Thời tiết rét đậm rét hại ở miền Bắc và se lạnh về tối ở miền Nam là dịp thích hợp để sắm sửa ngay một chiếc bình nóng lạnh. Lâu nay, người Việt vẫn có thói quen lựa chọn bình tắm nóng lạnh theo sự tư vấn cơ bản của người bán, đó là miền Bắc dùng bình nóng lạnh gián tiếp, miền Nam sử dụng máy nóng lạnh trực tiếp.

Trên thực tế, sự tư vấn này là không sai, nhưng chưa hoàn toàn đầy đủ ở thời điểm hiện tại khi công nghệ trên các loại bình tắm nóng lạnh đã thay đổi đáng kể so với trước kia. Tất nhiên, kéo theo đó là các loại máy hiện đại có giá trị đắt hơn hẳn so với ngày trước. 

Với những gia đình đông người, sống ở khu vực có thời tiết lạnh giá như mùa đông ở miền Bắc, bình nước nóng gián tiếp là lựa chọn gần như không thể khác. Nguyên lý hoạt động của loại máy này là đun nước nóng trước (lên tới 80 độ C) và dự trữ trong bình, sau đó người dùng mới lấy nước này ra để tắm, sinh hoạt. 

{keywords}
Bình nóng lạnh gián tiếp đun nước trong bình nên dung tích lớn và cồng kềnh

Các loại bình này thường có dung tích chứa nước nóng từ 15, 20 đến 30 lít. Trung bình, một người lớn tắm hết khoảng 30 - 50 lít nước ấm bằng vòi hoa sen, hoặc từ 150 - 300 lít nếu tắm bồn. Hiện nay có rất nhiều nhà sản xuất và phân phối các loại bình nóng lạnh với giá cả rất đa dạng, dao động từ 2 - 4 triệu đồng. 

Do phải chờ nước đun sôi, bình nước nóng gián tiếp khó có thể dùng cho nhiều người tắm liên tục mà phải chờ đun cho đủ nước nóng, thời gian từ 10-30 phút tùy từng dòng máy. Vì thế, một số nhà sản xuất đã cho ra đời dòng máy nước nóng trực tiếp, tức nước lạnh được lấy và đun trực tiếp cho ra nước nóng (khoảng 55 độ) để có thể sử dụng ngay.

Với công nghệ cũ, máy nước nóng trực tiếp hoạt động theo nguyên lý rất đơn giản là dùng điện đun nóng sợi đốt bên trong, từ đó làm nóng nước. Do đó, nước chảy từ máy sẽ không nóng ngay lập tức đến nhiệt độ cam kết mà cần chờ vài phút. Vì lẽ đó, người dùng nên hứng nước vào bồn hoặc xô, chậu đến một mức nhất định kết hợp điều chỉnh vòi nước sao cho đạt được nhiệt độ lý tưởng.

Cũng vì đun trực tiếp không thể đạt được nhiệt độ cao như bình nước nóng gián tiếp, loại máy này thường được khuyến khích sử dụng ở những nơi có nhiệt độ chỉ hơi se lạnh, thời tiết trên dưới 20 độ C. Vùng núi cao hoặc nơi đặc biệt lạnh giá, máy nước nóng trực tiếp sẽ không cho ra nước đủ ấm để tắm.

Tuy nhiên, đó là các loại máy thế hệ cũ, theo thời gian, các nhà sản xuất đã cải tiến và cho ra đời các loại máy nóng lạnh trực tiếp công nghệ mới, đun nước sôi nhanh hơn với nhiệt độ cao hơn. Có thể kể đến các loại máy nóng lạnh bằng gas, tia hồng ngoại và bơm nhiệt (heat pump).

Với máy nóng lạnh bằng gas, đơn giản là thiết bị này sử dụng một bình gas (của bếp gas) để đun nước nóng ngay lập tức mà không cần dùng đến điện. Phương pháp này cũng tương tự như việc bạn đun sôi ấm nước để tắm ngày xưa.

Tuy nhiên, sử dụng gas là tương đối nguy hiểm ở không gian kín do đó loại máy này chỉ phù hợp với không gian mở như nhà hàng, cửa hàng cắt tóc gội đầu hoặc phòng tắm thông thoáng. Do cấu tạo đơn giản, giá thành của máy chỉ dao động trong khoảng dưới 2 triệu đồng, chưa tính tiền thay bình gas. 

{keywords}
Máy nóng lạnh trực tiếp đun nước lấy từ vòi nên nhỏ gọn, nhưng nước không quá nóng nếu sử dụng ở những vùng đặc biệt lạnh giá

Cao cấp và an toàn hơn là các loại máy làm nóng bằng tia hồng ngoại, tức làm nóng nước khi đi qua ống thạch anh. Phương thức làm nóng này về cơ bản là an toàn và thậm chí còn làm sạch nguồn nước dù nhiệt độ chỉ đạt ngưỡng 55 độ C. Loại máy này có giá trong khoảng trên dưới 4 triệu đồng.

Loại cuối cùng là máy nước nóng bơm nhiệt (heat pump), nhưng thường được sử dụng trong các căn hộ, khách sạn với mức giá lên tới vài chục triệu đồng. 

Như vậy, người dùng cá nhân chỉ cần để ý đến hai loại máy nước nóng trực tiếp hoặc bình nóng lạnh gián tiếp. Với máy nước nóng trực tiếp, người dùng cần chú ý đến khâu lắp đặt, hệ thống an toàn chống rò điện. Với bình nóng lạnh gián tiếp, người dùng không nên bật cả ngày và chú ý bảo trì định kỳ để tránh tình trạng rơ-le hỏng không tự ngắt khi quá nhiệt làm hơi nước thoát ra gây cháy nổ.

Phương Nguyễn

Kiểu dùng bình nóng lạnh mùa đông khiến bạn méo mặt với hóa đơn điện

Kiểu dùng bình nóng lạnh mùa đông khiến bạn méo mặt với hóa đơn điện

Nếu vẫn giữ những thói quen này khi sử dụng bình nóng lạnh, đặc biệt là trong mùa đông thì đừng hỏi tại sao hóa đơn tiền điện tăng vùn vụt.