UBND TP.HCM hôm 20/3 tổ chức Hội thảo khoa học Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP.HCM giai đoạn 2019-2025. Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Thoại Nam (Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM) cho rằng thành phố đang thiếu một tổ chức liên tục cập nhật và đề xuất những công nghệ mới cho thành phố.

PGS.TS Thoại Nam phát biểu tại hội thảo - Ảnh: H.Đ

“Ví dụ như về AI. Bây giờ 2019 rồi. Đúng ra là 2011, 2012 chúng ta phải nói câu chuyện này rồi, không phải đợi đến 2019. Công nghệ sắp tới thay đổi liên tục và đóng vai trò rất lớn. Rõ ràng thành phố cần một tổ chức như vậy”, ông Thoại Nam nói.

Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP - cho rằng nhìn tổng thể, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất và đời sống của thành phố còn khá chậm, thành phố đang ở vị trí phía sau về nghiên cứu, đào tạo so với các đô thị trên thế giới.

Ông Phong cho rằng thành phố thiếu chuyên gia, nhà khoa học, cho đến nhà hoạch định chính sách về trí tuệ nhân tạo; môi trường kinh doanh chưa thực sự tốt; sự tiếp cận nguồn lực và cơ hội của người dân chưa thực sự bình đẳng.

“Đặc biệt, sự gắn kết, tương tác tứ giác của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: nhà nước nhà doanh nghiệp nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính còn lỏng lẻo, là một trong những điểm nghẽn kìm hãm việc nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố”, Chủ tịch UBND TP phát biểu.

Ông Thoại Nam đề xuất TP.HCM nên xây dựng một trung tâm, kết hợp AI với các công nghệ khác như IoT, 5G để tạo thành một hệ sinh thái. Song song đó, cần có một hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung để bất kỳ ai có ý tưởng đều có hạ tầng sẵn có để phát triển ứng dụng.

“Việc xây dựng cơ sở dữ liệu phải do thành phố làm chứ hiếm có doanh nghiệp tự bỏ tiền làm. Dữ liệu này nên liên kết nhiều lĩnh vực lại với nhau để tạo giá trị”, ông Nam nói.

Cũng đề xuất thành phố xây dựng kho dữ liệu dùng chung, GS. TSKH Hồ Tú Bảo (Viện nghiên cứu cao cấp về Toán), cho rằng kho dữ liệu chính quyền xây dựng để chia sẻ cho người dân như vậy rất cấp bách hiện nay.

Để tạo cơ sở dữ liệu lớn và nhiều lĩnh vực, ông Bảo đề xuất nhiều đơn vị phải kết nối với nhau. Một đơn vị nếu dùng tiền nhà nước để tạo ra các dữ liệu thì buộc phải kết nối dữ liệu đó vào hệ thống để dùng chung dựa trên các nguyên tắc xây dựng trước. Với vấn đề cấp bách như vậy, nếu nhà nước chưa có quy định thì địa phương phải có quy định riêng, ông Bảo đề nghị.

“Ngoài ra cần xem trọng và thu hút nguồn nhân lực giỏi. Không chỉ riêng Việt Nam mới chú trọng AI mà tất cả các nước khác cũng như vậy. Do đó cần phải chú trọng nhân tài vì nếu một nước nào làm chủ công nghệ thì các nước khác đi sau sẽ phải mua thôi”, GS. Hồ Tú Bảo nhận định.

Quang cảnh Hội thảo khoa học Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP.HCM giai đoạn 2019-2025 - Ảnh: H.Đ

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Kiên (Công ty Công nghệ thông tin VNPT - VNPT-IT) cho biết đã xây dựng cơ sở dữ liệu ở mảng viễn thông, đủ để nhiều doanh nghiệp dùng dữ liệu nhằm phát triển sản phẩm.

Bên cạnh đó, VNPT-IT cũng đã tung ra các sản phẩm dựa trên AI, dữ liệu lớn, học sâu. Chẳng hạn, công ty đang vận hành thử nghiệm tại Đà Nẵng ứng dụng phát hiện hướng dẫn viên du lịch giả mạo. Dựa trên hàng chục ngàn hình ảnh miêu tả một hướng dẫn viên thật, cộng với kho dữ liệu hướng dẫn viên có đăng ký, hệ thống có thể phát hiện ra các hướng dẫn viên giả mạo.  

Hệ thống như vậy có thể được xây dựng để áp dụng trong nhà máy hay trường học, ví dụ để phân loại các học sinh hay phát biểu hoặc học sinh hay nói chuyện trong lớp, ông Kiên nói.