Tien ma hoa gay nghien anh 1

Theo các chuyên gia tâm lý, việc giao dịch tiền mã hóa có thể thay đổi mọi mặt trong đời sống của những người tham gia, thậm chí là khiến họ trở thành con nghiện.

Họ đắm chìm vào thế giới tiền số, vui buồn cùng những con số bấp bênh trên các sàn giao dịch. Chia sẻ với Washington Post, các chuyên gia cho rằng chính tính bất ổn định của tiền mã hóa đã khiến các nhà đầu tư dễ rơi vào tình cảnh nợ nần, phá hủy các mối quan hệ cá nhân, hay thậm chí là có ý định tự sát.

Như rơi vào địa ngục

Drew Vosk, sống ở Bắc Virginia, Mỹ, cho biết ông đã mắc chứng nghiện chơi tiền số từ lâu. Bắt đầu bằng giai đoạn đầu tư vào đồng Ethereum vào năm 2017, ông dần yêu thích loại hình tài sản này và đổ hết tiền trong thẻ ngân hàng để mua các thiết bị cần thiết.

“Tôi dành toàn bộ số tiền mà mình đang có để mua các đồng tiền và máy đào coin. Và thế là tôi đã nghiện tiền số”, ông tâm sự.

Cả cơ thể tôi như bị hút vào và nó gào lên "Đổ tiền vào, đầu tư vào ngay đi"- Joanna Garzilli, người thừa nhận mình mắc chứng "nghiện" giao dịch tiền mã hóa.

Có nhiều thời điểm, chỉ cần đầu tư 1.000 USD, Drew Vosk đã có thể nhận lại 100.000 USD. Trước mắt ông lúc ấy chỉ có lợi nhuận. Nhưng một khi những con số này đổi chiều, ông càng mất nhiều tiền hơn.

“Ngủ dậy, tôi cảm thấy như trầm cảm. Tôi không thể tin số tiền của mình cứ thế không cánh mà bay”, người đàn ông nhớ lại.

Drew Vosk cũng không phải là người duy nhất mắc chứng nghiện tiền số này. Joanna Garzilli và bạn bè xung quanh bà bắt đầu quan tâm đến tiền mã hóa từ năm 2017. Lúc bấy giờ, loại hình tài sản này đã tạo nên một cơn sốt và giúp bà thu về 85.000 USD chỉ bằng cách đầu tư vào đồng GRT.

Nhưng không lâu sau đó, việc đầu tư mạo hiểm khiến khối tài sản này trở nên bấp bênh. Garzilli đã mạnh tay chi 90% số tiền tiết kiệm của mình vào tiền mã hóa nhưng mỗi ngày lỗ tới hàng chục nghìn USD. Do mạo hiểm đầu tư vào các đồng memecoin, người phụ nữ phải liên tục kiểm tra các sàn giao dịch bất kể ngày đêm.

Tien ma hoa gay nghien anh 2

Tính bất ổn định khiến người chơi sẵn sàng đổ hết tiền vào thị trường tiền mã hóa. Ảnh: iStock.

“Thị trường tiền mã hóa giờ đây chẳng khác gì địa ngục. Nó đã khơi dậy mặt tối sâu thẳm bên trong con người tôi”, Garzilli bộc bạch.

Ở tuổi 49, mỗi ngày sống cùng với chứng nghiện tiền mã hóa là một ngày Garzilli phải đấu tranh. Chỉ cần một cơ hội đầu tư lướt qua trước mắt, bà ngay lập tức muốn đầu tư và đổ tiền vào nó, nhưng đồng thời cũng sợ phải nhận về khoản lỗ khổng lồ. “Cả cơ thể tôi như bị hút vào và nó gào lên ‘Đổ tiền vào, đầu tư vào ngay đi’”, Garzilli bộc bạch.

Để kiểm soát cơn nghiện của mình, Garzilli thậm chí phải tham gia một chương trình trị liệu. Chương trình nghiêm cấm bà không được sử dụng điện thoại cả một ngày. Bà phải tản bộ, tập ngồi thiền hoặc lái xe nếu cơn nghiện bùng phát. Giờ đây, bà đã bắt đầu đầu tư vào các đồng tiền an toàn hơn và có dự định tiết kiệm tiền nghỉ hưu bằng tiền số.

"Thứ mà người bệnh cần điều trị là việc hành động một cách rủi ro", Lia Nower, Giám đốc trung tâm nghiên cứu về cờ bạc tại Đại học Rutgers.

Hai nhà trị liệu Sternlicht và Lin cho biết gần đây số lượng người yêu cầu trị liệu tâm lý liên quan đến vấn đề nghiện tiền số đã tăng đến 40%. Nhiều bệnh nhân đến gặp bác sĩ trong tình trạng số nợ của họ đã lên đến 6 con số, các mối quan hệ bị rạn nứt. Họ còn phải đối diện với chứng trầm cảm và các chứng nghiện khác như cồn hay các chất kích thích.

