Chiều 12/10, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức buổi tọa đàm “Why Việt Nam: Kinh tế số Việt Nam chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế”. Đây là sự kiện được tổ chức bên lề Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam 2022. 

Mới đây, Việt Nam đã ban hành Chiến lược Kinh tế số và Xã hội số với mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. 

Chiến lược khẳng định kinh tế số là động lực tăng trưởng mới, là sự chuyển đổi từ chủ yếu là kinh tế số dựa trên ICT sang dựa trên kinh tế số ngành, là sự nhấn mạnh vai trò của các nền tảng số Việt Nam, là sự thay đổi thể chế để chấp nhận các mô hình kinh doanh mới.

Tọa đàm “Why Việt Nam: Kinh tế số Việt Nam chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế”. Ảnh: Trọng Đạt

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia trong và ngoài nước đã cùng nhau thảo luận về câu chuyện Việt Nam nên làm gì để vừa tự chủ công nghệ, phát triển các nền tảng số đáp ứng nhu cầu trong nước, đồng thời hợp tác quốc tế để mở rộng thị trường và hội nhập với nền kinh tế số thế giới. 

Kinh tế số Việt Nam – con đường phía trước

PV: Việt Nam là một trong những quốc gia đã sớm ban hành Chiến lược về phát triển kinh tế số và xã hội số. Đâu là nét đặc trưng riêng của Việt Nam so với thế giới trong chiến lược phát triển kinh tế số của mình?

Ông Hoàng Anh Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TT&TT):

Nhiều nước trên thế giới đã ban hành chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số, ví như Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. 

Về mặt xu hướng và định hướng công nghệ, có sự tương đồng giữa chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ, chiến lược của Việt Nam có những nét đặc trưng và cách tiếp cận rất riêng. 

Đó là sự chuyển đổi từ kinh tế số chủ yếu là ICT sang kinh tế số ngành, đó là sự xuất hiện của các doanh nghiệp Make in Việt Nam. Đó còn là sự điều chỉnh và nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện chính sách, Tọa đàm “Why Việt Nam: Gỡ bỏ rào cản để tạo thuận tiện hơn cho kinh tế số. 

Ông Hoàng Anh Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế. Ảnh: Trọng Đạt

Việc phát triển hạ tầng kinh tế số, trong đó có hạ tầng Internet băng rộng, Cloud, IoT, thúc đẩy đào tạo kỹ năng số cho người dân,… sẽ tạo ra thị trường kinh tế số Việt Nam rất năng động trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu kinh tế số đạt 20% GDP trong năm 2020 và 25% vào năm 2030. 

Tiềm năng kinh tế số của Việt Nam là rất lớn, đủ để các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cùng làm ăn, kinh doanh và phát triển.  

PV: Mỗi quốc gia sẽ có một “con đường” riêng tùy thuộc vào điều kiện của mình để phát triển kinh tế số. Các doanh nhân Việt Nam sẽ nhận về mình sứ mạng gì để tạo đột phá trong việc xây dựng “con đường” kinh tế số Việt Nam?

Ông Đặng Tùng Sơn - Phó Tổng Giám đốc CMC Telecom:

Ở góc nhìn của mình, chúng tôi nhận thấy 8 sứ mệnh cần làm để xây dựng và phát triển kinh tế số. 

Đó là đóng góp vào việc xây dựng thể chế và chế sách; thể hiện vai trò “educate” thị trường nhằm chuyển đổi số cho khách hàng; xây dựng hạ tầng số; xây dựng các nền tảng số Make in Viet Nam; xây dựng và phát triển hệ thống an toàn thông tin đảm bảo chủ quyền an ninh mạng; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, thu hút người tài; thúc đẩy sự phát triển của thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt. 

PV: Thương mại điện tử là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế số. Là sàn thương mại điện tử hàng đầu khu vực, Lazada đã tham gia như thế nào vào nền kinh tế số của Việt Nam? 

Bà Vũ Thị Minh Tú – Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam:

Lazada luôn đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp Việt chuyển đổi số hiệu quả hơn thông qua thương mại điện tử. Tại Việt Nam, Lazada đã tham gia hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp để chuyển đổi sang kinh doanh số. 

Bà Vũ Thị Minh Tú – Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Trong thời gian qua, Lazada cũng đã hợp tác với Bộ Công thương, các sở ban ngành địa phương,.. để tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công ty cũng thành lập hệ thống học viện và cung cấp công cụ giúp nhà bán hàng hoạt động hiệu quả. Điều này nhằm giúp người bán có kiến thức và công cụ để phát triển công việc kinh doanh của mình. 

Lazada cũng có nhiều sáng kiến trong việc kết nối các doanh nghiệp, doanh nhân số bằng việc xây dựng cộng đồng các nhà bán hàng với hơn 49.000 thành viên cùng giúp nhau phát triển. 

