Thuộc khuôn khổ dự án “Sáng kiến Thành phố Thông minh và Thân thiện với Trẻ em” (2017-2021), UNICEF phối hợp với SIHUB (trực thuộc Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM), Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh và Arkki đã triển khai chương trình giáo dục khuyến khích trẻ em tham gia xây dựng dự án thành phố thông minh.

Kết quả đã có 21 mô hình và ý tưởng từ các nỗ lực của các em được triển lãm tại Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP. Hồ Chí Minh để công chúng và các chuyên gia tham quan, góp ý.

Thành phố thông minh là một trong những mục tiêu hướng tới của chính phủ Việt Nam, trong đó thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện hiệu quả hoạt động chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đánh giá tình hình triển khai Chính phủ điện tử (CPĐT) năm 2018, Văn phòng Chính phủ (VPCP) cho biết, việc xây dựng, phát triển CPĐT trong năm qua đã đạt được một số kết quả tích cực, đặc biệt trong chỉ đạo điều hành, tạo lập cơ sở pháp lý cho triển khai CPĐT hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

“Với chương trình “Trẻ em sáng tạo: thành phố thông minh và thân thiện và trẻ em”, UNICEF tự hào minh chứng cho mọi người thấy rõ khả năng sáng tạo và tầm quan trọng của trẻ em trong việc đóng góp ý kiến, nói lên suy nghĩ của các em với người lớn về thành phố thông minh và thân thiện với trẻ em nên ra sao. Khi nhìn thấy các mô hình do các em làm, tôi chắc chắn các bạn sẽ đồng ý với tôi rằng thiết kế 3D sáng tạo của các em thực sự thông minh, độc đáo, gắn bó mật thiết với môi trường, thân thiện và vui vẻ cho cả trẻ em và người lớn”, bà Marianne Oehlers, Trưởng văn phòng Hợp tác Chương trình UNICEF Việt Nam nói.

Một mô hình 3D về đô thị thông minh

Được điều phối bởi Arkki – Trường giáo dục Kỹ năng và Tư duy sáng tạo cho Trẻ em, 11 khóa học trong mùa hè đã mở ra cơ hội cho trẻ em và thiếu niên tiếp cận STEAM – giáo dục đa bộ môn và thực hành kỹ năng thế kỷ 21. Trong các dự án theo nhóm, trẻ em đã sáng tạo mô hình kiến trúc 3D truyền thống, cũng như được sử dụng máy tính với phần mềm Sketch-Up và Hololens như những kiến trúc sư và nhà quy hoạch chuyên nghiệp.

“Chúng tôi thấy các trẻ em Việt Nam đã rất quan tâm và thấy ra nhiều vấn đề của TP.HCM. Các em nói không dễ giải quyết các vấn đề này trong 1 tuần hay trong 1 năm. Tuy nhiên, các em cũng đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp thú vị, ví dụ như: các em nói có thể bắt đầu thay đổi vấn đề kẹt xe; có thể thay đổi tình trạng giao thông bằng cách chuyển sang dùng xe đạp điện để giảm tiếng ồn, giảm ô nhiễm hoặc thành phố nên có những trạm cho thuê xe đạp trong thành phố…”, bà Pihla Meskanen, Sáng lập và Giám đốc của trường Arkki International chia sẻ.

“Sở Quy Hoạch Kiến Trúc TP. HCM nhận thấy đây là chương trình giáo dục về nhận thức không gian, gắn với việc thể hiện ý tưởng về quy hoạch đô thị và xây dựng thành phố, tiện ích đô thị như công viên, cây xanh, trường học, đi lại an toàn cho trẻ em, người già… Đây là dịp trẻ em được trải nghiệm về ý thức trách nhiệm và quyền được tham gia suy nghĩ, đề xuất ý tưởng và thực hiện mong muốn của mình thông qua các bản vẽ và mô hình. Đây cũng là một mô hình giáo dục hiện đại, sáng tạo, phù hợp bối cảnh TP. HCM; mô hình này đáng được khích lệ và tạo điều kiện nhân rộng ở Việt Nam”, bà Nguyễn Hồng Vân, Chánh văn phòng Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM cho biết.

Dự án “Thành phố Thông minh và Thân thiện với Trẻ em” khuyến khích trẻ em tham gia đóng góp ý kiến cho thành phố thông minh trong tương lai, nơi mọi cư dân, trẻ em, những người trẻ là lực lượng năng động và cầu thị có thể góp phần biến thành phố các em sống trở nên thân thiện với tất cả mọi người. Vì vậy, dự án cũng cho thấy tiềm năng thúc đẩy các ý tưởng về lối sống xanh, sạch và thông minh lấy con người làm trung tâm, đóng góp vào thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.