{keywords}
 

Sáng kiến an ninh mạng toàn cầu được Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi giới thiệu tại Bắc Kinh hôm 8/9 trong bối cảnh Mỹ tiếp tục gây sức ép lên các hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc. Có 8 điểm chính trong sáng kiến, bao gồm không dùng nghệ để làm suy yếu hạ tầng quan trọng hay đánh cắp dữ liệu nước khác, bảo đảm nhà cung cấp dịch vụ không cài cửa hậu trên sản phẩm và thu thập trái phép dữ liệu người dùng.

Theo ông Wang, sáng kiến muốn chấm dứt các hoạt động xâm phạm dựa trên thông tin cá nhân, chống lại việc dùng công nghệ để tiến hành giám sát quy mô lớn chống lại nước khác. Nhiều điểm dường như muốn làm rõ các cáo buộc từ phía Washington. Mỹ tố doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đe dọa an ninh quốc gia thông qua thu thập dữ liệu người dùng và gửi về Bắc Kinh.

Ông Wang khẳng định “chúng tôi không và sẽ không yêu cầu công ty Trung Quốc chuyển dữ liệu nước ngoài về chính phủ, vi phạm luật nước khác”. Bất kỳ ai đăng ký tham gia sáng kiến đều phải tôn trọng chủ quyền, quyền tài phán và quản lý dữ liệu của các nước khác, tránh hỏi các tập thể/cá nhân cung cấp dữ liệu khi chưa có sự cho phép.

Trung Quốc đặt ra quy định riêng về kiểm duyệt và dữ liệu. Hệ thống Great Firewall nổi tiếng chặn đứng các dịch vụ như Google và Facebook, trong khi nhà chức trách có quyền yêu cầu công ty Internet trong nước gỡ bỏ nội dung. Các nước khác như Australia đã bày tỏ lo ngại về một số phần trong luật pháp Trung Quốc, dường như có thể cưỡng ép doanh nghiệp trao dữ liệu cho Bắc Kinh nếu cần.

Không rõ nước nào sẽ đăng ký sáng kiến của Trung Quốc hay nó sẽ được thi hành ra sao. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang muốn nâng cao vai trò trong việc lập ra tiêu chuẩn trên toàn cầu về nhiều lĩnh vực, từ dữ liệu tới viễn thông.

Ngoài ra, ông Wang cũng không quên chĩa mũi dùi về Mỹ khi công bố sáng kiến. “Dựa trên các hành động đơn phương, một nước đang tạo ra các cáo buộc vô căn cứ chống lại các nước khác dưới danh nghĩa “làm sạch” mạng lưới và dùng an ninh mạng như một cái cớ để “săn” doanh nghiệp của nước khác, những người sở hữu lợi thế cạnh tranh. Những hành động bắt nạt trắng trợn như vậy phải bị phản đối và từ chối”.

Tháng trước, Mỹ giới thiệu sáng kiến “Clean Network”, chương trình nhằm “bảo vệ tài sản quốc gia, bao gồm quyền riêng tư công dân và thông tin nhạy cảm nhất của công ty từ hành vi xâm phạm ráo riết của các thế lực độc hại như Trung Quốc”. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết có hơn 30 nước đã tham gia nhưng không nêu tên.

Trong lúc này, Washington tung ra nhiều đòn nhắm vào doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc. Tháng 8, Mỹ mở rộng lệnh cấm vài tháng trước, về cơ bản chặn đường tiếp cận nguồn cung bán dẫn quan trọng của Huawei. Tổng thống Trump còn ký sắc lệnh hành pháp, cấm giao dịch với ByteDance và Tencent.

Các nước khác cũng đã chặn một số hãng công nghệ Trung Quốc. Chẳng hạn, Huawei không được tham gia triển khai 5G tại Australia và Anh. Ấn Độ cấm 118 ứng dụng Trung Quốc vì căng thẳng tại biên giới.

Du Lam (Theo CNBC)

Mỹ cân nhắc cấm nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc

Mỹ cân nhắc cấm nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc

SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, là đối tượng lọt tầm ngắm tiếp theo của Washington sau Huawei, TikTok, WeChat.