Từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã thực hiện chiến lược công nghiệp nhằm hồi sinh ngành sản xuất trong nước, tạo ra công ăn việc làm thu nhập tốt cho người Mỹ, củng cố chuỗi cung ứng Mỹ và thúc đẩy các ngành công nghiệp tương lai như xe điện. Chiến lược ấy, theo ông Biden, đang được đền đáp theo thời gian. 

Chẳng hạn, chính quyền ông Biden đưa ra nhiều quyết định để đẩy mạnh thị trường xe điện (EV) trong nước. Ông Biden ký sắc lệnh hành pháp đặt ra mục tiêu tham vọng, bao gồm một nửa xe bán ra năm 2030 không phát thải, dù đó là xe điện, xe xăng kết hợp điện hay xe pin nhiên liệu.

{keywords}
 

Sản xuất xe điện chỉ là một trong số các bước nhằm điện khí hóa mạng lưới giao thông. Để xe điện có thể hoạt động, cần có các trạm sạc trên toàn quốc, đòi hỏi triển khai số vốn khổng lồ. Chính phủ Mỹ đã để ra gần 5 tỷ USD để xây dựng nửa triệu trạm sạc. Chương trình liên bang hoạt động như chất xúc tác để đẩy mạnh đầu tư tư nhân trong lĩnh vực EV.

Các nhà sản xuất xe hơi của Mỹ như Ford, GM và Stellantis đều bày tỏ sự ủng hộ với chính sách của Tổng thống Mỹ. Không lâu sau, Ford thông báo hợp tác với công ty Hàn Quốc SK Innovation để đầu tư 11,4 tỷ USD vào hai nhà máy pin xe điện mới ở Kentucky và Tennessee, tạo ra 11.000 việc làm. Vài tháng sau, GM nối gót khi tuyên bố đầu tư hơn 7 tỷ USD vào bốn nhà máy Michigan, tạo ra 4.000 việc làm bên cạnh 1.000 nhân sự có sẵn. 

Ngày 30/3, Tổng thống Mỹ đăng tweet chia sẻ thông tin VinFast sẽ xây nhà máy sản xuất xe điện và pin tại Bắc Carolina trị giá 4 tỷ USD với 7.000 việc làm. Ông không quên nhấn mạnh, “đây là ví dụ mới nhất cho thấy chiến lược kinh tế của tôi đã phát huy tác dụng”. 

Trước đó, trong Thông điệp liên bang đầu tiên của mình vào ngày 1/3, ông Biden cũng nhắc tới các khoản đầu tư của Ford và GM như bằng chứng về sự hồi sinh của sản xuất nội địa. “Chỉ cần nhìn quanh và các bạn sẽ chứng kiến một câu chuyện tuyệt vời… Các công ty lựa chọn xây nhà máy mới tại đây, khi mà chỉ vài năm trước, họ còn xây ở nước ngoài”.

Không chỉ các nhà sản xuất ô tô, các doanh nghiệp khác cũng cam kết đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất trong nước. Chẳng hạn, đầu năm nay, hãng chip Intel chia sẻ kế hoạch chi tối đa 100 tỷ USD cho khu phức hợp sản xuất chip lớn nhất thế giới tại Ohio. Đây là một phần trong kế hoạch của tân CEO Pat Gelsinger nhằm khôi phục vị thế thống trị của Intel trên thị trường chip và giúp Mỹ giảm lệ thuộc vào các cơ sở sản xuất châu Á. Một khoản đầu tư ban đầu trị giá 20 tỷ USD tại New Albany, Ohio sẽ tạo ra 3.000 việc làm.

Cuối năm 2021, Samsung tuyên bố xây nhà máy 17 tỷ USD tại Texas trong 3 năm tiếp theo để tăng cường năng lực sản xuất và xoa dịu tình trạng thiếu hụt chip thế giới. Nhà máy sẽ chịu trách nhiệm sản xuất các chip logic hiện đại, dùng trong smartphone và máy tính. TSMC, nhà thầu sản xuất bán dẫn lớn nhất toàn cầu, đã khởi công nhà máy chip máy tính tại Arizona.

Để tăng cường hoạt động sản xuất bán dẫn tại Mỹ, chính quyền Mỹ thúc giục Quốc hội thông qua gói trợ cấp 52 tỷ USD. Ngày 4/2, Hạ viện Mỹ bỏ phiếu phê duyệt dự luật gần 3.000 trang để thúc đẩy sản xuất bán dẫn tại Mỹ. Các hạng mục có giá trị lớn bao gồm  52 tỷ USD trợ cấp cho ngành bán dẫn và 45 tỷ USD củng cố chuỗi cung ứng cho các sản phẩm công nghệ cao. 

Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, nhu cầu bức thiết nhất của dự luật là gói 52 tỷ USD do cuộc khủng hoảng chip toàn cầu đang gây tác động xấu đến nền kinh tế, trong đó có mảng ô tô, và nguy cơ an ninh quốc gia khi quá nhiều bán dẫn sản xuất ở nước ngoài. “Chúng ta không thể chờ đợi thêm nữa. Chúng ta đang bị tụt hậu quá xa”, bà phát biểu với phóng viên.

Dịch Covid-19 đã “vạch trần” các lỗ hổng trong hoạt động sản xuất nội địa của Mỹ. Sự lệ thuộc vào chuỗi cung ứng phân mảnh trên toàn cầu đã dẫn tới thiếu hụt mọi thứ, từ thiết bị bảo hộ cá nhân cho đến bán dẫn, container chở hàng. Tất cả những yếu kém này là nguyên nhân chính khiến giá tăng cao. Theo ông Brian Deese, cố vấn Tổng thống Mỹ về chính sách kinh tế trong nước và quốc tế, trên thực tế, giá cả tăng cao trong năm 2021 có phần liên quan đến giá phương tiện khi khủng hoảng chip khiến các hãng xe không thể đáp ứng nhu cầu.

Những chiến lược đầu tư tỷ đô từ các hãng xe hơi hay các nhà sản xuất chip là tín hiệu tốt không chỉ đối với việc làm hay nguồn cung. Chúng đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đổi mới kinh tế và công nghiệp của nước Mỹ. Ông Biden và chính quyền của mình đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong việc phục hồi sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp Mỹ tạo ra 349.000 việc làm sản xuất mới trong năm 2021, mức cao nhất trong gần 30 năm. Họ cũng cam kết đầu tư gần 80 tỷ USD cho bán dẫn, cùng với hàng trăm tỷ USD đầu tư mới trong các lĩnh vực như nhà máy tấm năng lượng mặt trời, nhà máy pin. Như vậy, Mỹ đang ở vị trí thuận lợi để duy trì tăng trưởng bền vững trong sản xuất những năm tiếp theo.

Du Lam 

Chính phủ Anh can thiệp thương vụ mua nhà máy chip của công ty Trung Quốc

Chính phủ Anh can thiệp thương vụ mua nhà máy chip của công ty Trung Quốc

Bộ trưởng Kinh doanh Anh Kwasi Kwarteng ra lệnh đánh giá chi tiết về an ninh đối với vụ thâu tóm nhà máy sản xuất vi chip lớn nhất Anh của doanh nghiệp Trung Quốc.