Tuy nhiên, chi phí trị liệu không rẻ. Phí tư vấn là 2.500 USD, còn liệu trình 45 ngày có giá 25.000 USD. Sternlicht thừa nhận việc điều trị vẫn là một đặc quyền với người có tiền.

"Nhiều người thực sự cần sẽ không thể điều trị", ông cho biết.

Trong khi đó, Lia Nower, Giám đốc trung tâm nghiên cứu về cờ bạc tại Đại học Rutgers, cho rằng việc điều trị chứng nghiện tiền mã hóa cũng không khác gì chứng nghiện cờ bạc.

"Thứ mà người bệnh cần điều trị là việc hành động một cách rủi ro. Mọi nhà trị liệu có thể điều trị chứng nghiện cờ bạc đều có thể trị chứng nghiện giao dịch tiền mã hóa", bà Nower nhận xét.

Gây nghiện hơn cờ bạc

Trong vài năm qua, từ một nhánh nhỏ của thị trường tài chính, tiền kỹ thuật số đã trở thành một làn sóng phổ biến khắp nơi trên thế giới. Giá trị toàn bộ thị trường đã tăng vọt từ 5,4 tỷ USD lên 1,8 nghìn tỷ USD, theo Coin Market Cap.

Tien ma hoa gay nghien anh 3

Những người nghiện tiền số thường là những người phải gánh chịu nhiều nỗi đau tinh thần. Ảnh: Getty Images.

Sự tham gia của những người nổi tiếng càng làm bức tranh tiền mã hóa trở nên đặc sắc và hấp dẫn hơn bao giờ hết. Diễn viên nổi tiếng Matt Damon đã trở thành đại sứ thương hiệu của sàn giao dịch Crypto.com. Tom Brady, “huyền thoại” bóng bầu dục của Mỹ và vợ Gisele Bündchen cũng hợp tác quảng bá cho sàn FTX.

Hàng loạt người nổi tiếng trên YouTube, Instagram và Twitter cũng chia sẻ về cuộc sống thượng lưu của họ cùng với lời khẳng định rằng tiền mã hóa chính là con đường làm giàu nhanh nhất.

"Giao dịch tiền mã hóa gây nghiện giống vé số dạng cào, vì luồng dopamine đột ngột ập tới"- Lia Nower, Giám đốc trung tâm nghiên cứu về cờ bạc tại Đại học Rutgers.

Theo các chuyên gia, tiền mã hóa thậm chí còn gây nghiện hơn cá độ thể thao, cờ bạc hay các mô hình đầu tư truyền thống. Nguyên nhân đầu tiên là vì tiền số có thể giao dịch liên tục, bất kể ngày đêm và không phụ thuộc vào thời gian đóng - mở sàn giao dịch như chứng khoán. Người chơi cũng không cần mất thời gian đi đến các sòng bạc để đầu tư.

Ngoài ra, biến động giá tiền số, đặc biệt là với memecoin, càng khiến cho não bộ trở nên hưng phấn và đạt cảm giác thành tựu mỗi khi hoàn thành giao dịch.

Nhà nghiên cứu Lia Nower cho rằng chính các ứng dụng giao dịch cũng là một nhân tố khiến người dùng dễ sa chân vào cơn nghiện tiền mã hóa hơn. Với các bảng biểu đầy màu sắc, cập nhật liên tục theo thời gian thực, những ứng dụng này khiến việc đầu tư sàn mã hóa trở nên rất hấp dẫn.

"Cũng giống như lý do mọi người thích mua vé số dạng cào, người ta có thể cào điên cuồng và chỉ một giây sau sẽ nhận được phần thưởng. Điều đó mang lại cho họ luồng dopamine đột ngột", bà Nower giải thích lý do người chơi nghiện giao dịch tiền mã hóa.

Tien ma hoa gay nghien anh 4

Những con số xanh - đỏ trong ứng dụng cùng với bản chất giao dịch liên tục khiến thị trường tiền mã hóa gây nghiện. Ảnh: Bloomberg.

Hồi tháng 4, một nghiên cứu được thực hiện tại đại học Tampere, Phần Lan đã chỉ ra rằng những người chơi tiền mã hóa có xu hướng nghiện cờ bạc, video game hoặc Internet. Họ thường là những người phải gánh chịu nhiều nỗi đau tinh thần hay cô đơn.

Tuy nhiên, Ashwin Manicka, đại diện của sàn giao dịch Robinhood, lại không cho rằng ứng dụng của họ khiến người chơi nghiện đầu tư tiền số. Việc “kết tội” như vậy sẽ khiến những người chơi bình thường bị chùn chân khi bước vào thị trường tiền mã hóa.

“Hiện chúng tôi vẫn chưa nhận thấy bất cứ bằng chứng nào về vấn đề này”, vị đại diện khẳng định.

(Theo Zing)

Muôn kiểu sập bẫy trên thị trường tiền số

Muôn kiểu sập bẫy trên thị trường tiền số

Mới đây, một quỹ đầu tư tự phát tiền số công bố thua sạch số tiền góp vốn 16 tỷ đồng của nhà đầu tư. Thế nhưng, trên thị trường tiền số, các cạm bẫy còn nhiều hơn thế.