Nguyệt thực diễn ra tại Việt Nam vào tối nay. Không chỉ tại Việt Nam, nguyệt thực toàn phần tối 8/11 có thể quan sát được tại nhiều nước Châu Á, Australia, New Zealand và Châu Mỹ. Các nước thuộc khu vực Nam Á, Trung Á và Nga sẽ có thể quan sát nguyệt thực một phần. 

Thời điểm bắt đầu quan sát được nguyệt thực toàn phần là 17h16. Tuy vậy, do Mặt Trăng còn ở vị trí thấp, sát với đường chân trời, người xem cần tìm đến những khu vực quang đãng mới có thể quan sát được nguyệt thực toàn phần. 

Diễn biến chính của một kỳ nguyệt thực. 

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc sẽ không có mưa trong chiều và tối nay (8/11). Tương tự là khu vực phía bắc các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Đây là một trong những điều kiện thời tiết quan trọng để quan sát nguyệt thực. 

Với các tỉnh thành phía Nam, bao gồm các tỉnh thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, thời tiết sẽ trở xấu lúc về tối, một vài nơi có mưa rào và dông, thậm chí có lốc sét và gió giật mạnh. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc quan sát nguyệt thực. 

Còn một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến việc quan sát, đó là lượng mây và các vật cản như nhà cửa, cây cối. Do vậy, để quan sát được tốt nhất, người xem cần tìm đến những điểm cao, ít mây, nơi có tầm nhìn rộng. 

Theo ghi nhận của VietNamNet, ở thời điểm 17h16 chiều 8/11, bầu trời Hà Nội xuất hiện nhiều mây. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc quan sát nguyệt thực.

Đến khoảng 7h thì bầu trời Hà Nội đã bớt mây mù và có nhiều khả năng sẽ quan sát được nguyệt thực.

Tại TP.HCM, nhiều người cũng tập trung ở những khu vực như công viên bến Bạch Đằng - Quận 1 để đón xem hiện tượng thiên nhiên thú vị này.

Bạn Ngô Trần Tiến, sinh viên Đại học Hutech TPHCM cho biết không quan sát được mặt trăng do mây mù, nên bạn và nhưng người khác đang chuyển sang quan sát sao Mộc.
Dòng người xếp hàng trước một kính thiên văn để xem sao Mộc.
Thời điểm 18h45 tại TPHCM mặt trăng vẫn không hiện rõ do bị mây che phủ. Theo phần mềm, nguyệt thực toàn phần đang dần mất đi.
Có khoảng 3 kính thiên văn được các thành viên HAAC (Thiên văn không khoảng cách) mang ra Bến Bạch Đằng để người xem quan sát miễn phí.
Bạn Diệu Hiền, một người đam mê thiên văn, đang quan sát nguyệt thực qua kính thiên văn. Bạn khá tiếc vì trăng hơi mờ, tuy nhiên vẫn xem được tương đối rõ qua kính.
Một bạn trẻ đang dùng smartphone ghi lại cảnh nhiều năm mới có một lần.
Khoảng hơn trăm người háo hức nhưng rất trật tự cùng nhau chia sẻ ống nhòm, kính thiên văn để quan sát nguyệt thực. Nhiều bạn tận dụng dịp này để gặp gỡ chia sẻ niềm đam mê khoa học.
Chị Linh (quận 5) dẫn con đi xem hiện tượng "trăng máu". Dù không được thấy trọn vẹn mặt trăng đỏ tươi nhưng qua kính thiên văn, một vệt tròn đỏ vẫn hiển thị. Bé N. con chị Linh thể hiện niềm vui khi lần đầu biết được khái niệm "trăng máu" là gì.

Anh Nam Nguyễn (TP.HCM) cùng gia đình lên ngắm nguyệt thực trên sân thượng. Sau khi quan sát và chụp được ảnh, anh cho biết đây là lần mặt trăng to nhất (gần trái đất nhất) anh từng chụp.

Hình ảnh nguyệt thực toàn phần tại TP.HCM. (Ảnh: Nam Nguyễn)

TS Nguyễn Ngọc Huy (Huy Nguyen), chuyên gia biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiên tai cho biết, hơi tiếc khi vào thời điểm diễn ra nguyệt thực toàn phần, bầu trời ở nhiều nơi bị che bởi mây mù tầng thấp nên không thấy được cảnh trăng máu (mặt trăng đỏ au). Một số vùng quang mây nên quan sát rõ hơn như Thanh Hóa, Nghệ An hay vài tỉnh khu vực phía Nam. TS Huy Nguyên đã may mắn chụp được những bức ảnh nguyệt thực rất ấn tượng dưới đây. Mời độc giả VietNamNet cũng ngắm nhìn:

Cũng tham gia "săn ảnh" tối nay, TS Tâm lý học Đặng Hoàng Ngân chia sẻ: "Một 'mụ trăng ửng đỏ' làm tâm điểm của bầu trời đêm nay. Nhưng nếu bạn bền bỉ tìm kiếm, bức ảnh này có 5 bé sao lấp lánh chúc điều tốt lành cho bạn".

Trọng Đạt - Hải Đăng