Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Cơ hội để doanh nghiệp viễn thông, Internet chăm sóc khách hàng

Trao đổi với phóng viên về ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) Vũ Thế Bình cho biết, do một số ngành kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng như du lịch - khách sạn, hàng không, giáo dục ... nên các doanh nghiệp viễn thông, Internet bị ảnh hưởng theo, dù mức độ khác nhau.

Mặt khác, do người dân ở nhà nhiều, nên nhu cầu dùng dữ liệu tăng lên, dẫn đến việc tăng doanh thu cục bộ cho một số doanh nghiệp.

“Chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp viễn thông, Internet có ảnh hưởng nhưng không lớn. Đồng thời đây cũng là cơ hội để các nhà mạng chăm sóc, thể hiện trách nhiệm của mình đối với khách hàng và xã hội”, Tổng thư ký VIA nhận định.

Còn ở góc độ người đứng đầu NetNam, ông Vũ Thế Bình cho biết, trong các tập khách hàng chính của NetNam có nhóm khách sạn, các hãng hàng không, một số cơ cở giáo dục - đào tạo là bị ảnh hưởng nhiều nhất. Do đó, ngay từ sau Tết âm lịch, NetNam đã chủ động đưa ra các giải pháp hỗ trợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng, thông qua chương trình giảm cước phù hợp.

Với các nhóm khách hàng khác do nhu cầu dịch vụ tăng cao trong mùa dịch, do tăng cường làm việc từ xa và truy cập vào mạng nghiệp vụ tăng lên, như các ngân hàng, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp ... NetNam đã có giải pháp hỗ trợ kịp thời thông qua việc mở rộng băng thông hay giải pháp họp trực tuyến riêng biệt.

"Thách thức lớn nhất với các nhà cung cấp dịch vụ Internet, là đảm bảo hoạt động liên tục của dịch vụ và giữ vững sức khoẻ và tinh thần của đội ngũ cán bộ, để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn chung này", người đứng đầu NetNam chia sẻ.

Kích hoạt kịch bản cho nhân viên làm từ xa

Cũng theo ông Vũ Thế Bình, NetNam là một công ty Internet, việc tổ chức cho nhân viên làm việc từ xa không quá xa lạ, các cán bộ, nhân viên đều đã quen với việc tham gia các hoạt động nội bộ thông qua các công cụ trực tuyến.

Ứng phó với dịch Covid-19, ngay từ rất sớm NetNam đã chuẩn bị các kịch bản nhằm đảm bảo duy trì hoạt động liên tục, xây dựng bám theo các kịch bản cách ly, phong tỏa của chính quyền. Khi tình huống xảy ra, công ty kích hoạt theo đúng kịch bản đã chuẩn bị.

Cụ thể, từ đầu tuần này, NetNam đã kích hoạt kịch bản làm việc "tối đa tại gia". Và hôm nay, khi có chỉ thị của Thủ tướng về cách ly toàn xã hội trong 15 ngày từ ngày 1/4/2020, NetNam chuyển sang chế độ kịch bản ứng phó cao nhất, tương tự như phong toả toàn thành phố.

“Cán bộ và nhân viên NetNam cứ bám theo các kịch bản đã xây dựng để hành động, với mục đích duy trì hoạt động liên tục của dịch vụ mạng cho khách hàng”, ông Bình nói.

Có cùng quan điểm với lãnh đạo NetNam, CEO Công ty an toàn thông tin mạng CyRadar, ông Nguyễn Minh Đức cũng khẳng định việc chuyển đổi, cho nhân viên làm việc từ xa không phải việc khó với một doanh nghiệp làm trong lĩnh vực CNTT, an toàn thông tin như CyRadar.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ đầu tuần này, toàn bộ nhân viên của CyRadar đã làm việc từ xa. Từ trước đến giờ đội ngũ CyRadar vẫn thường giao tiếp, trao đổi công việc qua Microsoft Teams. Hiện nay nhiều khách hàng sử dụng Zoom hay Google Hangout, nên các nhân viên CyRadar sẽ sử dụng thêm cả các ứng ụng này để làm việc với khách.

