Hiện Việt Nam đang tập trung cho chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Vậy 5G có thể hỗ trợ được gì cho quá trình chuyển đổi số này tại Việt Nam hay không?

Tôi nhận thấy Chính phủ Việt Nam đã đưa ra chiến lược mạnh mẽ về Công nghiệp 4.0, chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Việt Nam cũng đang cố gắng triển khai các giải pháp để phát triển hướng tới năm 2030 trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Đấy là những mục tiêu rất quan trọng, trong đó, 5G là một trong những điều kiện tiên quyết để xây dựng hạ tầng số, thu hút đầu tư nước ngoài cũng như thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước.

{keywords}
Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào

5G đóng vai trò nền tảng của hạ tầng số trong nền kinh tế số, hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới trong rất nhiều ngành kinh tế quan trọng như giao thông vận tải, năng lượng, nông nghiệp, y tế…  Với nền kinh tế trước đây, chúng ta phải xây dựng đường xá, cầu cống, sân bay, cảng biển, tòa nhà… Nhưng với nền kinh tế số thì cần hạ tầng số và 5G sẽ là một yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy việc phát triển kinh tế số cũng như phát triển kinh tế một cách toàn diện. Bên cạnh đó, 5G là hạ tầng để phát triển thành phố và đô thị thông minh, và là một nền tảng quan trọng của nền kinh tế số để hỗ trợ con người, hỗ trợ ứng dụng các công nghệ mới như robot trong rất nhiều ngành khác nhau. Khi ứng dụng 5G, công nghệ 4.0 sẽ trở thành tiền đề rất quan trọng để thu hút các ngành đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thông minh, đồng thời thu hút đầu tư của cả trong và ngoài nước.

Theo dự báo của Ericsson thì đến năm 2025 sẽ có khoảng 2/3 các doanh nghiệp đa quốc gia thành lập Trung tâm sản xuất ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Nếu Việt Nam đã chuẩn bị sẵn hạ tầng số dựa trên công nghệ 5G thì đó sẽ là điều kiện tốt để thu hút đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, Việt Nam có đầy đủ các hiệp định thương mại tự do với các nước, là lợi thế rất quan trọng. Tôi nhận thấy, Chính phủ Việt Nam cũng có những sáng kiến và cam kết mạnh mẽ trong việc triển khai 5G với việc cho phép 3 nhà mạng lớn nhất thử nghiệm thương mại 5G.

Với những thị trường mà Ericsson đã triển khai thì 5G đã tác động như thế nào với kinh tế xã hội ở quốc gia đó?

Chúng ta thấy rằng nếu cứ tăng 10% thuê bao băng rộng (4G, 5G) sẽ thúc đẩy tăng 0,8% GDP. Hiện Ericsson cung cấp và hỗ trợ cho 70/110 mạng 5G trên toàn cầu, và là nhà cung cấp giải pháp mạng hàng đầu trên thế giới. Hàn Quốc triển khai thương mại 5G vào tháng 4/2019, và cuối năm 2020 đã có 9 triệu thuê bao 5G. Mỗi thuê bao 5G trung bình dùng hết 27GB/ 1 tháng. Nếu so với thuê bao 4G thì một thuê bao 5G tiêu dùng data gấp 3 lần. Có thể nói rằng mức độ gia tăng như vậy là do một số yếu tố như hiệu năng mạng tốt hơn, độ trễ của 5G thấp hơn, thông lượng tốt hơn, cho phép sử dụng ứng dụng cloud gaming (chơi game trên môi trường điện toán đám mây), thực tại ảo tăng cường (AR) hoặc video streaming, nó đạt được đến chất lượng cao hơn trước đây.

Tại Mỹ, các nhà mạng như Verizon, AT&T cũng đang tăng tốc việc triển khai 5G để hỗ trợ quá trình số hóa và nó cũng mang lại những lợi ích giống như ở Hàn Quốc. Đặc biệt, trong đại dịch Covid 19 vừa rồi, chúng tôi thấy rằng các nước đã có 5G có thể ứng phó với đại dịch tốt hơn so với những quốc gia chưa có hạ tầng này. Họ có thể hỗ trợ tốt hơn các ứng dụng trong học tập từ xa, y tế từ xa…

Bên cạnh đó, hệ sinh thái 5G bao gồm các nhà mạng viễn thông, của các nhà sản xuất nội dung, các nhà cung cấp thiết bị, cung cấp giải pháp mạng đang hợp tác với nhau để tạo ra những ứng dụng mới. 5G có ưu thế khi có băng thông lớn, độ trễ thấp hơn, chi phí trên mỗi bit rẻ hơn nên sẽ hỗ trợ cho những ứng dụng mới tốt hơn. 5G là nền tảng đổi mới sáng tạo cho phép đưa ra các giải pháp dành cho người tiêu dùng. Hơn nữa, đối tượng người dùng 5G không chỉ là người tiêu dùng cá nhân mà nó còn hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, đạt hiệu quả cao trong sản xuất.

