Nhu cầu đặt đồ ăn tăng sau dịch

Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me cho thấy nhu cầu đặt đồ ăn, thức uống của người dùng tăng lên giai đoạn dịch bệnh. Khảo sát vào tháng 4 cho thấy 75% người được hỏi có đặt đồ ăn về nhà, trong số này có đến 24% là người dùng mới, cho thấy nhu cầu tăng lên rõ rệt giai đoạn cách ly xã hội.

61% người được hỏi cho biết đặt đồ ăn thức uống do tiết kiệm thời gian di chuyển, và để an toàn trong giai đoạn dịch bệnh.

Khảo sát thực hiện trên 840 người ở Hà Nội và TP.HCM, qua tất cả hình thức đặt món: ứng dụng đặt đồ ăn, ứng dụng của riêng nhà hàng, gọi điện thoại, đặt qua mạng xã hội.

Trong tất cả hình thức nói trên, đặt đồ ăn qua ứng dụng phổ biến nhất. Có hơn 90% người sử dụng ứng dụng gọi thức ăn, vượt xa các hình thức khác như gọi điện trực tiếp đến nhà hàng hay đặt qua mạng xã hội. 

Dù vậy, có một khác biệt khá lớn giữa người Hà Nội và TP.HCM khi có đến gần nửa người dân thủ đô có dùng mạng xã hội và gọi điện để đặt đồ ăn, trong khi tỷ lệ này ở người dân TP.HCM chưa tới 10%.

Khi chọn đặt đồ ăn qua ứng dụng, người dùng đánh giá cao tính tiện lợi nhưng ngại về chi phí vận chuyển và chất lượng đồ ăn. Ngược lại, dù có ít người dùng nhưng ứng dụng do các nhà hàng tự phát triển được đánh giá cao hơn các hình thức khác ở chất lượng đồ ăn và tốc độ giao hàng.

Trong các ứng dụng được đặt nhiều, GrabFood dẫn đầu với 79% người dùng. Theo sau đó là Now và Go-Food lần lượt 56% và 41%.

Đặt trà sữa nhiều hơn đặt cơm

Một khảo sát của Grab vào tháng 4 cho thấy món trà sữa được đặt nhiều nhất giai đoạn đó, xếp sau đó là cơm. Trước dịch, thứ tự này đảo ngược.

Nền tảng này nhận định học sinh và dân văn phòng ở nhà thời điểm này khiến nhu cầu đặt trà sữa tăng lên.

Các món xếp sau là bún, mì, thức ăn nhanh, trà, cà phê… vốn là những món ăn quen thuộc, phổ biến với mọi người, không thay đổi thứ tự.

Dữ liệu cũng cho thấy trong dịch, người dùng Việt có vẻ thích ăn ngọt hơn hẳn trước đó. Số lượng đơn hàng các món tráng miệng tăng đến 52% so với thời điểm trước khi có dịch, mức tăng cao nhất trong số các nước Đông Nam Á.

Giá trị trung bình của một đơn hàng cũng tăng 26% so với trước khi có dịch, có thể vì lý do các thành viên trong gia đình đều ở nhà và ăn uống cùng nhau. Trong đó mức tăng nhiều nhất thuộc về bữa tối. 

Tại thời điểm chưa có dịch, vị trí bữa ăn có giá trị đơn hàng trung bình cao nhất trên ứng dụng này thuộc về bữa xế.