Trong buổi gặp với truyền thông mới đây, ông Phan Xuân Dũng, Giám đốc Kinh doanh Ninja Van Việt Nam, nhận được câu hỏi về sự khác biệt giữa thương mại điện tử trong nước so với các quốc gia ở Đông Nam Á.  

Về vấn đề này, ông Dũng cho hay thương mại điện tử Việt Nam và các nước trong khu vực có những điểm chung như mức độ tăng trưởng nhanh, cả người mua lẫn người bán đều thích nghi tốt với xu hướng và công nghệ. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có 3 điểm khác biệt rất đặc thù.

{keywords}
Dây chuyền phân loại hàng hoá bên trong kho của hãng vận chuyển thương mại điện tử. (Ảnh: Ninja Van)

Đầu tiên, tỷ trọng thanh toán COD (Cash On Delivery - giao hàng rồi mới đưa tiền) tại Việt Nam tương đối cao, ở mức 90-95%. Chỉ có khoảng 5-10% người mua hàng trên thương mại điện tử trong nước thanh toán bằng thẻ hoặc ví điện tử. Trong khi đó, tỷ lệ này tại Singapore có thể lên đến 95-99%.

Do tỷ lệ COD cao như vậy nên nảy sinh một số vấn đề trong việc vận hành. Ví dụ, người mua không phải trả tiền trước nên khi hàng chuyển tới có khi họ không nhận. Hoặc người tài xế nhận tiền, giữ tiền của khách nên đẻ ra nhiều chuyện rắc rối.

Thứ hai, số lượng nhà bán nhỏ lẻ tại Việt Nam chiếm tỷ lệ cao so với sàn thương mại điện tử và nhà bán quy mô lớn. Theo ông Dũng, Amazon hay các sàn thương mại điện tử tại Trung Quốc thường nhập số lượng hàng lớn về kho rồi bán lại cho người tiêu dùng. Trong khi đó, mô hình này không phổ biến tại Việt Nam.

Hiện nay, thị trường buôn bán online tại Việt Nam được chia đôi. Một nửa đơn hàng thuộc về nhà bán nhỏ lẻ có quy mô từ 5-20 đơn hàng/ngày, nửa còn lại do sàn giao dịch và nhà bán lớn nắm giữ.

“Nhìn một góc độ nào đó, người Việt Nam có tinh thần tự làm doanh nhân, tự tạo nghề nghiệp cho mình”, ông Dũng ví von. 

Theo ông Dũng, việc này kéo theo một số yếu tố tích cực khác. Chẳng hạn, vì thị trường quá cạnh tranh nên một số nhà bán quy mô lớn tại Việt Nam chuyển hướng sang bán ở Indonesia, Thái Lan, Philippines... Đã có trường hợp doanh nghiệp Việt nhập hàng từ Trung Quốc để bán qua Philippines.

Đặc trưng thứ ba của thương mại điện tử Việt Nam là hệ sinh thái đa kênh rộng lớn. Hiện nay, cả người bán lẫn người mua đều có thể giao dịch trên nhiều kênh khác nhau. Ví dụ người bán có thể bán trên Facebook cá nhân, tạo nhóm bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, hoặc bán trên Shopee, Lazada. Ngoài ra, họ cũng có thể tự lập website hay ứng dụng riêng để bán hàng. Điều này dẫn đến hệ thống buôn bán đa kênh (omni channel) tại Việt Nam phát triển rất mạnh.

“Có thể nói không có nước nào có hệ sinh thái bán hàng trực tuyến đầy đủ và đa dạng tính năng như vậy”, ông Dũng kết luận.

Hải Đăng

Khu vực nông thôn bắt đầu mua sắm online nhiều hơn

Khu vực nông thôn bắt đầu mua sắm online nhiều hơn

Các báo cáo cho thấy việc mua sắm trên mạng không còn chỉ giới hạn ở người dân khu vực thành thị như trước.