Bộ TT&TT cho biết, thời gian qua, các quy định trong Luật CNTT năm 2006 đã góp phần giúp ngành công nghiệp CNTT đạt được những kết quả quan trọng. Các quy định trong Luật CNTT và những văn bản quy phạm pháp luật liên quan cũng đã cơ bản thiết lập được hành lang pháp lý cho các hoạt động ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử của các cơ quan nhà nước, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Về cơ bản, hệ thống pháp lý về CNTT trong thời gian qua đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, ngoài những kết quả đã đạt được trong quá trình thực hiện Luật CNTT, hệ thống pháp lý về CNTT cũng như các hoạt động triển khai ứng dụng, phát triển CNTT, công tác quản lý nhà nước về CNTT thời gian qua còn một số tồn tại, bất cập.

Các quy định trong Luật CNTT và những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã cơ bản thiết lập được hành lang pháp lý cho hoạt động ứng dụng CNTT. 

Cũng theo Bộ TT&TT, để giải quyết một cách tổng thể những bất cập về phát triển CNTT, công nghiệp CNTT trong Luật CNTT, cần xây dựng văn bản cấp luật với mục tiêu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp công nghệ số; thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; Việt Nam trở thành môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số.

Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất và làm chủ về công nghệ lõi; phát triển nội dung số, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đồng thời, khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số; thay thế nội dung về phát triển công nghiệp CNTT trong Luật CNTT bằng các nội dung của Luật Công nghiệp công nghệ số.

Tại Nghị quyết 13 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2022, Chính phủ đã thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số. (Ảnh minh họa)

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, trong năm 2021, Bộ đã tiến hành lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số theo quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số đã được trình Chính phủ và đưa vào phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2022.

Chính phủ đã ra Nghị quyết 13 ngày 30/1/2022 về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01/2022, trong đó có nội dung chỉ đạo về đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số.

Bộ TT&TT đang hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số báo cáo Chính phủ trước khi gửi sang Bộ Tư pháp để bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Dự kiến, dự án Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua vào năm 2024.

Ngày 1/11, để có đủ cơ sở trình Chính phủ dự thảo phiên bản mới của đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, Bộ TT&TT đã tiếp tục lấy ý kiến các bộ liên quan. Sau khi tổng hợp, giải trình tiếp thu ý kiến các bộ, Bộ TT&TT sẽ gửi Bộ Tư pháp đề nghị thẩm định lại hồ sơ đề nghị xây dựng Luật.

Cùng với yêu cầu Bộ TT&TT khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện báo cáo của Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát pháp luật, trong đó có nội dung nghiên cứu, rà soát Luật CNTT, gửi cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định.

Vân Anh