Có ý kiến cho rằng Việt Nam chưa khai thác hết 4G, vậy tại sao lại phải triển khai 5G. Ông bình luận gì về vấn đề này và 4G sẽ phục vụ cho lớp khách hàng nào thưa ông?

Trong thời gian tới, Việt Nam vẫn cần cả mạng 4G và 5G. Một mặt, Việt Nam vẫn cần tập trung mở rộng 4G vì theo tôi nghĩ 4G có tương lai sáng chứ không bị mất đi, thậm chí nó sẽ tồn tại trong vòng 10-15 năm nữa. Trong đại dịch covid 19 vừa qua, chúng ta thấy rằng 4G đã phát huy hiệu quả trong làm việc từ xa, học tập từ xa, giáo dục từ xa và sẽ có nhiều người tiếp tục sử dụng 4G trong nhiều năm nữa. Tuy nhiên, 5G sẽ bổ sung thêm cho 4G ở phương diện trải nghiệm mạng phong phú hơn, nhiều dịch vụ di động băng rộng hơn, chất lượng mạng tốt hơn thông qua độ trễ thấp hơn.

Dịch vụ 5G không chỉ là kết nối giữa người với người mà nó còn là giữa các thiết bị IoT. Như vậy, 5G sẽ đẩy mật độ kết nối thuê bao tăng lên rất nhiều lần so với mạng 4G khi nó được triển khai cho các đô thị thông minh, nhà máy thông minh… Hơn nữa, 5G không chỉ hỗ trợ người dùng cá nhân mà nó còn dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực để triển khai công nghiệp 4.0. Khi có nhiều doanh nghiệp sử dụng 5G thì sẽ tạo ra được nhiều việc làm và tăng cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đang có một chiến lược phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp và nâng cao kỹ năng số của người dân để phát triển các doanh nghiệp trong nước, hướng tới xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Trong tương lai, dựa trên nền tảng như vậy, sẽ có nhiều công ty tương tự như Google, Amazon hình thành ở Việt Nam và Ericsson tin tưởng mạnh mẽ vào định hướng, tầm nhìn, chiến lược, sáng kiến về chuyển đổi số của Việt Nam.

Hiện các nhà mạng Việt Nam đang triển khai thử nghiệm thương mại và sắp tới sẽ chính thức cung cấp dịch vụ 5G. Với kinh nghiệm của ông thì Việt Nam nên chuẩn bị những gì cho lộ trình thương mại 5G của mình và Ericsson sẽ hỗ trợ như thế nào?

Trọng tâm năm 2021 của Ericsson là giúp các nhà mạng tiếp cận với nhiều ngành khác nhau như sản xuất, năng lượng, giao thông vận tải… vì 5G sẽ giúp cho các nhà mạng hướng tới các doanh nghiệp nhiều hơn là người dùng. Những công nghệ mới của Ericsson sẽ giúp phân vùng mạng của nhà mạng và sử dụng một phần riêng cho doanh nghiệp để họ triển khai các sáng kiến sản xuất thông minh, nhà máy thông minh hoặc đô thị thông minh. Chúng tôi sẽ giúp cho các nhà mạng ở giai đoạn ban đầu thử nghiệm các tình huống sử dụng ở một khu công nghiệp nhất định. Nếu thành công, mô hình này sẽ từng bước được nhân rộng ra nhiều nơi khác trên phạm vi toàn quốc.

Những hệ thống 4G mà Ericsson đã triển khai tại Việt Nam từ năm 2015 có thể nâng cấp lên 5G bằng phần mềm (software upgrade), thậm chí vẫn sử dụng chung 1 băng tần như vậy. Nhờ đó, nếu trước đây nhà mạng đã lựa chọn giải pháp 4G của Ericsson thì lộ trình nâng cấp lên 5G là rất dễ dàng và nhanh chóng. Đó là chế độ triển khai cho các nhà mạng viễn thông. Với các mạng 5G dành cho các khu công nghiệp, cho các doanh nghiệp bao gồm các thiết bị lõi hay các thiết bị vô tuyến thì trong thời gian tới, Ericsson cũng sẽ giới thiệu và triển khai hệ thống 5G SA (Standalone) như chúng tôi đã triển khai ở Úc, Mỹ, Nhật.

Cảm ơn ông!

PV (Thực hiện)