Còn đối với G-Group, do khối lượng công việc lớn, đơn vị này không áp dụng chính sách 100% nhân viên làm việc từ xa mà chọn phương án luân phiên. Các bộ phận chia lịch làm việc online - offline, phối kết hợp làm sao để vẫn đạt hiệu quả mong muốn, đồng thời sức khỏe được đảm bảo. Quy định của G-Group ở thời điểm này là không quá 20 người tại văn phòng. Lịch làm việc từ xa tại G-Group áp dụng từ ngày 30/3 - 5/4/2020. Tuy nhiên, công ty cũng không loại trừ khả năng 100% nhân viên sẽ làm việc từ xa nếu dịch bệnh diễn biến xấu.

Trước đó, nhân viên G-Group nhận được tài liệu hướng dẫn làm việc từ xa hiệu quả, cùng với quy định của công ty về chấm công, điểm danh qua video call báo cáo nghiêm ngặt đầu giờ sáng và cuối giờ chiều hàng ngày, tương tác online, phần mềm họp nhóm để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Với Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam (VSEC), đại diện doanh nghiệp này chia sẻ, VSEC vẫn tiếp tục tạo điều kiện cho nhân viên được khiến làm việc từ xa.

Tuy nhiên, đại diện VSEC cũng cho hay, việc chuyển đổi sang hình thức làm việc từ mô hình tập trung sang mô hình phân tán trong thời gian đầu có gây ra một số lo lắng cho công ty do sợ khó kiểm soát được nhân viên, khó khăn trong giao tiếp, phối hợp xử lý tình huống..., hay thậm chí tạo ra những nguy cơ về bảo mật, do đó làm việc từ xa có thể phần nào ảnh hưởng tới hiệu quả công việc hay tiến độ dự án.

Nhận thức rõ điều này, ngay từ đầu VSEC đưa ra các phương án xử lý, cụ thể như: phổ biến các vấn đề về bảo mật thông tin khi làm việc từ xa tới toàn thể nhân viên, nâng cao các biện pháp an toàn mạng trong quá trình làm việc từ xa; sử dụng các công cụ họp online để mọi người có thể trao đổi trực tuyến, cập nhật công việc hoặc xử lý các vấn đề quan trọng và khẩn cấp.

Cùng với đó, nhân viên tuy làm việc tại nhà, nhưng thời gian làm việc vẫn tuân thủ theo đúng giờ hành chính, có ý thức online làm việc theo đúng thời gian quy định. Đồng thời, thường xuyên báo cáo công việc để leader nắm bắt tiến độ và hiệu suất công việc.

Theo đại diện Appota, Ban giám đốc công ty đã quyết định kích hoạt kịch bản áp dụng chia nhân sự luân phiên làm việc tại nhà,  đảm bảo 50% nhân sự làm việc tại nhà và 50% nhân sự còn lại làm việc tại công ty từ ngày 24/3/2020.

Trong đó, với nhân sự làm việc tại công ty, 100% nhân viên đi làm đeo khẩu trang, đo thân nhiệt đầu giờ sáng, thường xuyên rửa tay sát khuẩn, không tụ tập đông người. Đồng thời, bố trí ngồi chéo, cách xa nhau và xịt khủ trùng chỗ làm việc sau mỗi lần đổi ca vào cuối ngày. Còn nhân sự làm ở nhà sẽ phải dùng ứng dụng ACheckin khai báo chấm công, thực hiện giờ giấc, trang phục như trên công ty.

Ngoài ra, thực hiện Video call hàng ngày qua Zoom, Skype để tăng tốc độ giao tiếp, họp hành, đồng thời xây dựng và báo cáo To Do List công việc vào cuối ngày. "Công ty cũng yêu cầu 100% phản hồi thông tin nhanh, đầy đủ khi được liên hệ, xử lý công việc và tuân thủ quy trình, công việc như đi làm bình thường", đại diện Appota chia sẻ.