Theo RIA, mới đây người đứng đầu Khoa dịch tễ vệ sinh của Bệnh viện Quân y Trung ương mang tên Vishnevsky, ông Igor Yuriev cho hay, trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, nên ưu tiên chọn kiểu tóc “gọn gàng” để tóc không làm lây nhiễm virus vào mặt.

“Ưu tiên cho kiểu tóc gọn gàng khi bạn ở nơi đông người, trong khi kiểu tóc buông xõa thường xuyên tiếp xúc với khuôn mặt sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm”, ông Yuriev nói.

Ngoài ra, ông Yuriev cũng khuyên rằng, không nên chạm vào tay nắm cửa, lan can, các vật thể và bề mặt khác ở những nơi công cộng bằng tay trần, hạn chế bắt tay, hôn và ôm, thường xuyên thông gió trong các phòng và không sử dụng khăn chung.

Đồng thời, ông Yuriev cho biết thêm, nên rửa tay sau khi đến những nơi công cộng, phương tiện giao thông, sau khi chạm vào tay nắm cửa, tiền, trước khi ăn và nấu ăn, và sau khi trở về từ bên ngoài. Chuyên gia người Nga nhấn mạnh rằng, không chỉ rửa tay, mặt bằng xà phòng và nước, mà còn nên rửa mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý. Ở những nơi đông người và trên phương tiện công cộng nên sử dụng khẩu trang y tế dùng một lần.

Các chuyên gia khuyên gì trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 đến nay đã ghi nhận ở 212 quốc gia/ vùng lãnh thổ. Ảnh: RIA.

Những sai lầm về hành vi trong cuộc chiến chống lại Covid-19

Các nhà khoa học tại Đại học Princeton (Mỹ) đã phát hiện ra những sai lầm chính về hành vi có thể khiến xã hội khó thoát khỏi cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra.

Theo đó, nghiên cứu này được báo cáo ngắn gọn trong một thông cáo báo chí đăng trên EurekAlert (Hiệp hội vì Sự tiến bộ Khoa học Mỹ). Chúng bao gồm nỗi sợ vô hình và định kiến, cũng như giãn cách xã hội quá mức và diễn giải sai các số liệu thống kê.

Theo các tác giả, việc nhận thức được những cái bẫy này sẽ giúp chúng ta đối phó hiệu quả với đại dịch Covid-19. Ví dụ, do lo lắng về đại dịch mọi người có thể quên đi thói quen tập thể dục, bỏ bê giấc ngủ và ngừng giao tiếp với mọi người. Việc cách ly và giãn cách xã hội có khả năng làm trầm trọng thêm những rối loạn tâm lý mạn tính.

Ngoài ra, cũng cần diễn giải chính xác các số liệu cập nhật hàng ngày về tình hình dịch bệnh, vì những sai lệch ngẫu nhiên có thể bị nhầm lẫn thành xu hướng lâu dài. Những số liệu đó không thể hiện đúng bức tranh thực sự về sự lây lan của dịch bệnh, do sự chậm trễ liên quan đến thời gian ủ bệnh và thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm, nhưng cùng với nỗi sợ vu vơ thì chúng lại làm mọi người thêm lo lắng.

Các tác giả nhận định rằng, khi đại dịch Covid-19 chấm dứt do định kiến mà có thể dẫn đến việc bắt đầu truy xét các quan chức y tế, những người theo ý kiến công luận đã hành động không mấy hiệu quả hoặc ngược lại đã áp dụng các biện pháp thái quá.

Đồng thời, báo cáo cũng nhấn mạnh, mặc dù những lời chỉ trích có thể có cơ sở, nhưng những thông tin mâu thuẫn nhau sẽ không giúp xác định được chính xác những gì ta đã biết về đại dịch ở các giai đoạn diễn biến khác nhau, cũng như đánh giá được hành động của chính quyền thích ứng đến mức độ nào.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 11/3 tại Geneva đã chính thức công bố dịch Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) là đại dịch trên toàn cầu. Về cơ bản, có 3 tiêu chuẩn chính để kết luận một căn bệnh là đại dịch: một chủng virus có thể gây bệnh hoặc gây tử vong; liên tục lây lan từ người sang người; và có bằng chứng cho thấy nó lan khắp toàn cầu. Đến nay, 212 quốc gia/ vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc.