“Về nhà” đột nhiên trở thành khao khát của nhiều người Trung Quốc đang sinh sống ở nước ngoài. Dòng người đổ về đây trong thời gian này cho thấy đại dịch Covid-19 đã thay đổi nhiều đến thế nào trong vài tuần gần đây. Trong khi Trung Quốc đạt được bước tiến trong khống chế dịch bệnh, các nước khác lại chứng kiến số ca tăng vọt. Không nước nào bị ảnh hưởng nặng nề như Italy, nơi có hơn 41.000 ca nhiễm và hơn 3.400 ca tử vong.

Tất nhiên, hành trình về nhà không hề đơn giản do lệnh hạn chế di chuyển, cấm bay của nhiều quốc gia cũng như giá vé đắt đỏ, khó kiếm. Trong khi đó, với nhà chức trách Trung Quốc, các ca Covid-19 “nhập khẩu” lại là mối lo lắng mới, tới mức họ phải hối thúc sinh viên không về nếu không cần thiết và tăng cường sử dụng big data để theo dõi hành khách.

Trong họp báo diễn ra hôm 18/3, ông Pang Xinghuo – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Bắc Kinh – phát biểu: “Trừ trường hợp cần thiết, sinh viên Trung Quốc học tập ở nước ngoài nên tạm hoãn các chuyến đi về nhà hoặc đến các nơi có tỉ lệ lây nhiễm cao để giảm thiểu rủi ro nhiễm bệnh trên các chuyến bay kéo dài”.

Cục Xuất nhập cảnh Quốc gia Trung Quốc hôm 16/3 thông báo từ khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3, hơn 62.700 người đã nhập cảnh Trung Quốc từ các khu vực có “nguy cơ cao” như Italy, Hàn Quốc, Iran. 90% quốc tịch Trung Quốc.

Tuần trước, Bắc Kinh thông báo chính sách cách ly 2 tuần đối với những người đến nước này. Các thành phố có sân bay quốc tế lớn cũng đưa ra quy định tương tự. Đến ngày 16/3, Ủy ban Y tế Quốc gia phải tổ chức cuộc họp đặc biệt để thảo luận về các phương pháp ngăn chặn luồng lây nhiễm từ nước ngoài.

Cùng ngày, Trung Quốc ghi nhận 20 ca “nhập khẩu”, nâng tổng số lên 143.

Trong thông cáo báo chí về cuộc họp, Ủy ban Y tế viết: “Trung Quốc có nhiều người dân đang sống ở nước ngoài, bao gồm du học sinh, và nhiều người trong số họ muốn trở về nhà, mang đến các thách thức mới cho chúng tôi trong kiềm chế dịch bệnh”.

Cách ly chỉ là một phần trong chiến lược phòng vệ của Bắc Kinh. Trung Quốc đang sử dụng các biện pháp công nghệ cao, dựa vào dữ liệu lớn thu thập được qua nhiều năm giám sát công dân. Dữ liệu được kết hợp với trí tuệ nhân tạo để xác định cá nhân có nguy cơ bị nhiễm cao.

Hôm 15/3, Zhang Huanhuan tỉnh dậy vì tin nhắn bất ngờ của bố. Ông nói đã nhận được cuộc gọi từ một công chức nhà nước để hỏi liệu con gái có về nhà trong thời gian tới không. “Nếu sắp về, bố mẹ tôi cần thông báo số hiệu chuyến bay và thời gian hạ cánh cho chính quyền ngay lập tức”.

Cô gái 25 tuổi đang làm đại lý du lịch tại Osaka, Nhật Bản. Bố mẹ cô sống tại Nam Kinh, Trung Quốc. Dù chưa về nhà trong gần một năm, chính quyền vẫn biết cô đang sống tại Nhật Bản và kiểm tra về ý định của cô.

Zhang không phải người duy nhất bị “gắn cờ”. Hơn 1 triệu dữ liệu di chuyển của người Trung Quốc đã được Cục Xuất nhập cảnh chia sẻ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền trên khắp cả nước. Thông tin được công bố tại buổi họp báo tổ chức hôm 16/3.

Những người Trung Quốc hồi hương được yêu cầu tự nguyện đăng ký số hiệu chuyến bay, tình trạng sức khỏe với chính quyền địa phương và cục xuất nhập cảnh trước khi lên máy bay để nhà chức trách có thể sẵn sàng xét nghiệm và bố trí cách ly.

Ông Liu Haitao, phụ trách Thanh tra biên giới của Cục Xuất nhập cảnh, nói với phóng viên rằng chia sẻ thông tin như vậy tốt hơn cho công tác ngăn ngừa và khống chế virus. “Chúng tôi bảo đảm dữ liệu được bảo mật, quyền riêng tư được tôn trọng trong quá trình chia sẻ thông tin”.

Không phải ai cũng thoải mái khi lịch sử di chuyển của họ được chia sẻ. Tuy nhiên, Zhang lại không. Cô cho rằng đây chỉ là biện pháp cần thiết để quốc gia tránh được một đợt dịch khác và cô hiểu chính quyền phải làm điều đó. “Tôi không thấy quyền riêng tư của mình bị xâm phạm hay bị theo dõi. Tôi không làm gì sai và không có gì phải giấu diếm”.