Đây là chia sẻ đáng chú ý vừa được đưa ra tại Hội thảo chuyên đề về đô thị thông minh thuộc Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 (Industry Summit 4.0) diễn ra ngày 10/11/2021. 

Trong một thành phố thông minh sẽ bao gồm cả giáo dục thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh,... Thành phố thông minh sẽ bao gồm hàng tỷ các kết nối giữa những thiết bị IoT, kéo theo đó là một lượng dữ liệu khổng lồ. Để xử lý, khai thác những dữ liệu đó, chúng ta cần phải dùng đến trí tuệ nhân tạo. 

Theo nghiên cứu của McKensey Global Institute, ứng dụng AI sẽ cải thiện các chỉ số chính về chất lượng cuộc sống từ 10-30%. Điều này cho thấy giá trị của AI mang lại cho người dân là rất lớn. 

Cần phát triển nhiều camera an ninh Make in Vietnam 

AI chính là trọng tâm của tất cả các lĩnh vực xung quanh thành phố thông minh. Việc tăng tỷ lệ camera, đặc biệt là camera thông minh là một trong những hướng triển khai đô thị thông minh và tăng khả năng ứng dụng công nghệ AI vào đời sống.

{keywords}
Ông Vũ Thanh Thắng - Viện trưởng Viện nghiên cứu AI (Tập đoàn Bkav). Ảnh: Trọng Đạt

Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Thanh Thắng - Viện trưởng Viện nghiên cứu AI (Tập đoàn Bkav) cho biết, chỉ trong năm 2020, chính phủ Mỹ đã đầu tư 4,9 tỷ USD cho AI. Với các cường quốc lớn khác trên thế giới, mức đầu tư của Trung Quốc cho AI là 10 tỷ USD, Anh 1,3 tỷ USD, Đức 3,3 tỷ USD. 

Xét trên bình diện thế giới, các tập đoàn lớn đang đầu tư mạnh mẽ cho việc phát triển trí tuệ nhân tạo bởi công nghệ AI mang lại giá trị rõ ràng, sắc nét và có tác động mạnh mẽ ngay lập tức đến việc tăng trưởng kinh tế. 

Có một điều đáng chú ý khi theo ông Vũ Thanh Thắng, camera AI là một trong những đặc điểm nổi trội của thành phố thông minh. Camera AI có thể cung cấp khả năng nhận diện khuôn mặt, xác định đối tượng vật thể, có thể nghe hiểu, nói ra những suy nghĩ như con người. 

{keywords}
Số liệu thống kê về lượng camera đã triển khai đến hết năm 2019 tại một số nước phát triển. 

Tính đến hết năm 2019, về camera trên đầu người, Mỹ là quốc gia có tỷ lệ này cao nhất với khoảng 15,3 camera/100 người. Tại Trung Quốc, tỷ lệ này là 14,4 camera/100 dân và có thể tăng lên gấp 3 vào năm 2023. Đây cũng là đất nước sở hữu số lượng camera lớn nhất với khoảng 200 triệu camera trên khắp lãnh thổ. 

Tại khu vực châu Âu, Đức là quốc gia sở hữu nhiều camera nhất với tỷ lệ 6,3 camera/100 người, tỷ lệ này tại Anh là 7,5 camera /100 người và tại Nhật  là 2,7 camera/100 người. Có thể thấy các quốc gia phát triển trên thế giới đang rất tích cực ứng dụng camera trong việc giám sát và đảm bảo an ninh. 

{keywords}
Camera ứng dụng AI sẽ là lời giải cho các bài toán của đô thị thông minh. 

Đối với Việt Nam, hiện cả nước đang có khoảng 2,6 triệu camera an ninh. Tỷ lệ camera của nước ta là khoảng 2,6 camera/100 dân. 

Theo ông Thắng, nếu tăng tỷ lệ camera lên khoảng 10 camera/100 dân để phục vụ việc giám sát, chúng ta có thể tiết kiệm được một lượng lớn lao động giản đơn nhằm sử dụng cho các mục đích khác tạo ra giá trị cao hơn. 

