Chia sẻ tại sự kiện Tiêu dùng không dùng tiền mặt nhằm hưởng ứng tháng khuyến mại Hà Nội 2022, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh tiền tệ, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tội phạm, quản lý thuế...

Còn theo bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong đại dịch Covid-19, dù các lĩnh vực khác trong nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thanh toán không tiền mặt vẫn tăng trưởng 2 con số.

Báo cáo hành vi người tiêu dùng của VISA năm 2022 cũng cho thấy, có đến 76% người dùng cho biết tiếp tục sử dụng ví điện tử sau đại dịch, 82% sẽ sử dụng dịch vụ thẻ sau dịch Covid-19.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, hiện vẫn còn nhiều dư địa cho thanh toán không dùng tiền mặt. Tại Việt Nam, tỷ lệ người dùng sử dụng phương thức COD (phát hàng thu tiền hộ) trong thương mại điện tử vẫn ở mức cao (hơn 70%). Ở mảng thanh toán không dùng tiền mặt, hình thức thanh toán qua chuyển khoản đang chiếm ưu thế. Tỷ lệ thanh toán qua ví điện tử hay các đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán còn tương đối thấp. 

Nhận xét tổng quan về thị trường thanh toán tại Việt Nam, bà Đặng Thị Hương Giang - đại diện NAPAS cho hay, khoảng 66% người trưởng thành Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Tính đến hết năm 2021, đã có 120 triệu thẻ ngân hàng được phát hành tại Việt Nam, 1,3 triệu thẻ được mở mới qua hình thức eKYC (xác thực điện tử). Việt Nam có hơn 40 đơn vị, tổ chức trung gian thanh toán được cấp phép với khoảng 20 triệu tài khoản ví điện tử đang hoạt động.

Điều đáng chú ý là không chỉ người dân thành thị có thu nhập cao ưu tiên cho các giao dịch số. Người có thu nhập thấp và doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng tiếp cận gần hơn với những nền tảng thanh toán hiện đại.

Hiện nay, có sự dịch chuyển và gia tăng rõ rệt các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua MoMo của người dùng. (Ảnh: Thế Vinh)

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Bá Diệp – Đồng sáng lập, Phó chủ tịch Ví MoMo – cho hay có sự dịch chuyển và gia tăng rõ rệt các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua MoMo của người dùng, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình và thấp. Đồng thời ghi nhận mức tăng mạnh mẽ về số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ và các hộ kinh doanh sử dụng giải pháp thanh toán của ví này. Những dịch vụ thiết yếu phục vụ cho đời sống có sự tăng trưởng mạnh như chuyển tiền, mua sắm online, thanh toán điện nước, dịch vụ tài chính, giải trí tại nhà…

Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cụ thể là: nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, mô hình kinh doanh, giải pháp số tiên tiến, đổi mới gắn với Cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng; Phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử; Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Ngoài ra, cần tăng cường cơ chế phối hợp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt: Triển khai thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận, quy chế phối hợp, biên bản hợp tác, phối hợp song phương hoặc đa phương giữa các Bộ, ngành liên quan để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; Chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thanh toán theo lộ trình và bước đi phù hợp; tích cực tham gia vào các hoạt động của các định chế tài chính - tiền tệ, các diễn đàn về thanh toán khu vực và quốc tế; tập trung triển khai các cam kết quốc tế hội nhập đã ký liên quan đến lĩnh vực thanh toán…