Dùng ô tô ảo thay ô tô thật

Ngành ô tô toàn cầu hiện chứng kiến mức độ cạnh tranh khốc liệt. Từ việc ra đời và phát triển mạnh mẽ của xe điện, xe lai, đến mức người ta có thể nghĩ đến xe bay. 

Trong bối cảnh đó, ông Olivier Colmard, Phó Chủ tịch phụ trách chuyển đổi số của hãng xe Renault (Pháp), khẳng định cả tập đoàn phải chuyển đổi số ở mức tốt nhất nhằm gia tăng cạnh tranh.

Một trong những thay đổi của tập đoàn là hợp tác với hãng phát triển phần mềm Dassault Systèmes để tạo ra những chiếc ô tô kỹ thuật số trên máy tính, được dùng trong công tác nghiên cứu, thay vì phải dùng ô tô thật như trước. Những chiếc ô tô do máy tính tạo ra được gọi là các bản sao số (digital twin) vì chúng phát triển dựa trên nguyên mẫu thật.

Trên ô tô ảo, người ta có thể dùng thử tính năng mới, thêm thắt các thiết kế hoặc thậm chí thử nghiệm các vụ va chạm... Việc này tiết kiệm chi phí hơn so với sử dụng ô tô thật.

 Ô tô ảo được dùng để thử nghiệm tính năng mới, đây là cách tiết kiệm hơn so với dùng ô tô thật. (Nguồn: Renault)

Ngoài ra, vì là một phiên bản trên máy tính, mọi người ở trên toàn cầu khi được cấp quyền đều có thể quan sát, chỉnh sửa ô tô ảo.

“Sử dụng các bản sao số giúp chúng tôi tiết kiệm một nửa chi phí sản phẩm mẫu”, ông Olivier cho biết.

Ứng dụng thành phố ảo để quy hoạch đô thị

Ngoài mảng xe hơi, trên thế giới đã ứng dụng phương pháp bản sao số trong các lĩnh vực nhà máy thông minh, bán lẻ, chăm sóc sức khoẻ, chuỗi cung ứng... 

Đặc biệt, ông Gian Paolo Bassi, Phó Chủ tịch cao cấp Dassault Systèmes cho rằng có thể ứng dụng mô hình bản sao số trong quy hoạch đô thị thông minh tại Việt Nam. Ông cho biết tại nhiều nơi như Singapore, Ấn Độ, Pháp, Hong Kong (Trung Quốc) đã sử dụng phương pháp này để tổ chức không gian đô thị.

 Ông Gian Paolo Bassi, Phó Chủ tịch cao cấp Dassault Systèmes. (Ảnh: Hải Đăng)

Theo đó, máy tính sẽ xây dựng mô hình ảo của một thành phố hoặc một đơn vị hành chính (phường/xã). Trên thành phố ảo, những nhà quản lý có thể thêm vào những dữ liệu để phục vụ công tác thử nghiệm, phân tích, quản lý.

Chẳng hạn, thành phố “bản sao” trên máy tính có thể có thông tin về đường sá, điện, chiếu sáng, giao thông, chung cư, nhà ở… Khi cần phân tích lĩnh vực nào, nhà quản lý chỉ việc điều chỉnh các thông số để thấy kết quả. 

Ông Gian Paolo Bassi lấy ví dụ, khi một dãy chung cư mới được xây lên hoặc số lượng người ra đường tăng cao đột ngột dịp lễ, Tết thì nhà quản lý có thể dự đoán những kịch bản có thể xảy ra. Từ đây việc đưa ra quyết định và đối phó tình huống sẽ trở nên dễ dàng hơn.

“Hoặc khi bạn muốn xây một tuyến xe buýt thì phải thực hiện phân tích dữ liệu, chứ không thể tự đánh giá trên kinh nghiệm”, Phó Chủ tịch cao cấp Dassault Systèmes chia sẻ.

Thay vì tốn chi phí nghiên cứu trên thành phố thật, nhà quản lý có thể chọn thao tác trên thành phố ảo. Dựa trên cơ sở dữ liệu sẵn có hoặc tận dụng hệ thống camera trên phố, người ta có thể đo đạc được số lượng người di chuyển, hướng di chuyển, tần suất di chuyển... trên các khu phố.

Khi những dữ liệu này được đưa vào thành phố ảo, máy tính có thể phân tích tình hình kẹt xe, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông. Từ đó có đủ dữ liệu để quyết định lập tuyến xe buýt ở đâu, qua các đoạn đường nào, vào thời điểm nào cần tăng cường xe… Vì các bản sao số này hiển thị trên nền tảng đám mây nên những chuyên gia và người quản lý có thể quan sát hay góp ý từ xa.

 Một góc mô hình ảo của Singapore dùng trong quy hoạch đô thị. (Nguồn: Dassault Systèmes)

Theo ông Gian Paolo Bassi, Singapore đang sử dụng mô hình ảo để phục vụ cho nhiều mục đích quản lý khác nhau. Chẳng hạn, vì có tới 30% diện tích đất nằm ở độ cao dưới 5m so với mực nước biển, Singapore phải dùng các hệ thống cảnh báo sớm, trong đó có mô hình thành phố ảo nhằm ứng phó kịp thời khi nước biển dâng.

Hải Đăng