Với tốc độ chuyển đổi số ngày càng nhanh và thực tế lực lượng lao động trên không gian mạng cũng gia tăng nhanh chóng, mạng đã và đang trở thành yếu tố quan trọng quyết định thành công của doanh nghiệp.

Các đội phụ trách Trung tâm điều hành mạng (NOC) đang đặt niềm tin nhiều hơn vào các công cụ quản lý dựa trên trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa khả năng hiển thị của mạng, cải thiện thời gian phản hồi trước các hành vi bất thường, kịp thời ứng phó với các sự cố mạng tiềm ẩn.  

Công ty tư vấn và nghiên cứu toàn cầu Gartner cho rằng, khi các tổ chức tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, các đội vận hành CNTT sẽ không thể chỉ phản hồi các vấn đề sau khi chúng xảy ra nữa. Thay vào đó, bản thân việc vận hành phải trở nên chủ động trên toàn bộ chuỗi giá trị và tập trung vào giải quyết các vấn đề tiềm ẩn trước khi chúng ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng.

Fortinet vừa tích hợp công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo AIOps vào toàn bộ danh mục các thiết bị, giải pháp mạng của hãng.

Trong thông tin chia sẻ mới đây về việc tiếp tục đưa công nghệ AIOps vào các thiết bị, giải pháp mạng, hãng cung cấp giải pháp an toàn thông tin Fortinet cho biết, hãng bắt đầu nghiên cứu, ứng dụng máy học (ML) và trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản phẩm của mình cách đây 1 thập kỷ.

Đến nay, FortiGuard Labs đã có thể xử lý hơn 100 tỷ hành vi có liên quan đến bảo mật mỗi ngày với dữ liệu thu thập từ hơn 6 triệu thiết bị. Qua đó, giúp cung cấp những thông tin giá trị, cho phép đội ngũ kỹ thuật có thể nhanh chóng xác định các nguy cơ và mã độc, giảm số lượng báo động giả, phát hiện các mối đe dọa nội bộ đồng thời kích hoạt cả phản hồi an ninh mạng tự động và thủ công.

Ông John Maddison, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách sản phẩm kiêm Giám đốc Tiếp thị của Fortinet cho biết thêm: “Chúng tôi đang tiếp tục đổi mới và tự động hóa AI thông qua việc đưa công nghệ AIOps vào các thiết bị, giải pháp mạng doanh nghiệp chủ lực của mình nhằm giúp khách hàng đơn giản hóa công tác lắp đặt và cải thiện thời gian vận hành của hệ thống. Những cải tiến mới này là bước tiến đáng kể hướng tới các mạng lưới tự phục hồi thực sự, nơi hội tụ cả yếu tố kết nối và bảo mật”.

Cụ thể, công nghệ AIOps đã được Fortinet đưa vào thiết bị SD-WAN, thiết bị mạng có dây/không dây và bộ phát 5G/LTE. Theo đó, khi được tích hợp công nghệ này, giải pháp Secure SD-WAN có khả năng theo dõi các chỉ số như giao diện, tài nguyên hệ thống và băng thông ISP, cũng như khả năng tính toán các đường SLA (thỏa thuận mức độ dịch vụ ggiữa nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng – PV) để luôn đảm bảo hệ thống đạt được hiệu suất tối ưu.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Brandon Butler, Giám đốc Nghiên cứu, Bộ phận mạng doanh nghiệp, Công ty IDC nhận định, việc ứng dụng công nghệ AIOps và mạng LAN, mạng LAN không dây và mạng WAN hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp trong chuyển đổi số, cho phép các đội vận hành mạng có thể chủ động tối ưu hóa hệ thống qua các thiết bị SD-WAN, thiết bị mạng có dây/không dây và bộ phát 5G/LTE - từ một nền tảng và bảng điều khiển quản lý duy nhất.

Công nghệ học máy được ứng dụng trong giải pháp Internet Shield Cloud hỗ trợ phát hiện các hành vi bất thường trong mạng.

Việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào các sản phẩm, giải pháp bảo mật đã được nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin triển khai. Đơn cử như, giải pháp bảo mật trên nền tảng công nghệ đám mây Internet Shield Cloud được CyRadar chính thức ra mắt năm 2019 đã ứng dụng công nghệ học máy, dữ liệu lớn trong việc phát hiện hành vi bất thường trong mạng, phân tích nội dung để nhận diện trang web lừa đảo hay phân tích các file lạ để xác định có chứa mã độc, thậm chí dự đoán các nguồn tấn công mới.

Sử dụng trí tuệ nhân tạo, phần mềm diệt virus Bkav 2022 giúp người dùng chống các hành vi đánh cắp dữ liệu.

Hay với Bkav, phần mềm diệt virus năm 2022 của doanh nghiệp này đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để chống các hành vi đánh cắp dữ liệu cá nhân. Cụ thể, công nghệ mới hỗ trợ giám sát thời gian thực, phát hiện và ngăn chặn sớm các hành vi nguy hiểm như đánh cắp đánh cắp tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, tài khoản email, các cookies cũng như các thông tin cá nhân quan trọng khác của người dùng.

Ông Trần Minh Quảng, chuyên gia Viettel Cyber Security.

Trong chia sẻ tại hội thảo chuyển đổi số ngành tài chính hồi trung tuần tháng 11, chuyên gia Trần Minh Quảng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và chia sẻ nguy cơ an ninh mạng, Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security) trong bối cánh chuyển đổi số nhanh chóng ngày nay, khi mà khối lượng dữ liệu đã trở nên vô cùng lớn, các tổ chức, doanh nghiệp cần lựa chọn các giải pháp an toàn thông tin mạng có ứng dụng công nghệ cao, như: giải pháp có sự tự động hóa trong việc xử lý các nguy cơ, hay áp dụng các công nghệ mới như học máy, trí tuệ nhân tạo trong sản phẩm.

Tuy vậy, theo thống kê, những giải pháp có tính công nghệ cao như Threat Intelligence (Hệ thống hông tin mối đe dọa an ninh mạng – PV) hay SOAR (Hệ thống điều phối, tự động hóa và phản ứng an toàn thông tin) đến nay mới chỉ được triển khai trong phạm vi rất nhỏ, dưới 10% với các doanh nghiệp lớn, và dưới 20% với các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. “Các tỷ lệ này cần được cải thiện trong thời gian tới”, chuyên gia Viettel Cyber Security nêu quan điểm.