Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN diễn ra trong buổi sáng, hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) được tổ chức vào buổi chiều.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo tất cả các nước ASEAN tại đầu cầu các quốc gia: Quốc vương Brunei Sultan Haji Hassanal Bolkiah Mu’izzaddin Waddaulah; Thủ tướng Campuchia Hun Sen; Tổng thống Indonesia Joko Widodo; Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith; Thủ tướng Malayssia Tan Sri Muhyiddin Haji Mohd Yassin; Tổng thống Myanmar U Win Myint; Tổng thống Philipines Rodrigo Roa Duterte; Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. 

Cùng nhau đề ra các biện pháp phòng chống dịch

Các nhà lãnh đạo sẽ cùng nhau đề ra các biện pháp, sáng kiến cụ thể, thúc đẩy hơn nữa hợp tác phòng chống dịch bệnh đồng thời bảo đảm sự phát triển năng động, bền vững của khu vực về dài hạn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP

Đây là hoạt động phát huy vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, nâng cao tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng, thúc đẩy đoàn kết, thống nhất ASEAN, đẩy mạnh cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, liên ngành, liên trụ cột của cả Cộng đồng ASEAN cũng như hợp tác với các đối tác trong kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu các tác động về kinh tế-xã hội của dịch bệnh.

ASEAN tiếp tục duy trì đà hợp tác, liên kết, đưa ASEAN vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn, thử thách.

Ngay khi dịch Covid-19 mới bùng phát, là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ động, tích cực thúc đẩy đoàn kết, thống nhất và điều phối nỗ lực chung của ASEAN ứng phó với dịch bệnh.

 Ảnh: VGP

Sau khi tham vấn với các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra tuyên bố Chủ tịch ASEAN ngày 14/2, khẳng định quyết tâm và cam kết chính trị ở mức cao của ASEAN để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh.

Hội đồng Điều phối ASEAN, gồm các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã tổ chức 2 phiên họp ngày 20/2 và sáng 9/4 để trao đổi về các biện pháp phối hợp và hợp tác trong ASEAN cũng như với các Đối tác ứng phó dịch bệnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN. Ảnh: VGP

Trong kênh y tế, ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát, các cơ chế ứng phó dịch bệnh khẩn cấp của khu vực ASEAN và với các Đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3) đã được khởi động.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc đã ra Tuyên bố của Hội nghị về Covid-19 ngày 20/2.

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh Covid-19, được tổ chức dưới hình thức trực tuyến để thích ứng với tình hình dịch bệnh và là biện pháp cần thiết, được xem là cơ hội để ASEAN thể hiện những nỗ lực vượt ra ngoài dịch Covid-19.

Ảnh: VGP

Qua đó, ASEAN khẳng định cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của ASEAN và các nước ASEAN+3 trong ngăn ngừa và loại bỏ các nguy cơ của dịch bệnh đối với cuộc sống người dân, ổn định tình hình kinh tế-xã hội các quốc gia thành viên. 

Gắn kết và chủ động thích ứng với dịch

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Đại dịch Covid-19 nguy hiểm đang lan tràn khắp khu vực và toàn cầu.

Tất cả các quốc gia thành viên ASEAN cũng đang phải nỗ lực phòng chống dịch Covid-19, tác động tiêu cực tới đời sống của mọi người dân, kinh tế, xã hội nhất là khu vực dịch vụ vốn chiếm 30% tổng GDP của ASEAN, thách thức ổn định và an sinh xã hội:

Thủ tướng cho rằng, chính trong thời điểm u ám, khó khăn này, đã bừng sáng lên tinh thần đoàn kết của Cộng đồng ASEAN về tình đoàn kết, tương thân, tương ái, cùng kề vai vượt qua khó khăn được thể hiện qua Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung trước dịch bệnh Covid-19 (14/2); tăng cường hợp tác về y tế, quốc phòng, kinh tế, du lịch; sẻ chia, hỗ trợ cung cấp nhu yếu phẩm, thiết bị y tế, hỗ trợ công dân trong dịch bệnh.

“Những nỗ lực của ASEAN đã mang lại kết quả đáng khích lệ, kiểm soát được dịch bệnh, số ca nhiễm trong 650 triệu người dân ASEAN chỉ khoảng 15.000 là thấp hơn, tăng chậm hơn nhiều so với tỉ lệ chung của toàn cầu. Kết quả bước đầu giúp chúng ta tự tin hơn, nhưng không được chủ quan mà cần đoàn kết và quyết tâm nhiều hơn nữa trong hành động trên tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ tin tưởng, hội nghị sẽ đưa ra nhiều biện pháp thiết thực để vượt qua thử thách Covid-19, ổn định cuộc sống người dân và phát triển ổn định, bền vững.

Sau phần phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, Chủ tịch Hội đồng Điều phối ASEAN(ACC) trình bày báo cáo về các nỗ lực của ASEAN trong ứng phó Covid-19 và khuyến nghị về phương hướng hợp tác thời gian tới báo cáo lên các nhà Lãnh đạo ASEAN.