Vị chuyên gia này cho rằng, để phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam, điều kiện đầu tiên là phải chuẩn hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng ICT để ứng dụng AI vào thành phố thông minh. 

Do các giải pháp và thiết bị ứng dụng AI nhập ngoại có chi phí rất cao, các doanh nghiệp trong nước cần tự chủ động phát triển các thiết bị IoT Make in Vietnam để tự giải bài toán Việt Nam, đồng thời tiết kiệm một lượng lớn ngoại tệ. 

15% camera an ninh tại Việt Nam có nguy cơ bị bán dữ liệu?

Bên cạnh những tiện ích của hệ thống camera an ninh, cũng cần phải nói đến mặt trái của những thiết bị này khi chúng rất có thể bị lợi dụng nếu rơi vào vòng kiểm soát của giới tin tặc. 

Thực tế cho thấy, khoảng 15% số camera an ninh tại Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ bị rò rỉ dữ liệu. Để kiểm thử điều này, bạn có thể vào trang web shodan.io. 

Nếu như Google, Yahoo, Bing có khả năng tìm kiếm các dữ liệu dạng text, hình ảnh thì với Shodan, trang web này giúp bạn tìm thấy tất cả các thiết bị đang trực tuyến trên Internet. 

{keywords}
Có thể dễ dàng tìm ra khoảng 367.000 chiếc camera an ninh Việt Nam đang có thông tin hiện diện đầy đủ trên Internet. Nếu không cẩn thận, đây sẽ là chìa khóa để cánh tin tặc xâm nhập vào mỗi gia đình.  

Chỉ cần gõ từ khóa “camera country:vn”, bạn sẽ thấy tại Việt Nam hiện có 367.000 camera giám sát đang trực tuyến trên mạng. Phần lớn (chiếm tới 98,9%) số camera này có xuất xứ từ một nhà sản xuất Trung Quốc Hikvision. 

Đã có không ít những lỗ hổng bảo mật được phát hiện trên những chiếc camera Hikision. Do đó, có thể thấy nguy cơ nhãn tiền trong việc triển khai các ngôi nhà thông minh, đô thị thông minh, khi chúng ta rất có thể đang tự tay trao quyền cho chính các tin tặc. 

Với việc có khoảng 2,6 triệu chiếc camera an ninh đang hoạt động tại Việt Nam, cứ 7 camera giám sát Việt lại có 1 chiếc đang “online”. Và đó rất có thể chính là chiếc camera nhà bạn. 

{keywords}
Tin dùng các giải pháp camera an ninh trong nước là cách tốt nhất để giải bài toán Việt Nam. 

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các hacker xâm nhập được vào những chiếc camera giám sát đang trực tuyến? Ngoài vấn đề an ninh, các hình ảnh, video ghi lại hành động nhạy cảm của bạn đều có thể bị chia sẻ ra ngoài. 

Đây là điều thực tế đã xảy ra bởi hồi tháng 4 năm nay, tại Việt Nam từng nở rộ tình trạng mua bán clip từ những tài khoản camera mà đối tượng xấu đánh cắp được. Tùy theo chất lượng nội dung, các hội nhóm rao bán clip 18+ sẽ thu phí từ 100.000 đến 250.000 đồng.

Đây là một bài toán mà các cơ quan quản lý nhà nước cần phải giải quyết trước trong quá trình phát triển các đô thị thông minh. Tin dùng hàng Việt, đầu tư vào các sản phẩm Make in Việt Nam có lẽ là cách thích hợp nhất để giải câu chuyện đó.

Trọng Đạt

41/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đang xây dựng đô thị thông minh

41/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đang xây dựng đô thị thông minh

Đây là số lượng các tỉnh, thành phố đang triển khai xây dựng đề án về đô thị thông minh, trong đó, bao gồm đề án cho toàn tỉnh và đề án cho đô thị trực thuộc tỉnh.