Thưa các đồng chí.

Hôm nay chúng ta thực hiện sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 17 của Chính phủ về Chính phủ điện tử (CPĐT) của nước ta. Đề nghị cơ quan thường trực sẽ ra thông báo kết luận đầy đủ hơn.

3 năm qua, nhất là năm 2020, khi dịch bệnh ở nước ta rất nặng nề, Ủy ban CPĐT quốc gia đã triển khai Nghị quyết số 17 tích cực trách nhiệm, trách nhiệm, đạt nhiều kết quả rõ nét, kể cả phần quản lý nhà nước, chỉ đạo của Nhà nước, của Chính phủ, các địa phương, đặc biệt là giới doanh nghiệp, giới CNTT. Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm thì mới thành công.

Một số việc cụ thể như sau: Công tác chỉ đạo điều hành được thực hiện đồng bộ, sâu sát từ Trung ương đến địa phương. Chưa bao giờ chúng ta chỉ đạo quyết liệt như vậy. Đôn đốc chỉ đạo của Ban chỉ đạo trong việc thực hiện chính quyền điện tử, CPĐT rất quyết liệt.

Hiện nay, Ủy ban Quốc gia về CPĐT được mở rộng chức năng, nhiệm vụ để chỉ đạo thêm nội dung về chuyển đổi số, kinh tế số, đô thị thông minh. Chiến lược quốc gia số của Việt Nam, đặc biệt chúng ta đã đưa vào Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về vấn đề này. Đại hội XII đã cố gắng đưa vào một số vấn đề về số nhưng chưa được. Lần này, Đảng và Nhà nước đều đồng thuận đưa nội dung này vào đường lối phát triển kinh tế - xã hội nước ta.

Không chỉ Bộ mà các Sở TT&TT, các cơ quan chuyên trách CNTT các bộ, ngành được kiện toàn, triển khai tốt CPĐT. Khối Nhà nước triển khai tích cực hơn, có kết quả tốt. Sắp tới tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh hơn ở khối Đảng. Ủy ban cũng nên bổ sung thêm đồng chí ở khối Đảng.

Điều hành thông qua nhiều hệ thống quan trọng, hệ thống CPĐT được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành kịp thời, trong đó có Nghị quyết số 17.

Kết quả thứ hai, các doanh nghiệp và các cơ quan rất mong muốn, đó là môi trường pháp lý cho CPĐT cơ bản hình thành tương đối đầy đủ, trong đó có nhiều nghị định rất quan trọng. Tôi tính ra là 7 nghị định và nhiều văn bản pháp luật khác của cấp bộ, địa phương. Đây là điều kiện quan trọng để phát triển CPĐT. Vấn đề kỹ thuật, công nghệ rất quan trọng nhưng chính vấn đề thể chế mới quyết định vấn đề phát triển CPĐT ở Việt Nam.

Thứ ba, các nền tảng CPĐT được tập trung phát triển, trong đó, Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên quy mô toàn quốc đã được phát triển và hình thành theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, bao gồm Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia và các Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã kết nối với trên 200 hệ thống thông tin của 90 cơ quan, đơn vị để kết nối chia sẻ dữ liệu quy mô quốc gia.

Tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh để kết nối chia sẻ dữ liệu trong mỗi bộ/tỉnh và là đầu mối kết nối ra bên ngoài. Kết nối, chia sẻ dữ liệu hiệu quả sẽ là tiền đề phát triển Chính phủ số. Các doanh nghiệp công nghệ, tập đoàn lớn đã hỗ trợ các bộ, địa phương trong công tác điều hành.

Kết quả đầu tiên cho thấy là CPĐT đã giúp chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành công ở Việt Nam. Nếu không có CPĐT thì khó có thể chỉ đạo chính xác.

Một số cơ sở dữ liệu (CSDL) quy mô quốc gia đã được xây dựng và phát huy hiệu quả như các cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, y tế, giáo dục, hộ tịch. Đặc biệt, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong nhiều năm không làm được thì đã được khai trương, nếu được ứng dụng hiệu quả thì sẽ giúp đáng kể trong việc giảm giấy tờ, việc quản lý các vấn đề xã hội sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Tôi đánh giá cao Bộ Công an đã có nhiều cố gắng. CSDL quốc gia do Bộ Công an quản lý trực tiếp nhưng tất cả các dữ liệu quốc gia có được ở các cơ quan nhà nước từ các tỉnh đến các bộ, ngành ở Trung ương thì ngân sách đầu tư hết. Cho nên CSDL quốc gia phải được sử dụng hiệu quả, chứ không phải mỗi bộ, mỗi cơ quan có CSDL quốc gia cứ ôm, không chia sẻ.

Tôi đề nghị Bộ Tài chính đề xuất khung phí phù hợp, thuận lợi.

