{keywords}
Tổng công suất đặt điện mặt trời đã vào vận hành khoảng 4.500MW. Ảnh minh họa Vneconomy

Theo báo cáo của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), hiện nay, tổng công suất điện mặt trời đã vào vận hành khoảng 4.500MW. Hệ thống điện ghi nhận mức độ sụt giảm công suất trung bình ở mức 7 - 10% (tương đương 300 - 450MW) trong thời gian từ 8 - 10 phút. Tốc độ sụt giảm công suất trung bình 30 MW/phút. Tốc độ phục hồi công suất trung bình 15 MW/phút.

Theo Cổng thông tin EVN, sự sụt giảm công suất gây khó khăn trong việc điều độ, vận hành hệ thống điện, đảm bảo tần số trong dải cho phép. Ngoài ra, nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) cũng dẫn đến tăng chi phí của hệ thống điện, do phát sinh chi phí để khởi động lại các tổ máy nhiệt điện than, tuabin khí đã ngừng trước đó hoặc huy động các tổ máy chạy dầu DO thay thế,...

Để vận hành hệ thống điện an toàn, hiệu quả trong bối cảnh nguồn NLTT tăng cao, hiện nay A0 đang triển khai đồng bộ các giải pháp như: Xây dựng hệ thống tự dự báo các nguồn NLTT; đầu tư hệ thống nguồn dự báo công suất phát NLTT độc lập, nhằm nâng cao chất lượng dự báo; xây dựng yêu cầu kỹ thuật dự báo công suất các nguồn NLTT…

Ngoài ra, A0 cũng triển khai nâng cấp phân hệ NLTT trên cổng thông tin của đơn vị, nhằm thu thập và quản lý thông tin các nguồn phân tán (các nguồn đấu nối lưới điện phân phối bao gồm cả điện mặt trời mái nhà); quản lý thông tin vận hành (dữ liệu vận hành, công bố công suất, lịch sửa chữa…) các nguồn phân tán; nâng cấp tính năng quản lý, so sánh nhiều nguồn thông tin dự báo NLTT, các nguồn phân tán…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo EVN yêu cầu A0 phối hợp với các ban chuyên môn của Tập đoàn xây dựng báo cáo đánh giá cụ thể, chi tiết về ảnh hưởng của năng lượng tái tạo đến an ninh và chi phí của hệ thống trong thời gian qua, cũng như dự báo những năm tới. Từ đó đề xuất với Bộ Công Thương các giải pháp, nhằm vận hành hệ thống điện an toàn, hiệu quả và kinh tế.

D.V