Trong những năm qua, chúng ta nói rất nhiều về chuyển đổi số. Đại dịch đã thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô và ngành nghề trên thế giới áp dụng công nghệ để có thể duy trì vận hành và phục hồi kinh doanh. Lúc này là thời điểm các doanh nghiệp cần phải tập trung tăng tốc để có thể đạt được nhiều kết quả tốt hơn với nguồn lực ít hơn”, bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam nhận định.

Theo bà Trâm, để làm được điều đó, các doanh nghiệp cần cân nhắc 6 điều kiện thiết yếu sau đây: Dịch chuyển lên nền tảng đám mây; thống nhất dữ liệu và ứng dụng AI làm nền tảng; trao quyền cho các bộ phận; tái tạo năng lượng cho nhân viên; triển khai các quy trình kinh doanh cộng tác; đặt bảo mật làm ưu tiên hàng đầu.

Chuyển đổi số doanh nghiệp có các giai đoạn khác nhau, ban đầu phải xác định dịch chuyển lên mây, song song với đào tạo kiến thức cho nhân viên. Kết hợp với tận dụng trí tuệ nhân tạo để thay đổi mạnh mẽ hơn.

Khi doanh nghiệp quyết định chuyển đổi số, lãnh đạo và bộ phận công nghệ chính là những người tiếp cận chiến lược và triển khai đầu tiên. Song nếu các nhân viên còn lại am hiểu công nghệ thì quá trình chuyển đổi số sẽ diễn ra nhanh và suôn sẻ hơn.

Đây là lời khuyên của chuyên gia Microsoft với doanh nghiệp quyết định chuyển đổi số. Chuẩn bị kiến thức công nghệ cơ bản cho mỗi cá nhân là một trong các điều kiện quan trọng khi doanh nghiệp chuyển mình, tạo lợi thế cạnh tranh cực lớn. Điều này xuất phát từ nghiên cứu cho thấy, 70% ứng dụng trong năm 2025 được xây dựng từ công cụ low-code và no-code - do chính nhân viên xây dựng để áp dụng cho công ty, khách hàng, không phải là ứng dụng do nhà phát triển chuyên nghiệp lập trình. 

Trên đây là một trong các yếu tố được bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam chia sẻ giữa bối cảnh doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi số để duy trì vận hành và phục hồi kinh doanh sau đại dịch.

Bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam. (Ảnh: Hải Đăng)

Tuy vậy, trong giai đoạn trước mắt, điều tiên quyết chính là chuyển đổi lên mây. Dịch chuyển lên đám mây không đơn thuần là di chuyển dữ liệu và các ứng dụng hiện có lên đám mây mà doanh nghiệp cần có khả năng xây dựng những ứng dụng trên nền tảng đám mây đó, gọi là cloud-native. 

Nghiên cứu cho thấy khoảng 95% ứng dụng sẽ là cloud- native vào năm 2025 và doanh nghiệp nào không dịch chuyển lên đám mây sẽ bị bỏ lại phía sau. Nhận định này phù hợp với chiến lược của Việt Nam khi xác định đám mây là một trong các hạ tầng quan trọng của hạ tầng số.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần ưu tiên bảo mật nhằm bảo vệ dữ liệu và giữ an toàn cho hệ thống công nghệ. Ước tính đến năm 2025, tội phạm mạng sẽ gây thiệt hại khoảng 10 nghìn tỷ USD trên toàn thế giới. Trong đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ là nhóm dễ tổn thương nhất. 

Tại Châu Á - Thái Bình Dương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98% và là nơi làm việc của 50% lực lượng lao động, đóng vai trò quan trọng đối với sự thịnh vượng của nền kinh tế - xã hội. 

Đại diện Microsoft khuyên các doanh nghiệp cần triển khai phương pháp xác thực đa yếu tố, xây dựng kiến trúc Zero-trust trong mọi sản phẩm và giải pháp để bảo vệ tổ chức.

Chia sẻ với VietNamNet mới đây, ông Conor McNamara, Tổng giám đốc AWS Đông Nam Á, cũng có ý kiến tương tự về bảo mật điện toán đám mây. Ngoài trung tâm dữ liệu phải được bảo vệ, các thuật toán, dịch vụ cũng cần đạt tiêu chuẩn an toàn cao nhất; dữ liệu được mã hoá, phân quyền và đáp ứng tiêu chuẩn ngành.

Sau khi lên mây và được bảo mật, doanh nghiệp nên tiến tới thống nhất dữ liệu và ứng dụng Al làm nền tảng. Hiện nay, AI được sử dụng để phân tích dữ liệu, đưa ra dự báo tương lai và giải quyết các vấn đề hiện tại. 

Khi áp dụng các giải pháp ở trên, các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam trở nên hiệu quả hơn, linh hoạt hơn, bứt phá nhanh hơn với ít nguồn lực hơn, ít thời gian hơn và ít chi phí hơn.