Thứ ba là chúng ta đã quán triệt hệ thống CPĐT đảm bảo an toàn thông tin. Chúng ta đã chú ý hơn, cải thiện hơn, có tiến bộ hơn. Đến nay, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã có Trung tâm điều hành và giám sát an toàn an ninh và kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia để tạo thành hệ thống giám sát toàn diện an toàn không gian mạng quốc gia, tạo thành hệ thống giám sát an toàn không gian mạng quốc gia tốt hơn. An toàn an ninh mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian số là nhiệm vụ tiên quyết, luôn là nhiệm vụ song hành với các nhiệm vụ chuyển đổi số. Bộ Quốc phòng, Công an, TT&TT tiếp tục siết chặt lĩnh vực này.

Một thành công được tổng kết là các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao được phát triển để phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là Cổng dịch vụ công quốc gia do Văn phòng Chính phủ đề xuất điều hành, phát triển. Hiện tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 31%, một số bộ, ngành, địa phương cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 như Bộ TT&TT, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, tỉnh Bến Tre…

Cổng Dịch vụ công quốc gia ngày càng tích hợp nhiều dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện cho người dân truy cập. Hiện có 2.800 dịch vụ được tích hợp, không phân biệt địa giới hành chính. Đây là một thành công. Người dân, doanh nghiệp rất vui mừng, giảm bớt chi phí, tiêu cực, nhũng nhiễu.

Trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước đã trở thành nền nếp giúp tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí hành chính (trên 90% văn bản điện tử được trao đổi giữa các cơ quan nhà nước; trên 4,4 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia).

Thứ sáu là, công cuộc chuyển đổi số quốc gia, chúng ta đã khởi động. Bộ TT&TT đã trình Chính phủ lấy ý kiến chiến lược chuyển đổi số. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã khởi động chiến lược này. Đến nay, trên 50% số bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và bắt đầu triển khai các kế hoạch, đề án chuyển đổi số. Đây là giải pháp quan trọng để Việt Nam tăng trưởng, phát triển.

Đặc biệt, chúng tôi đánh giá cao các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam đã dần làm chủ các công nghệ cốt lõi, phát triển các nền tảng công nghệ về chuyển đổi số. Bộ TT&TT thường xuyên tổ chức ra mắt nền tảng Make in Vietnam để tôn vinh, quảng bá. Hiện đã có gần 40 nền tảng đã ra mắt.

Việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp đã được khởi động và bước đầu triển khai hiệu quả. Bộ TT&TT đã ra mắt Cổng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Chỉ sau 1 tháng khởi động đã thu hút được 400 người dùng doanh nghiệp, hỗ trợ gần 200 doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số để chuyển đổi số. Chúng ta hiện có hàng trăm nghìn doanh nghiệp. Bộ TT&TT cần tiếp tục thông tin tới mọi loại hình doanh nghiệp để ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số thuận lợi hơn.

Tôi đánh giá cao việc hợp tác quốc tế đã được đẩy mạnh với các doanh nghiệp công nghệ. Chúng ta vui mừng trước sự hợp tác giữa CMC và Samsung, một tập đoàn tầm cỡ quốc tế chọn Việt Nam để hợp tác, chia sẻ và phát triển, đó là một thành công của Việt Nam. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp. Cần tiếp tục tiếp thu công nghệ, nhiều tập đoàn lớn thế giới vào Việt Nam.

Dịch bệnh Covid-19 vừa rồi cũng là cú hích cho chuyển đổi số.

Từ những kết quả như vậy, xếp hạng CPĐT của Việt Nam năm 2020 đạt 86, tăng 3 bậc so với năm 2018 (xếp thứ 89). Kết quả trong thời gian ngắn, trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai lớn như vậy rất đáng trân trọng.

Có thể nói, với việc ban hành Nghị quyết số 17, lần đầu tiên chúng ta có kế hoạch tổng thể về triển khai CPĐT. Nghị quyết 17 đã chú trọng vào việc xây dựng thể chế và yêu cầu nền tảng dùng chung. Đây là hai vấn đề quan trọng mà chúng ta chưa làm được trong nhiều năm, 20 năm qua.

CPĐT phải có tầm nhìn, mục tiêu, kế hoạch đến từng bộ, ngành, địa phương. CPĐT đã có nhiều hoạt động ích lợi cho xã hội như chuyển đổi số, kinh tế số, đô thị thông minh. Chúng ta vui mừng là các địa phương cũng thành lập Ban chỉ đạo. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành triển khai, góp phần xây dựng CPĐT quốc gia.

Trong thành viên Ủy ban Quốc gia về CPĐT có nhiều đồng chí tích cực triển khai, mang lại kết quả tích cực cho bộ, ngành, địa phương, trong đó có nhiều lãnh đạo cấp Bộ, Chính phủ.

Qua đó có thể khẳng định, cùng với những thành tựu quan trọng, toàn diện về kinh tế-xã hội, những nỗ lực mạnh mẽ trong chỉ đạo thực hiện và những kết quả quan trọng đạt được trong xây dựng và phát triển CPĐT là một điểm sáng nổi bật trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua, nhất là năm 2020.

Hôm nay chúng ta sơ kết 3 năm. Thay mặt Chính phủ, tôi ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực của các thành viên Ủy ban Quốc gia, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp công nghệ đã tâm huyết, tích cực, chung sức, đồng lòng, đóng góp cho thành công xây dựng CPĐT.

