{keywords}
Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 có thể hỗ trợ 5 triệu mũi tiêm/ngày.

Đầu tháng 7/2021, Viettel đã đưa vào vận hành Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19. Nền tảng này hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với năng lực đáp ứng 5 triệu mũi tiêm/ngày.

Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 Quốc gia do Viettel xây dựng và phát triển, bao gồm 4 hệ thống: Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử; Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19; Hệ thống hỗ trợ công tác Tiêm chủng Quốc gia; Trung tâm đáp ứng (MCC). Cơ sở dữ liệu của nền tảng được quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý.

Nền tảng này đã vận hành tại 63/63 tỉnh thành phố trong cả nước. Đây là nền tảng giúp người dân tham gia tiêm chủng một cách chủ động, thuận tiện. Toàn bộ quy trình, từ đăng ký tiêm chủng với tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng đều có thể thao tác qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19.

Mới đây, Viettel đã điều 150 cán bộ nhân viên để hỗ trợ TP.HCM vận hành, ứng dụng Nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 Quốc gia trong đợt tiêm chủng quy mô lớn tại đây.

Tại cuộc làm việc với Thành uỷ, UBND TP.HCM ngày 29/7 về công tác phòng chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh quan điểm thành phố phải đẩy nhanh lên mức độ cao nhất thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Báo cáo về công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19 của TP.HCM cho biết, hiện thành phố có 650 đội tiêm chủng, do đang thực hiện giãn cách nên hiện mỗi ngày tiêm khoảng 70.000-80.000 liều. Thành phố phấn đấu trong tháng 8/2021 tiêm được mũi 1 cho khoảng 70% dân số.

Ông Ngô Vĩnh Quý, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, chia sẻ: “Viettel nhận thức việc hỗ trợ đất nước, nhân dân chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi. Viettel sẽ nỗ lực đảm bảo nền tảng vận hành ổn định, đóng góp vào thành công của chiến dịch. Đây là cơ sở để mở rộng chiến dịch tiêm chủng toàn quốc, trong diễn biến dịch bệnh phức tạp hiện nay”.

Trước đó, ngày 20/7/2021, Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp cùng Bộ Y tế và Tập đoàn Viettel tổ chức tập huấn toàn quốc Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19. Phát biểu tại buổi tập huấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng một lần nữa nhấn mạnh đến vai trò của việc ứng dụng công nghệ trong chiến lược phòng, chống dịch Covid-19, giữa bối cảnh dịch bệnh đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Bộ Y tế và Bộ TT&TT đã đồng hành triển khai các nền tảng công nghệ để phòng chống dịch bệnh Covid-19 thông qua việc thiết lập và vận hành hoạt động của Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia.

Thời gian qua, Bộ TT&TT cũng đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng các nền tảng công nghệ hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, Bộ TT&TT đã triển khai trọn bộ 6 nền tảng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, bao gồm: Nền tảng khai báo y tế và quản lý vào ra bằng QR Code; Nền tảng quản lý tiêm chủng; Nền tảng quản lý lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm; Nền tảng hỗ trợ truy vết, nền tảng giám sát cách ly; Nền tảng phân tích số liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo.

Bên cạnh nền tảng quản lý tiêm chủng, Viettel đã thực hiện kết nối gần 7.500 camera giám sát tại các khu vực cách ly. Doanh nghiệp này cũng bổ sung trạm, triển khai xe lưu động để đảm bảo chất lượng mạng lưới cho 28 bệnh viện dã chiến, 68 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 và 200 khu cách ly tập trung.

Nguyễn Thái

 

Đề xuất tiêm chủng cho 62.000 shipper tại TP.HCM

Đề xuất tiêm chủng cho 62.000 shipper tại TP.HCM

Sở Công Thương TP.HCM đề xuất tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19 cho lực lượng tài xế công nghệ và nhân viên giao hàng của các sàn thương mại điện tử.