Từ năm 2021, Lazada cũng đã khởi xướng lễ tôn vinh doanh nhân công nghệ. Đây là những minh chứng cho đóng góp của Lazada trong quá trình chuyển đổi số. 

PV: Trong thời gian qua, Qualcomm đã có những đổi mới sáng tạo nào để đóng góp trực tiếp vào kinh tế số Việt Nam?

Ông Thiều Phương Nam - Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia:

Việt Nam đã trở thành một trung tâm lớn của thế giới trong việc thiết kế và sản xuất các thiết bị công nghệ. Đây là lĩnh vực đóng góp lớn vào sự phát triển của kinh tế số Việt Nam.

Trọng tâm của Qualcomm là thúc đẩy đổi mới sáng tạo công nghệ ở Việt Nam. Để Việt Nam tiến lên mức cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo là rất quan trọng. Hạ tầng kết nối 5G cũng sẽ là nền tảng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. 

Qualcomm cũng đã hỗ trợ Việt Nam bằng việc hưởng ứng chương trình Make in Việt Nam của Chính phủ, giúp đối tác Việt Nam thiết kế và sản xuất các thiết bị Make in Việt Nam.

Ông Thiều Phương Nam - Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia. Ảnh: Trọng Đạt

Mới đây, Qualcomm cũng đã mở rộng trung tâm R&D tại Hà Nội, đưa các công nghệ mới nhất như 5G vào phòng lab để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt muốn sản xuất các sản phẩm, thiết bị Make in Việt Nam có nền tảng phát triển. 

Qualcomm đã giúp Việt Nam xây dựng nguồn lực công nghệ cho tương lai bằng việc đẩy mạnh sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. 

Thông qua các chương trình của mình, Qualcomm đã và đang hỗ trợ năng lực tài chính, kỹ thuật, thiết bị để giúp các công ty tiềm năng xây dựng, phát triển sản phẩm và đưa ra thị trường.

Qualcomm cũng hỗ trợ 4 dự án của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông để đưa các công nghệ IoT, AI, Máy học vào công tác giảng dạy. 

PV: Có nhận định cho rằng kinh tế số là cơ hội cho các nước đi sau thay đổi và vượt lên trước. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này như thế nào, để nhanh chóng định hình “con đường” kinh tế số của mình và tiến liên phía trước?

Bà Annabel Lee - Giám đốc Chính sách Khu vực Châu Á -TBD Amazon web services (AWS):

Chuyển đổi số là xu hướng tốt, là một phần của quá trình sáng tạo và đổi mới công nghệ ở Việt Nam. Với chuyển đổi số, độ mở của nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn, toàn bộ khu vực châu Á sẽ trở thành một liên minh về kinh tế số. Đây là cơ hội lớn để tạo ra nhiều công ăn việc làm và đóng góp ở mức độ khu vực. 

Bà Annabel Lee - Giám đốc Chính sách Khu vực Châu Á -TBD Amazon web service (AWS). Ảnh: Trọng Đạt

Amazon nhận thấy nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang có ý định mở trụ sở tại Việt Nam, nhiều startup có hướng chuyển dịch sang Việt Nam. Việt Nam đang đi đúng hướng, do vậy việc gia tăng mức độ đóng góp của kinh tế số trong GDP là điều hoàn toàn có thể thực hiện. 

Chính phủ Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ chuyển đổi số, đảm bảo niềm tin và an ninh số, khuyến khích đổi mới và cởi mở. Tất cả điều này cần phải thực hiện cùng một lúc. Chính phủ Việt Nam cần đi trước đón đầu về chính sách để phát triển kinh tế số. 

Thị trường – góc nhìn từ doanh nghiệp kinh tế số

PV: Đâu là những ưu tiên mà các doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm khi tham gia thị trường Việt Nam?

Bà Bùi Kim Thuỳ - Đại diện Cấp cao tại Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC):

Tất cả doanh nghiệp Hoa Kỳ đều mong muốn chính sách của Việt Nam có tính liên tục, ổn định và dễ dự đoán. 

Điều này có nghĩa cần tránh sự đứt gãy về mặt chính sách, khi Trung ương ban hành chính sách tốt nhưng địa phương hiểu mỗi nơi mỗi khác, hay sự không đồng nhất khi thực hiện giữa các bộ ban ngành. Đó là điều cản trở không nhỏ đối với quá trình kinh doanh tại Việt Nam với tất cả doanh nghiệp. 

Chính sách quản lý của Việt Nam nên thiên về phục vụ phát triển nhiều hơn là việc kiểm soát.

Bà Bùi Kim Thuỳ - Đại diện Cấp cao tại Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN. Ảnh: Trọng Đạt

PV: Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) đã đạt được những bước tiến ấn tượng trong những năm gần đây, doanh thu TMĐT năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD và ước tính năm 2022 sẽ đạt 16,4 tỷ USD tăng trưởng 20% so với năm trước. 