Tôi biểu dương Bộ TT&TT hoàn thành tốt vai trò đầu mối, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối công tác xây dựng CPĐT, chuyển đổi số có những kết quả tốt; đã tập trung được nhiều cán bộ giỏi, thường xuyên lắng nghe chuyên gia công nghệ đóng góp ý kiến.

Tôi biểu dương Văn phòng Chính phủ đã có nhiều sáng tạo, quyết liệt trong công tác tham mưu, xây dựng CPĐT phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Tôi ghi nhận biểu dương đóng góp tích cực, hiệu quả, sự chung sức đồng lòng của các doanh nghiệp CNTT như Viettel, FPT, CMC, Vietnam Post…, đã có nhiều đóng góp cho CPĐT, cả về số lượng và chất lượng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cùng nhà nước sẽ chuyển đổi số thật tốt. Chính doanh nghiệp cũng đóng góp cho sự phát triển.

Nhân dịp chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2021, tôi đề nghị Bộ TT&TT, Thường trực Ủy ban Quốc gia về CPĐT xem xét đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai CPĐT thời gian qua.

Các đồng chí đã nói về những tồn tại. Tôi cũng thẳng thắn nêu 1 số tồn tại lớn, chưa khắc phục được.

Đó là môi trường pháp lý cho Chính phủ điện tử chưa hoàn thiện, một số Nghị định quan trọng vẫn chưa được ban hành, đặc biệt là về bảo vệ dữ liệu cá nhân; định danh, xác thực điện tử…

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn thấp. Nhiều tỉnh, bộ, ngành chưa kết nối tốt.

Cơ sở dữ liệu chậm được triển khai, kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu chưa hiệu quả.

An ninh an toàn mạng đã được tăng cường nhưng vẫn cần được đầu tư quan tâm đúng hơn.

Chúng ta đã có nhiều cố gắng trong xây dựng CPĐT, nhưng trong khi các nước quyết liệt hơn chúng ta thì phải cố gắng, quyết liệt hơn, đồng bộ hơn.

Chính vì thế, chúng tôi đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thể chế, chiến lược CPĐT trong thời gian tới. Giao các bộ, ngành đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, triển khai hệ thống CPĐT cấp bộ, tỉnh thuận lợi nhất.

Tiếp tục triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, trong đó triển khai hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có 15 – 17 trường dữ liệu nhưng hiện còn vấn đề định danh cá nhân. Làm sao giảm tối đa giấy tờ thủ tục hành chính. Triển khai diện rộng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, đặc biệt cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hiện còn ít người biết.

Yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, đến tháng 7/2021 hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai theo quy định.

Về các nền tảng Chính phủ điện tử, các bộ, ngành, địa phương sử dụng, khai thác hiệu quả các dịch vụ cung cấp trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Các bộ, ngành chủ động chia sẻ cung cấp dữ liệu của mình cho các cơ quan Nhà nước khác… Chia sẻ rất quan trọng. Cần có cơ chế, quy định pháp luật, pháp lý về vấn đề này.

Tại Hội nghị này, chúng ta nhấn mạnh một lần nữa rằng, 100% cơ quan, tổ chức nhà nước, thậm chí các doanh nghiệp lớn, hoàn thành xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và đề xuất phương án bảo đảm an toàn thông tin. Không thể xây dựng CPĐT mà coi nhẹ an toàn thông tin.

Về triển khai chuyển đổi số, phải có chiến lược về vấn đề này. Tôi yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng, triển khai ngay các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số cho giai đoạn mới; quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Trong bối cảnh còn dịch bệnh Covid-19, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, trường học tiếp tục phát triển, duy trì các hoạt động trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Bộ TT&TT tăng cường quản lý phát triển kinh tế số, xã hội số, kể cả thể chế và hạ tầng.

Thưa các đồng chí!

Phiên họp Ủy ban Quốc gia về CPĐT hôm nay là phiên cuối cùng trong nhiệm kỳ Chính phủ này.

Nhân dịp này, tôi thay mặt các đồng chí Thường trực Chính phủ, Thường trực Ủy ban, trân trọng cảm ơn và đánh giá cao lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các đồng chí thành viên của Ủy ban, đặc biệt là thành viên Tổ công tác giúp việc của Ủy ban, các chuyên gia, doanh nghiệp, đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tâm huyết trong hoạt động xây dựng, triển khai CPĐT, chuyển đổi số trong nhiệm kỳ qua, có những kết quả quan trọng, đặc biệt là trong năm 2020.

Tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục nỗ lực, đóng góp để đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Làm được việc này sẽ góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước và từng ngành, lĩnh vực trong giai đoạn mới.

Chúc các đồng chí sức khỏe, tiếp tục thành công trong giai đoạn tới. Thứ hạng CPĐT của Việt Nam sẽ tốt hơn, tính cạnh tranh trong khối ASEAN rõ nét hơn.