Tại Hội nghị trực tuyến tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin chống dịch Covid-19 sáng 15/3, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dù dịch đang diễn biến phức tạp nhưng tại Việt Nam có một số điểm khác khi hầu hết các ca mắc hiện nay đều do xâm nhập, sau đó lây lan cho cộng đồng nên xác định được rõ các bệnh nhân số 0. Đây là lợi thế giúp quản lý các ca bệnh dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, so với giai đoạn trước đây, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 đang có những thay đổi trong ứng phó để đáp ứng hiệu quả hơn với tình hình mới.

“Các biện pháp ứng phó trên tinh thần quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, triệt để hơn. Cái này rất quan trọng, thời gian qua có những tư tưởng, có những bài viết, cách trao đổi làm lung lay một số cán bộ nhưng tinh thần của Chính phủ, của Thủ tướng là phải thực hiện mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, đối với những thay đổi nhờ khoa học công nghệ. Vừa qua, các đơn vị đã tham gia rất tích cực, lần đầu tiên, Bộ Y tế nhắn tin tới tất cả các người dân, điều này chưa từng được áp dụng trong dịch SARS trước đây. Bộ Y tế cũng có những trang tin cung cấp thông tin minh bạch, không giấu giếm.

“Sắp tới chúng ta tiếp tục tận dụng triệt để công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc các hành khách, quản lý những trường hợp tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh. Trước đây, để kiểm soát các hành khách trên chuyến bay VN0054, cơ quan chức năng mất tới 4 ngày nhưng chuyến sau đó chỉ mất 2 ngày, giờ mất nửa ngày song Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, phải phấn đấu rút xuống còn 30 phút”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.

Cũng tận dụng lợi thế công nghệ thông tin, Ban chỉ đạo đã yêu cầu tất cả các Sở Du lịch, cơ sở lưu trú phải có QR code để thuận tiện cho các hành khách khai báo y tế.

Ban chỉ đạo đã phát 700 SIM điện thoại cho đầu mối tại 700 quận huyện trên cả nước để ngay khi có chỉ đạo, cùng lúc các địa phương đều nhận được để triển khai.

Trước đó, ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, Bộ TT&TT đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế chỉ đạo, điều phối, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông triển khai các biện pháp bảo đảm thông tin liên lạc và chia sẻ thông tin về công tác phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Covid-19 gây ra.

Tính đến thời điểm đầu tháng 3/2020, các doanh nghiệp viễn thông đã tổ chức 5 đợt nhắn tin tuyên truyền tới hơn 125 triệu thuê bao với tổng số gần 7 tỷ tin nhắn. Bộ TT&TT cũng chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông miễn cước cuộc gọi đến các số hotline của Bộ Y tế cũng như miễn cước truy nhập tốc độ cao đến các trang thông tin về phòng, chống dịch bệnh.

Tính đến ngày 15/3, Việt Nam đã có 56 trường hợp dương tính với Covid-19, riêng từ 6/3 đến nay có thêm 38 ca mắc mới.