vệ sinh cũng đạt mức tăng trưởng gấp 6 lần so với ngày thường.

Không chỉ gia tăng về doanh số, các chương trình kích cầu cũng ghi nhận lượng khách hàng mới tăng lên. Trong lễ hội tiêu dùng của Shopee hôm 15/3, cứ 6 người dùng sẽ có 1 người lần đầu tiên mua hàng trên nền tảng. Tỉnh thành ghi nhận số lượng người dùng mới cao nhất là Hà Nội.

Nhiều người dùng sinh sống bên ngoài khu vực đô thị lớn cũng hào hứng mua sắm tại thời điểm khuyến mại lớn. Theo đó, lượng đơn hàng từ nhóm người dùng ở các khu vực này ghi nhận mức tăng trưởng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Đúng với xu hướng hiện nay, nhóm tuổi tích cực mua sắm với lượng đơn hàng cao nhất thuộc về nhóm người dùng từ 18 đến 34 tuổi, tiếp theo là nhóm trung niên 35 - 50 tuổi và cuối cùng là nhóm vị thành niên.

Những ngành hàng như sắc đẹp, nhà cửa & đời sống và thời trang được quan tâm hơn cả, trong đó các sản phẩm như chăm sóc da mặt, phụ kiện thời trang và sữa tắm & chăm sóc cơ thể được người dùng lựa chọn mua sắm nhiều nhất.

Tháng thấp điểm cuối quý 1 chỉ mang tính ngắn hạn, các chuyên gia vẫn dự báo tăng trưởng thương mại điện tử sẽ tiếp tục tích cực trong năm nay tại Việt Nam, khi ngày càng nhiều người tiêu dùng thay đổi hành vi mua sắm từ trực tiếp sang trực tuyến.

Năm ngoái, nhờ tăng trưởng 53% của thương mại điện tử, nền kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 21 tỷ USD, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company. Báo cáo cho hay kinh tế số Việt Nam dự kiến tiếp tục đạt 57 tỷ USD vào năm 2025. 

Hải Đăng

Thương mại điện tử dần mở rộng ra khỏi đô thị lớn

Thương mại điện tử dần mở rộng ra khỏi đô thị lớn

Thống kê cho thấy lượng người dùng mới và nhóm khách hàng khu vực ngoài đô thị lớn đang tham gia mua hàng thương mại điện tử ngày càng nhiều.