Đâu là những ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo để TMĐT nâng cao hơn nữa vai trò của mình trong công cuộc phát triển kinh tế số của Việt Nam?

Bà Vũ Thị Minh Tú - Giám đốc đối ngoại, Lazada Việt Nam: 

Thương mại điện tử không còn là khái niệm xa lạ với người dùng nữa. Do vậy, họ sẽ đòi hỏi nhiều hơn, các doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng đó. 

Lazada vẫn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững nhờ công nghệ logistic, đảm bảo sự liền mạch, mang đến những trải nghiệm thú vị. Chúng tôi cũng sẽ đồng hành với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi số và quan tâm hơn nữa đến hoạt động phát triển nguồn nhân lực cho ngành TMĐT Việt Nam. 

Các chuyên gia trong và ngoài nước đã cùng nhau thảo luận về câu chuyện Việt Nam nên làm gì để vừa tự chủ công nghệ, phát triển các nền tảng số. Ảnh: Trọng Đạt

PV: IoT là hạ tầng thiết yếu cho nền kinh tế số, tuy nhiên thế giới đang phải đối mặt với việc thiếu hụt nguồn cung, liệu điều này sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế số Việt Nam như thế nào?

Ông Thiều Phương Nam - Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia:

Có 2 xu hướng công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số, đó là sự xuất hiện của nền tảng 5G và Cloud. Nhu cầu về chip trên thế giới vì vậy đang rất lớn, trong khi đó, nguồn cung hiện nay lại không đủ. 

Đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu học tập và làm việc từ xa nhiều hơn, xu hướng này cũng đẩy mạnh nhu cầu về các thiết bị bán dẫn. 

Việc sản xuất ô tô cũng cần đến các thiết bị bán dẫn. Để sản xuất 1 chiếc ô tô cần tiêu tốn lượng chip bằng 70 chiếc smartphone. 

Với những xu hướng kể trên, tất cả đều góp phần đẩy mạnh nhu cầu của thế giới đối với thiết bị bán dẫn. Việc đảm bảo nguồn cung chip do đó là nhu cầu của rất nhiều quốc gia trên thế giới. 

Đối với Việt Nam, các doanh nghiệp cần lên kế hoạch nhu cầu về chip trước 2 đến 3 năm để có thể chủ động được về nguồn chip, tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hợp tác đi đến thành công

PV: Chính phủ, mà trực tiếp là Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nền tảng số như thế nào?

Ông Hoàng Anh Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TT&TT):

Các doanh nghiệp trong nền kinh tế số thường áp dụng những công nghệ đột phá, do đó một số chính sách truyền thống có thể không phù hợp. 

Chính phủ và Bộ TT&TT nhìn ra điều đó. Bộ sẽ là cơ quan đầu mối để làm việc cùng các bộ ngành khác nhằm tháo gỡ chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số, kinh tế số, miễn là các hoạt động kinh doanh đảm bảo sự an toàn cho người dùng, đảm bảo an ninh quốc gia.

Trong CMCN 4.0, Chính phủ "tương tự" sẽ không quản lý được một nền kinh tế số. Nền kinh tế truyền thống cũng sẽ không thể cung cấp được các dịch vụ cho một xã hội số. 

Nếu các doanh nghiệp không chuyển đổi số, không chuyển sang nền kinh tế số thì khả năng cung cấp dịch vụ, sản phẩm tới khách hàng của họ sẽ gặp khó khăn, do đó, các doanh nghiệp cần chuyển đổi số nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. 

Ông Hoàng Anh Tú chia sẻ về các nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số của Bộ TT&TT. Ảnh: Trọng Đạt

Các cơ quan quản lý nhà nước đang hỗ trợ 2 đối tượng doanh nghiệp. Đó là các doanh nghiệp truyền thống để họ cải thiện sản phẩm, dịch vụ tốt hơn, loại hình này chiếm số đông. Thứ 2 là các công ty cung cấp nền tảng số, đưa ra các mô hình kinh doanh, các nền tảng mới. 

Bộ TT&TT đang giới thiệu các nền tảng số để các doanh nghiệp SME tiếp cận. Khoảng 400.000 doanh nghiệp SME Việt Nam đã được tiếp cận các nền tảng số, trong đó, khoảng 60.000 doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng các nền tảng này trong kinh doanh.

Điều tốt nhất mà Chính phủ có thể làm là tháo gỡ các chính sách không còn phù hợp với nền kinh tế số, tạo ra các khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox). 

Bộ TT&TT sẽ là đầu mối lắng nghe các kiến nghị chính sách từ doanh nghiệp, từ đó đưa ra chính sách tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ. 

