Để có thêm ý kiến đóng góp giúp hoàn thiện Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” của Hà Nội, báo VietNamNet xin giới thiệu ý kiến của ông Phan Bá Mạnh, CEO Công ty cổ phần AN VUI, đơn vị đang tham gia cung cấp các giải pháp công nghệ hỗ trợ chuyển đổi số lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ:

Còn nhiều điểm chưa thấu đáo

Chủ trương giảm phát thải môi trường và giảm ùn tắc giao thông cho nội đô Hà Nội là một chủ trương đúng đắn và đã được Hội đồng nhân dân thành phố nêu rõ tại Nghị quyết 04 ngày 4/7/2017. Xây dựng Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”, là 1 trong 37 giải pháp đã được Hà Nội xác định tại Nghị quyết này.

Ông Phan Bá Mạnh, CEO Công ty cổ phần AN VUI, đơn vị đang triển khai các giải pháp nhà xe thông minh, bến xe điện tử. (Ảnh NVCC)

Tuy vậy, nếu căn cứ theo dự thảo Đề án mới được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Tramoc) báo cáo lên Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tôi cho rằng vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự thấu đáo, phù hợp, khiến cho dư luận không khỏi băn khoăn về tính khả thi của Đề án.

Trước hết, theo tôi, đối tượng áp dụng thu phí của Đề án chưa thực sự thuyết phục rằng, liệu khi triển khai có giúp giảm ùn tắc giao thông trong nội đô.

Cụ thể, theo đề xuất của Tramoc, các phương tiện ô tô cá nhân từ ngoại thành vào nội đô Hà Nội là đối tượng thu phí. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng thành phố vẫn cần có nghiên cứu để biết có phải lượng xe cá nhân từ ngoại thành Hà Nội là nguyên nhân chính gây ùn tắc hay không?

Bởi lẽ, vấn đề gây ùn tắc có thể nằm ở chính quy hoạch hạ tầng của Hà Nội không đáp ứng được nhu cầu của nội đô. Đó là chưa kể đến việc người lao động có những việc cấp thiết phải vào thành phố, họ sẽ sẵn sàng đóng phí để vào, khi đó mục tiêu giảm phát thải không đạt và mục tiêu giảm ùn tắc cũng không được giải quyết.

Mặt khác, với đề xuất của Tramoc, số lượng trạm thu phí phương tiện có thể tăng đến 100 trạm. Đây là điểm cho thấy mạng lưới giao thông nội đô Hà Nội rất phức tạp và thiếu quy hoạch, dẫn đến phải bố trí quá nhiều trạm thu phí làm tăng chi phí đầu tư ban đầu, đồng thời giảm đi tính hiệu quả của biện pháp thu phí.

Do vậy, Thành phố cần tính toán thật kỹ nguồn thu và chi phí đầu tư, cũng như mức độ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế. Và liệu khi áp dụng biện pháp này, có xảy ra tình trạng người dân bị “phí chồng phí”, vì hiện nay phí môi trường đã được đánh trên xăng dầu.

Bên cạnh đó, bãi đỗ xe tại các cửa ngõ của nội thành Hà Nội hiện nay ra sao cũng là một vấn đề thành phố cần quan tâm, khi tính toán áp dụng giải pháp thu phí phương tiện vào nội đô. 

Bởi lẽ, mục tiêu của Đề án là giảm phương tiện giao thông ngoại thành vào nội đô nhằm giảm ùn tắc, thế nhưng việc quy hoạch các bãi đỗ xe, để xe ngoại tỉnh có thể gửi xe cá nhân, trước khi tham gia vào mạng lưới giao thông công cộng trong nội thành hiện đang rất khó. Nếu không sắp xếp được bãi xe để người dân có thể gửi xe cá nhân và tham gia giao thông đô thị, thì gần như việc giảm ùn tắc sẽ khó khả thi.

Ngoài ra, mức phí thế nào cho phù hợp cũng là vấn đề Hà Nội cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Nếu mức phí thu lớn ảnh hưởng tới việc chi trả của người dân, còn mức phí thu nhỏ sẽ không đủ chi phí vận hành mạng lưới hàng trăm điểm thu phí. Không những thế, theo tôi, nếu tính cả phí gửi xe tại ngoại thành, phí tham gia mạng lưới giao thông công cộng có thể còn lớn hơn cả phí giảm ùn tắc mà Đề án đề xuất. 

Đưa thêm công nghệ vào hỗ trợ quản lý phương tiện 

Để có thể giải quyết tối ưu bài toán ùn tắc giao thông nội đô và giảm phát thải môi trường ở Hà Nội nói riêng và các đô thị khác nói chung, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, từ quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng giao thông, mạng lưới các phương tiện giao thông công cộng, phương tiện sử dụng năng lượng sạch, cũng như cần thực hiện phân luồng, phân tuyến khoa học. Tiếp sau đó mới đến việc thu phí với các phương tiện vào nội thành, tùy theo nguy cơ phát thải và gây ùn tắc khác nhau mà có mức phí khác nhau.

Cụ thể, thành phố cần phải cải tiến mạng lưới giao thông đô thị, phân bổ luồng tuyến phù hợp và kết hợp với quy hoạch xây dựng khu dân cư để tối ưu mạng lưới giao thông.

Cùng với đó, cần khuyến khích chuyển đổi từ phương tiện tham gia giao thông sử dụng năng lượng sạch để giảm phát thải; nâng cao chất lượng của phương tiện và chất lượng phục vụ của mạng lưới giao thông công cộng như xe bus, tàu điện, BRT.

Theo ông Phan Bá Mạnh, ứng dụng các hệ thống camera dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo là một trong những biện pháp thành phố nên cân nhắc triển khai. (Ảnh minh họa: Internet)

Đặc biệt, các siêu đô thị như Hà Nội nhất thiết phải đẩy mạnh đưa công nghệ vào để hỗ trợ quản lý các phương tiện, hệ thống giao thông một cách thông minh, đồng thời tận dụng những hạ tầng đã được trang bị thay vì đầu tư mới tránh lãng phí. 

Ví dụ như, hiện nay mỗi phương tiện ô tô đã được dán thẻ thu phí không dừng, nếu triển khai việc định danh điện tử các phương tiện thì cần tích hợp luôn vào thẻ thu phí không dừng, thay vì phát sinh ra những loại thẻ mới.

Ứng dụng các hệ thống camera dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cũng là biện pháp thành phố nên cân nhắc triển khai. Với việc ứng dụng các hệ thống camera AI, thành phố sẽ có thể đo đếm được lưu lượng người tham gia giao thông để cảnh báo và dự báo ùn tắc, giúp cho người dân có thể tránh được những cung đường có nguy cơ ùn tắc. Ngoài ra, những số liệu thống kê từ các hệ thống này có thể giúp cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà quy hoạch đô thị tham khảo để đưa ra giải pháp phù hợp.

Phan Bá Mạnh, Tổng giám đốc Công ty AN VUI