Covid-19 lan rộng, hơn 1,5 tỷ người được khuyên ở trong nhà
 

Covid-19 tăng tốc, WHO kêu gọi tấn công virus

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh con số tử vong vì virus corona chủng mới trên toàn cầu đã chạm tới mốc 16.030 và tổng số người nhiễm là 349.763, theo thống kê của WHO và các cơ quan y tế khác.

“Đại dịch Covid-19 đang tăng tốc”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố tại một cuộc họp báo.

Nhà lãnh đạo này cho hay, kể từ khi dịch bùng phát ở Trung Quốc hồi tháng 12/2019, virus mất 67 ngày để lây nhiễm cho 100.000 người đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ trong 11 ngày đã có 100.000 ca lây nhiễm tiếp theo và chỉ mất 4 ngày để số ca lây nhiễm tăng từ 200.000 lên 300.000.  

“Chúng ta không phải là những người qua đường không tự lực được. Chúng ta có thể thay đổi đường đi của đại dịch”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói và kêu gọi các nước phối hợp hành động.

Quan chức WHO còn so sánh cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 với chiến thuật bóng đá. “Bạn không thể thắng một trận đấu chỉ bằng cách phòng thủ. Bạn cũng phải tấn công. Hạn chế giao tiếp xã hội có thể tạo thêm thời gian để làm chậm sự lây lan, song các biện pháp phòng thủ sẽ không giúp chúng ta chiến thắng. Để giành thắng lợi, chúng ta cần tấn công virus một cách quyết liệt và với các chiến thuật có mục tiêu”.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhắc lại lời kêu gọi “làm xét nghiệm từng trường hợp nghi nhiễm, cách ly và chăm sóc mỗi trường hợp đã nhiễm virus và theo dõi, cách ly những người tiếp xúc gần”.

Dù đưa ra lời kêu gọi tấn công Covid-19 song Tổng giám đốc WHO cũng thừa nhận một loạt quốc gia vẫn đang vật lộn để thực thi thêm các biện pháp quyết liệt do thiếu nguồn lực cũng như bộ xét nghiệm virus.

Covid-19 lan rộng, hơn 1,5 tỷ người được khuyên ở trong nhà
 

1/5 dân số thế giới được khuyên ở trong nhà

Vì thiếu khẩu trang, máy trợ thở và sự thiện chí chính trị, hơn 1,5 tỷ người ngày 23/3 được kêu gọi hoặc yêu cầu ở yên trong nhà vì tuần này là tuần then chốt trong cuộc chiến kiềm chế sự lây lan của virus corona chủng mới tại châu Âu và Mỹ.

Sự chia rẽ đảng phái đã cản trở những nỗ lực thông qua một gói cứu trợ khổng lồ tại Quốc hội Mỹ, làm thị trường chứng khoán sụt xuống một lần nữa dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hứa sẽ cho các doanh nghiệp lớn lẫn nhỏ vay vốn để giúp họ vượt qua khủng hoảng.

Anh phong toả đất nước

Bắt đầu từ ngày 23/3, Anh được đặt trong tình trạng phong toả kéo dài ít nhất 3 tuần để làm chậm sự lây lan của virus corona chủng mới.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo 66 triệu dân Anh rằng “con đường trước mặt còn ghập ghềnh” và “nhiều sinh mạng sẽ bị mất đi”.

Nhà lãnh đạo Anh cho hay, “đã tới lúc chúng ta cần phải làm nhiều việc hơn nữa” cùng lúc đưa ra những biện pháp mạnh tay như những gì các quốc gia châu Âu khác đã thực hiện.

Các ca lây nhiễm mới vẫn tăng mạnh, làm dấy lên lo ngại Anh sẽ giống Italia trong vòng một đến hai tuần tới nếu các nỗ lực mà nước này thực thi không có tác dụng.

Covid-19 cướp đi thêm nhiều sinh mạng ở Mỹ

Tại Mỹ, số người tử vong vì Covid-19 ở thành phố New York đã gần chạm mốc 100. Thông tin này làm gia tăng lo ngại về sự lây lan của virus tại đô thị lớn nhất nước Mỹ, nơi có khoảng 8,4 triệu người sinh sống.

“Tình hình sẽ tệ hơn trước khi được cải thiện. Chúng ta hiện vẫn trong khoảng lặng trước cơn bão”, thống đốc bang New York Andrew Cuomo nói.

Theo các chuyên gia y tế, cách giới chức Mỹ đối phó với sức ép đang đè nặng lên các bệnh viện lẫn quyết tâm của người dân trong việc hạn chế giao tiếp xã hội sẽ rất quan trọng trong vài ngày tới.

Số ca nhiễm, tử vong vì Covid-19 ở Italia giảm

Italia, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi đại dịch Covid-19, ghi nhận số ca nhiễm mới lẫn tử vong đều giảm trong ngày thứ hai liên tiếp. Tin tức này đã tạo ra một tia hy vọng, song vẫn còn quá sớm để nói khủng hoảng sắp qua.

Giới chức Italia ngày 23/3 cho biết, virus cướp đi 600 sinh mạng, giảm so với con số 793 của hai ngày trước đó. Tổng cộng, đại dịch Covid-19 đã làm hơn 6.000 người Italia thiệt mạng, đây là số tử vong cao nhất thế giới hiện nay và nó đẩy hệ thống y tế nước này tới ngưỡng sụp đổ.

Tại Trung Quốc, khủng hoảng do Covid-19 gây ra vẫn tiếp tục dịu đi. Thành phố Vũ Hán – nơi khởi phát dịch vào cuối năm ngoái, đã bắt đầu cho người dân di chuyển một cách hạn chế khi tình trạng phong toả được nới lỏng dần dần. Trung Quốc hiện đang chuyển khẩu trang và đồ bảo hộ cho châu Âu.