Đối với các nền tảng số Việt Nam, Bộ cũng đã đánh giá và công bố các nền tảng số đạt tiêu chí đáp ứng được nhu cầu của người dân. Bộ TT&TT cũng đang đóng vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. 

PV: Các doanh nghiệp Hoa Kỳ khi vào Việt Nam sẽ có sự hỗ trợ và song hành thế nào để giúp các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ Make in Viet Nam?

Bà Bùi Kim Thuỳ - Đại diện Cấp cao tại Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC):

Để có thể nấu được bữa ăn ngon cần các nguyên liệu tốt. Vấn đề về chính sách cũng như vậy. Nếu một chính sách chưa phù hợp, các doanh nghiệp không nên chỉ trách cơ quan quản lý nhà nước mà cần phải xem lại bản thân xem đã đóng góp các thông tin đầu vào đủ tốt để nhà quản lý đưa ra chính sách phù hợp hay chưa.

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam trong rất nhiều các dự án. Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) đã ký một biên bản ghi nhớ về thỏa thuận hợp tác với Bộ TT&TT trong chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Hoa Kỳ.

Đây là nền tảng quan trọng cho các hoạt động hợp tác sau này giữa các tập đoàn Hoa Kỳ với Việt Nam trong lĩnh vực thông tin truyền thông, kinh tế số và công nghệ số. Trong đó có các nhóm hợp tác gồm công nghiệp công nghệ số, chuyển đổi số, hạ tầng số, an toàn an ninh mạng, xúc tiến thương mại và đầu tư, nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. 

Ông Đặng Tùng Sơn chia sẻ quan điểm về tiềm năng trở thành "digital hub" của Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

PV: Việc xây dựng và hình thành các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam có tác động như thế nào tới sự phát triển kinh tế số ở Việt Nam?

Ông Đặng Tùng Sơn - Phó Tổng Giám đốc CMC Telecom:

Trung tâm dữ liệu là một thành phần rất quan trọng của hạ tầng số. Tuy nhiên trung tâm dữ liệu của Việt Nam còn nhỏ, quy mô thấp hơn các nước trong khu vực nhiều lần. 

Việt Nam có cơ hội trở thành một “digital hub” tiếp theo của khu vực sau Singapore và Hồng Kong. Chúng ta có bờ biển dài, chính trị ổn định, có địa thế tốt trong việc kết nối với các quốc gia láng giềng. 

Việc hình thành các trung tâm dữ liệu lớn sẽ cho các doanh nghiệp lớn nước ngoài thấy được sự sẵn sàng chuyển mình về kinh tế số của Việt Nam. Đây sẽ là cú hích cho thị trường, biến Việt Nam trở thành “digital hub” của khu vực.

PV: Hợp tác và hội nhập quốc tế sẽ có tác động như thế nào và mang lại giá trị gì cho nền kinh tế số Việt Nam?

Ông Thiều Phương Nam - Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia:

Việc hợp tác trong quá trình chuyển đổi số là rất quan trọng. Qualcomm thấy nhiều cơ hội hợp tác hơn là các vấn đề khác. Thành công của Qualcomm phụ thuộc vào thành công của các đối tác tại Việt Nam. Do vậy, chúng tôi đã mở bản quyền các bằng sáng chế của mình để các đối tác Việt Nam có thể xây dựng, mang đến các sản phẩm chất lượng toàn cầu. 

Bước tiếp theo mà Việt Nam cần làm là phải trở thành cường quốc về CNTT. Chúng tôi đặc biệt hào hứng và nhìn thấy sự dịch chuyển từ Nhật Bản sang Hàn Quốc và giờ là Việt Nam. Năng lực của các kỹ sư CNTT Việt Nam cũng rất tốt. 

Tọa đàm Why Việt Nam là sự kiện được tổ chức bên lề Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam 2022. Ảnh: Trọng Đạt

Ông Hoàng Anh Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TT&TT):

Các doanh nghiệp cần nhìn đến thị trường toàn cầu ngay từ khi xây dựng mô hình kinh doanh. Chúng ta có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần làm sao để các doanh nghiệp Việt không chỉ đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước mà còn đi ra nước ngoài. 

Về mặt thị trường, Việt Nam đã ký 15 Hiệp định thương mại tự do với các thị trường có tổng dân số khoảng 3 tỷ người. Đây là một thị trường rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thị trường không còn bị giới hạn về mặt vật lý nữa, do đó đây là điều các doanh nghiệp Việt phải nhìn nhận ngay từ đầu. 

Ở chiều ngược lại, với chiến lược kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số của Việt Nam, chúng ta sẽ tạo ra thị trường năng động với quy mô dân số lớn. Vấn đề hợp tác là yếu tố đóng vai trò quan trọng cho thành công trong tương lai. 

Trọng Đạt