Tiến sỹ Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia. Ảnh: Zing.vn

Theo Tiến sỹ Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, Chúng ta đang sống trong một thời đại với những thay đổi nhanh chóng về khoa học, công nghệ thông tin, toàn cầu hóa, những điều này cho phép các quốc gia có cơ hội phát triển nhanh hơn nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức chưa từng có trong quá khứ. Chúng ta đã chứng kiến những bài học thành công, và cả những trường hợp chưa thành công trong việc giải quyết bài toán giao thông vận tải. Rõ ràng mỗi quốc gia mỗi thành phố đều có những đặc điểm riêng và có cách thức thực hiện khác nhau trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông vận tải, điều đó đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp hợp lý và làm chủ về công nghệ.

“Nếu chúng ta đã đến thành phố Hà Nội hoặc Hồ Chí Minh, những thành phố với xấp xỉ 10 triệu dân, và chứng kiến dòng giao thông của hai đô thị có tỷ lệ sở hữu và sử dụng xe máy cao nhất thế giới, trên 90% người dân đi lại bằng xe máy. Hãy hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu chỉ 10% những người dân đang sử dụng xe máy hiện nay sẽ chuyển sang ô tô cho các chuyến đi hàng ngày?  Quý đại biểu có thể dễ dàng tiên đoán rằng các thành phố này sẽ tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng và ô nhiễm tăng nhiều lần so với hiện nay. Nhưng nếu 10% những người này chuyển sang sử dụng GTCC thì chắc chắn ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ giảm đi đáng kể. Thực tế, để thu hút mỗi 10% người dân chuyển sang sử dụng GTCC là điều không dễ dàng, mà điều này đã và đang được chứng kiến trong thập kỷ qua ở các thành phố lớn như như Hà Nội, TP HCM. Tốc độ tăng trưởng của xe hơi cá nhân là trên 10% mỗi năm trong khi chất lượng giao thông công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân là thách thức lớn trong phát triển bền vững giao thông đô thị” Tiến sỹ Khuất Việt Hùng nói.

Chính bởi vậy, Tiến sỹ Khuất Việt Hùng cho rằng phát triển hệ thống giao thông vận tải an toàn, hiệu quả, thông minh, bền vững đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân là một giải pháp căn bản và vô cùng cấp thiết hiện nay. Chúng ta không thể chờ tới khi giao thông ùn tắc trầm trọng mới bắt tay vào triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông. Ngay từ bây giờ, chúng ta cần có tầm nhìn xa, có những chiến lược đúng đắn, và cần bắt tay ngay vào hành động, quyết liệt với lộ trình xây dựng hệ thống giao thông vận tải an toàn, hiệu quả, thông minh, bền vững cho Việt Nam.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy để giải quyết ùn tắc giao thông, chỉ tập trung vào giải pháp xây mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông là chưa đủ. Càng đầu tư nhiều đường xá, tình trạng ùn tắc giao thông lại càng trở nên trầm trọng hơn bởi lý do đơn giản, khi càng có nhiều đường thì người dân càng mua nhiều  xe và càng đi lại bằng phương tiện cơ giới cá nhân nhiều hơn, dẫn tới hậu quả tất yếu về ùn tắc, tai nạn và ô nhiễm môi trường.

Quản lý nhu cầu giao thông là một chiến lược cần được nghiên cứu xây dựng và đem vào thực hiện song song với quá trình quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Chiến lược này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại thuận tiện bằng giao thông cộng cộng, kết hợp với sử dụng các phương thức phi cơ giới xe đạp và đi bộ, hoặc các loại phương tiện có mức phát thải rất thấp (xe điện), và chỉ sử dụng xe hơi cá nhân cho những chuyến đi nhất định. Những mô hình như vậy ở một số nước phát triển đã  đem lại những thành công đáng kinh ngạc, vừa đem lại sức khỏe cho cộng đồng, bảo vệ môi trường, nâng cao an ninh năng lượng, vừa giúp giảm ùn tắc và nâng cao an toàn giao thông.

Theo Tiến sỹ Khuất Việt Hùng, việc tạo nên một hệ thống giao thông vận tải xanh thân thiện với môi trường đang trở nên ngày càng cấp thiết, trong bối cảnh an ninh về năng lượng trở nên diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, gia tăng nhu cầu về bảo đảm sức khỏe và giảm mức độ phơi nhiễm khi tham gia giao thông trong môi trường có hạn mịn và các khí thải từ hoạt động giao thông vận tải. Số liệu nghiên cứu công bố cho thấy 45.000 người thiệt mạng do bệnh liên quan tới đường hô hấp, trong đó có nguyên nhân rất lớn từ ô nhiễm ngoài trời với tỷ lệ lớn đến từ lĩnh vực giao thông vận tải, quy mô thiệt hại lớn gấp 5 lần số người thiệt mạng do tai nạn giao thông trực tiếp.

Đưa công nghệ vào giải quyết bài toán giao thông

Tiến sỹ Khuất Việt Hùng cho biết, hệ thống giao thông vận tải hợp nhất và thông minh theo nghĩa đầy đủ là một hệ thống được tích hợp đầy đủ các yếu tố cần thiết và kết nối một cách hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của người dân một cách tốt nhất. Trong thời điểm khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, đó sẽ là việc ứng dụng mạnh mẽ các giải pháp trên nền tảng các yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số: Trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật và dữ liệu lớn trong việc kết nối các yếu tố trong hệ thống giao thông vận tải với nhau, giữa hệ thống với con người và quan trọng hơn và để phục vụ sự di chuyển của con người. Một hệ thống vận tải hợp nhất cao sẽ giúp góp phần nâng cao an toàn giao thông, giảm ảnh hưởng  tới môi trường và ngược lại.

Trong 5 năm từ 2011-2015, Việt Nam đã kéo giảm 50% số vụ, 24% số người thiệt mạng và 60% số người bị thương, đạt được nhiều thành tựu trong cải thiện môi trường và kiểm soát ùn tắc giao thông, tuy vậy thiệt hại do tai nạn giao thông ở mức cao, với thiệt hại vào khoảng 2.5% GDP, tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng trở lại. Trong thời gian tới Việt Nam và nhiều nước trong khu vực sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức lớn có liên quan tới giao thông vận tải: Ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, tác động biến đổi khí hậu với hoạt động giao thông...chính bởi vậy việc xây dựng lộ trình để từng bước hướng tới một hệ thống giao thông vận tải bền vững, an toàn hiệu quả, thông minh càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.