Sử dụng công nghệ để bảo vệ, đồng hành cùng trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề được các chuyên gia bàn thảo nhiều tại hội thảo chuyên đề vừa được tổ chức.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐ - TB&XH, các cơ quan quản lý đang hợp lực tìm kiếm, khuyến khích các ứng dụng công nghệ để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Ông Nam cho biết, Cục Trẻ em cùng Cục ATTT đang khuyến khích, tìm kiếm các doanh nghiệp có thể xây dựng giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. “AI này được xây dựng theo triết lý để đồng hành cùng con người, sau đó dần dần thay thế nguồn nhân lực của chúng ta”, ông Nam nói.

Hội thảo "Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng"

Cụ thể hơn, theo lãnh đạo Cục trẻ em, Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 đang tìm kiếm các giải pháp đồng hành và xây dựng AI dần thay thế nhân viên tư vấn của 111 để giải đáp thông tin dưới dạng (chatbox); phân tích dữ liệu, xác định xu hướng bởi hiện nay chúng tôi đã có đầy đủ các dữ liệu đầu vào; hỗ trợ cho những người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp cơ sở (thôn, xã) để AI hỗ trợ họ trong đánh giá nguy cơ trên mạng cũng như trong đời thực để hỗ trợ địa phương xây dựng các kế hoạch hỗ trợ can thiệp, các dịch vụ cần kết nối hay các cá nhân có trách nhiệm.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em phát biểu tại Hội thảo

“AI đồng hành cùng con người, giúp con người trong chăm sóc và điều trị sức khoẻ tâm thần cho trẻ em. Đây là khía cạnh có nhu cầu rất lớn, rõ rệt nhất là trong đại dịch Covid-19 vừa qua”, ông Nam nói.
 
Tuy nhiên, ông Đặng Hoa Nam cũng khuyến nghị, cho dù các sản phẩm công nghệ như thế nào để hỗ trợ trẻ em trên mạng thì sản phẩm đó phải đồng hành, đồng thuận và thân thiện với trẻ em. “Chúng tôi khuyến khích các sản phẩm có sự tham gia của trẻ em, cha mẹ thông qua chia sẻ thông tin, khuyến cáo, thông báo với các xâm hại của trẻ em trên mạng. Làm sao để trẻ có được hệ miễn dịch số cho trẻ khi tham gia trên môi trường, sau đó dần dần thay thế nguồn nhân lực", ông Nam nói.

Toàn cảnh phiên hội thảo chuyên đề về bảo vệ trẻ em trong khuôn khổ Ngày an toàn thông tin 2022.

Ngoài ra, ông Đặng Hoa Nam cũng cho rằng, cần có giải pháp tạo ra vắc-xin số cho từng nhóm trẻ, cha mẹ để các em sẵn sàng chia sẻ những vấn đề gặp phải khi tham gia môi trường mạng hay về các thông tin trẻ có thể tiếp cận trên mạng. Ông Nam cũng nêu ra thực trạng hiện nay, nhiều trẻ em gặp vấn đề trên mạng nhưng không biết chia sẻ với ai, không có nơi tin cậy để chia sẻ các vấn đề mà mình gặp phải. 

Ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT), Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết: Việt Nam đang có khoảng 24,7 triệu trẻ em, chiếm gần 25% dân số, trong đó 2/3 trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet.

Ông Tuân dẫn số liệu báo cáo của UNICEF cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi có sử dụng Internet và con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi. “Điều này cho thấy mức độ tham gia các hoạt động trên không gian mạng của trẻ em ở Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là sau đại dịch Covid vừa qua. Có thể nói chưa bao giờ trẻ em dành nhiều thời gian cho Internet như hiện nay”, ông Tuân nói.
 
Lãnh đạo VNCERT cũng cho biết việc sử dụng, tham gia các hoạt động trên Internet gia tăng sẽ khiến trẻ em phải đối mặt với nhiều rủi ro như tiếp cận với các nội dung độc hại, bị phát tán thông tin riêng tư, nhạy cảm; bị bắt nạt trực tuyến hoặc rơi vào tình trạng nghiện Internet. Trước tình trạng này, bảo vệ và giúp đỡ trẻ em phát triển lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng là trách nhiệm của toàn xã hội.