Các tranh luận về việc chấm dứt sử dụng giây nhuận đã kéo dài hơn 15 năm nay song vẫn chưa có hồi kết.

Hội nghị Tương lai giờ quốc tế do Cục Tần số Vô tuyến điện tổ chức vừa diễn ra sáng nay, 23/9, nhằm tập hợp ý kiến các chuyên gia, các cơ quan liên quan, xác lập quan điểm của Việt Nam trong cuộc tranh luận về giây nhuận nói trên.

{keywords}
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến. Ảnh: Lê Văn

Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, hiện tại, trên thế giới tồn tại 3 quan điểm. Liên minh viễn thông châu Á-Thái Bình Dương (APT) và Ủy ban Viễn thông các nước Bắc-Nam Mỹ (CITEL) ủng hộ việc chấm dứt thêm giây nhuận. Trong khi đó, khối các nước Ả Rập và Liên bang Nga thì có quan điểm tiếp tục sử dụng giây nhuận. Khối các quốc gia châu Phi và châu Âu cho tới nay vẫn chưa đưa ra được quan điểm chung.

Theo ông Cảnh, đề xuất dừng sử dụng giây nhuận lần đầu tiên được đưa ra vào năm 1999, tới nay, đã hơn 15 năm, trải qua nhiều lần hội nghị, song vẫn chưa đạt được sự đồng thuận chung. Dự kiến, vấn đề này sẽ tiếp tục được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị tần số vô tuyến thế giới 2015 diễn ra vào đầu tháng 11 tới đây tại Thụy Sĩ.

Các ý kiến ủng hộ việc chấm dứt dùng giây nhuận cho rằng, việc thêm giây nhuận không còn phù hợp với công nghệ mới và nhiều quốc gia, tổ chức đang phải chịu thiệt hại do việc thêm giây nhuận gây ra.

Chẳng hạn như lần thêm giây nhuận vào năm 2012 đã khiến hệ thống máy tính của hãng hàng không tại Australia gặp trục trặc khiến 400 chuyến bay đã bị trễ. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng báo cáo rằng họ phải tiêu tốn tới hơn 100 ngàn USD trong tháng 6/2012 vì việc thêm giây nhuận.

Tuy nhiên, quan điểm duy trì việc thêm giây nhuận thì cho rằng, việc thêm giây nhuận chưa xảy ra vấn đề thực sự nghiêm trọng, cũng chưa có đủ bằng chứng về vấn đề kỹ thuật trong khi đó, nếu dừng sử dụng giây nhuận, sẽ chấm dứt mối liên kết giữa thời gian và tốc độ quay của Trái đất.

Tại hội thảo, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, thực chất, các quan điểm khác nhau trong cuộc tranh luận về giây nhuận phụ thuộc vào hạ tầng công nghệ, nhất là công nghệ định vị.

Hiện tại trên thế giới đang phát triển 4 hệ thống định vị toàn cầu gồm: GPS của Mỹ, Glonass của Nga, Galileo của Liên hiệp châu Âu và Bắc Đẩu của Trung Quốc. Trong bốn hệ thống này chỉ có hệ thống Glonas là sử dụng thang UTC với giây nhuận. Ba hệ thống còn lại phổ biến sử dụng thang thời gian liên tục, không thêm giây nhuận.

Chính vì vậy, trong các phát biểu của mình, Nga và các nước thuộc liên minh RCC đưa ý kiến nếu bỏ giây nhuận thì họ phải bỏ chi phí đính sửa lại hệ thống này. Trong khi đó, Trung Quốc, Mỹ là những quốc gia ủng hộ việc dừng sử dụng giây nhuận.

Bên cạnh yếu tố công nghệ, cuộc tranh luận này còn liên quan tới các yếu tố xã hội. Chẳng hạn việc Anh phản đối dừng giây nhuận lại thuần túy bắt nguồn từ yếu tố truyền thống lịch sử.

Theo tính toán, nếu bỏ giây nhuận thì tới năm 2700, lúc đó giờ UTC lệch 30 phút so với hiện tại. Khi đó đúng 12 giờ mặt trời sẽ không nằm trên kinh tuyến gốc Greenwich của Anh nữa, ông Hoan phân tích.

Ông Hoan cũng cho biết, hiện tại, tại Việt Nam hiện vẫn chưa có báo cáo ảnh hưởng do giây nhuận gây ra. Tuy nhiên, việc dừng sử dụng giây nhuận, tạo thang thời gian liên tục sẽ tạo thuận lợi cho các hạ tầng công nghệ.

Do vậy, với cuộc tranh luận có dừng sử dụng giây nhuận hay không, Việt Nam sẽ giữ quan điểm hài hòa trong khu vực và trong toàn cầu, ông Hoan khẳng định.

Yếu tố quan trọng nhất của việc ngừng giây nhuận không phải là vấn đề sử dụng mà là vấn đề phổ biến, quảng bá lên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các phương tiện truyền thông điện tử”, ông Hoan nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến tại Hội thảo cũng bày tỏ băn khoăn khi dừng sử giây nhuận. Chẳng hạn như đại diện Trung tâm điều khiển và Khai thác vệ tinh nhỏ thuộc Viện Công nghệ Vũ trụ, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam băn khoăn rằng, hiện tại, hệ thống VNREDSat-1 vẫn đang chèn thêm giây nhuận trong quá trình hoạt động, do vậy, không biết nếu dừng giây nhuận sẽ có trục trặc gì không.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc bỏ giây nhuận đang trở thành xu hướng, song tại Việt Nam vẫn cần có khảo sát cụ thể hơn về những tác động mà nó có thể gây ra khi thực hiện.

Giây nhuận là gì?

Văn phòng quốc tế về trọng lượng và đo lường (BIPM), có trụ sở ở Pháp, hiện dùng một hệ thống gồm 250 đồng hồ nguyên tử được đặt rải rác trên thế giới, quyết định về thời gian nguyên tử quốc tế (TAI - International Atomic Time) và thời gian phối hợp toàn cầu (UTC - Coordinate Universal Time). Tuy nhiên, TAI được tính toán dựa trên máy móc, trong khi UTC được tính dựa theo các chu kỳ mọc và lặn của Mặt trời.

Do Trái đất tự quay không đều, theo thời gian thì ngày Mặt trời trở nên dài hơn, dẫn đến chênh lệch rất nhỏ trong chu kỳ tự quay của Trái đất nhưng cũng đủ để tạo ra sự khác biệt giữa giờ TAI và giờ UTC. Do đó, đôi khi cần điều chỉnh lại thời gian và cách điều chỉnh là thêm vào giờ UTC một giây, gọi là “giây nhuận” .

Giây nguyên tử là nhanh hơn một chút hơn so với giá trị nó lẽ ra phải có để giữ cho ngày trung bình chính xác bằng 86.400 giây nguyên tử. Vì Trái đất tự quay chậm dần đi, tần suất thêm vào các giây nhuận sẽ tăng lên theo thời gian.

Các giây nhuận chỉ được tính ở cuối tháng UTC, và đã từng được chèn thêm vào cuối ngày 30 tháng 6 hoặc 31 tháng 12. Lần thêm giây nhuận gần đây nhất là 30/6/2015.

P.V